Trải nghiệm quý ở cơ sở cai nghiện ma túy

Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng) được thành lập từ tháng 12/2003, nhiều năm qua kiên trì thực hiện tiêu chí xây dựng nơi đây có 1 'không gian mở' với hàng rào 'mềm', hiện đang quản lý, điều trị cai nghiện cho hơn 600 học viên. Hơn 20 năm qua, nơi đây được coi là một trong những cơ sở cai nghiện tiêu biểu của miền bắc cũng như cả nước.

Bảng truyền thông tại Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng). (Ảnh: Văn Quân)

Bảng truyền thông tại Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh (Hải Phòng). (Ảnh: Văn Quân)

Cơ sở đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tiếp nhận và tổ chức chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho đối tượng nghiện ma túy; Giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; Tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất, tạo việc làm, hướng nghiệp dạy nghề cho học viên, giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện. Từ một cơ sở ban đầu còn nhỏ bé, khó khăn đến nay cơ sở có cơ ngơi khang trang với diện tích hơn 70ha.

Những ấn tượng ở Gia Minh

Trong không gian hiền hòa với núi rừng, thiên nhiên, thày trò nơi đây đã xây dựng và hình thành một văn hóa ứng xử: 3 không "Không hàng rào, không bạo lực và không công cụ hỗ trợ", 3 cùng "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm" và 4 biết "Biết tên, biết diện, biết mặt, biết nhân thân", giúp tình hình an ninh trật tự luôn được giữ gìn bảo đảm an toàn.

Khuôn viên rộng hơn 70ha rộng rãi, thoáng mát, phủ đầy mầu xanh, mầu của hi vọng, giúp học viên an tâm cai nghiện thành công. (Ảnh: Trần Hiền)

Khuôn viên rộng hơn 70ha rộng rãi, thoáng mát, phủ đầy mầu xanh, mầu của hi vọng, giúp học viên an tâm cai nghiện thành công. (Ảnh: Trần Hiền)

Người cai nghiện đến đây, 100% được cắt cơn an toàn, được tư vấn, giảng dạy các kiến thức kỹ năng hòa nhập cộng đồng; đào tạo nghề tại chỗ, phục hồi kĩ năng lao động. Ngoài ra, cơ sở còn triển khai các mô hình quản lý sau cai tự nguyện, tạo việc làm, ổn định đời sống cho đối tượng sau cai nghiện.

10 năm qua, cơ sở đã xây dựng thành công mô hình cộng tác viên với quy trình “chọn lọc” 4 bước. Đó là, người cai nghiện đã cai nghiện thành công ít nhất 2 năm, có sự tự nguyện, phải tạo được niềm tin, phải học việc ít nhất 2 năm. Sau đó mới được xem xét, tuyển vào làm việc.

Những cộng tác viên được xét duyệt ở lại cơ sở được coi như người thầy dìu dắt những học viên khác, bởi họ là những người từng trong cuộc, hiểu và nắm rõ tâm lý người đến đây cai nghiện hơn ai hết. Sự chia sẻ, đồng cảm, hướng dẫn tận tình, chu đáo xem học viên như người thân, khiến học viên coi đội ngũ cộng tác viên như ân nhân, từ đó có thêm lòng tin, niềm tin giúp họ cai nghiện thành công.

Điều ấn tượng khi đến khu nhà thăm gặp dễ dàng nhìn thấy khẩu hiệu: “Mẹ ngoảnh đi con dại, Mẹ ngoảnh lại con khôn. Nuôi con không dạy, lỗi ở người Cha”, có tác dụng cảnh tỉnh rất lớn đối với thân nhân gia đình cũng như chính các học viên nơi này.

Sản phẩm gốm "thương hiệu" Gia Minh do chính bàn tay học viên làm nên và được bán tại mỗi phiên chợ tình nghĩa.

Sản phẩm gốm "thương hiệu" Gia Minh do chính bàn tay học viên làm nên và được bán tại mỗi phiên chợ tình nghĩa.

Hằng tháng, theo quy định, gia đình học viên được thăm gặp con em mình hai lần, cũng chính là thời điểm phiên chợ tình nghĩa họp diễn ra tại khuôn viên rộng rãi đằng sau dãy nhà thăm gặp.

Ở phiên chợ, người bán hàng chính là học viên cai nghiện tại trung tâm đem bán sản phẩm "cây nhà lá vườn" do họ làm ra. Người mua là thân nhân, gia đình. Ngoài giờ thăm gặp, người đến thăm sẽ mua chính những sản phẩm của những học viên nơi này làm ra để cả hai đều cảm nhận và trân trọng nỗ lực trong việc cắt cơn nghiện, vượt qua chính mình, và lao động, rèn luyện của những người một thời lầm lỡ, tưởng chừng như đã trở thành 1 phế nhân, vô dụng.

Mặt hàng bán tại đây có thể là các loại nông sản do chính học viên trồng, hay những sản phẩm thủ công: tàu thủy đan bằng tre, gỗ, các sản phẩm từ gốm mang chính thương hiệu Gia Minh.

Tuyệt đối nói không với ma túy

Phó Trưởng phòng Giáo dục-Tư vấn Cơ sở cai nghiện ma túy Gia Minh Phạm Văn Nguyên cho biết: học viên lớn tuổi nhất tại cơ sở là 74 tuổi, nhỏ nhất mới chỉ đang học lớp 6. Đáng lo ngại, người nghiện ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Cơ sở đã từng tiếp nhận hàng chục trẻ vị thành niên. Từ đầu năm 2024, cơ sở tiếp nhận hơn 10 trẻ vị thành niên.

Ông Phạm Văn Nguyên chia sẻ: Công tác cai nghiện ma túy vô vùng phức tạp. Người nghiện ma túy được coi là một loại bệnh mãn tính cần được điều trị lâu dài như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh nghiện cần được điều trị lâu dài, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và hỗ trợ tâm lý xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự giúp đỡ của đội ngũ y tế, xã hội, bản thân người bệnh cũng phải là người tự chữa cho mình mới có thể đạt hiệu quả lâu dài.

Giao lưu cùng học viên và cán bộ cơ sở cai nghiện Gia Minh.

Giao lưu cùng học viên và cán bộ cơ sở cai nghiện Gia Minh.

Chúng tôi gặp Lưu Phương Nam, mặc dù chỉ sinh năm 2007 nhưng đã quay trở lại cơ sở để cai nghiện lần thứ 2. Nam cho biết do cha mẹ không sát sao quản lý, lại đua đòi theo bạn bè nên đã tiếp xúc với chất ma túy từ năm lớp 6. Ban đầu chỉ là thuốc lá điện tử, sau đó là sử dụng cần sa và trở thành con nghiện. Trả lời câu hỏi khi vào đây, điều luyến tiếc nhất của Nam là gì, Nam bảo: đó là bị gián đoạn học hành, không được đến trường cùng bạn bè trang lứa, mất quyền tự do và phải chịu sự quản lý, giáo dục ở nơi này.

Còn Lò Văn Lợi quê ở Điện Biên, sử dụng ma túy từ năm 26 tuổi trong thời gian làm công nhân xây dựng thời vụ. Xa gia đình, vợ con, cuộc đời 1 thợ xây tự do buồn, nhàm chán sau những giờ lao động cật lực, bạn bè rủ rê nên Lợi đã thử và mắc nghiện lúc nào không hay. Hiện, Lợi vào trại cùng hành trang duy nhất là hai bàn tay trắng đúng nghĩa, không tài sản, không gia đình và vợ con.

Còn Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục-Tư vấn Đoàn Thị Hạnh chia sẻ: Điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone là phương pháp điều trị hiệu quả đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện (gọi chung là nghiện).

Việc điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, đối với những người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá ketamin thì không có tác dụng. Sử dụng "kép" các loại ma túy tổng hợp, ma túy thế hệ mới dẫn đến loạn thần, ảo giác, có học viên vào trại 3 tháng vẫn hoang tưởng, không cắt nổi cơn.

Bà Hạnh khẳng định: những người đã nghiện ma túy thường có tỉ lệ tái nghiện rất cao, nhất là những người sử dụng các chất ma túy thế hệ mới. Rất ít người nghiện có thể giữ mình tránh xa được ma túy trong thời gian dài. Tại cơ sở cai nghiện Gia Minh, có những trường hợp quay lại 2, 3 chục lần… để cai nghiện. Chỉ có một biện pháp đặc hiệu để cai nghiện đó là tuyệt đối nói không với ma túy.

Theo báo cáo từ Bộ Công an, hiện, cả nước có gần 230 nghìn người nghiện, người sử dụng, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý.

Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi.

Một ngày cuối tháng 6, hàng chục cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và 200 công nhân, lao động thành phố Hải Phòng lần đầu tiên được tham gia chương trình trải nghiệm thực tế về tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024.

Đoàn công tác gồm cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham gia trải nghiệm thực tế.

Đoàn công tác gồm cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham gia trải nghiệm thực tế.

Chia sẻ tác hại của ma túy với cán bộ công đoàn, công nhân lao động có mặt tại đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Ngọ Duy Hiểu nói: Gần đây, do có nhiều sự tác động trong xã hội, đặc biệt, thủ đoạn của các loại tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cùng sự xuất hiện của nhiều loại ma túy tổng hợp len lỏi vào mọi mặt của đời sống.

Chính vì lẽ đó, nếu chúng ta không cảnh giác, đấu tranh để vượt qua chính mình, bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng của tội phạm ma túy. 1 người nghiện ma túy kéo theo rất nhiều người nghiện và hệ lụy của ma túy không thể kể xiết cho bản thân người nghiện cũng như gia đình họ và xã hội.

Thăm khu điều trị, cắt cơn của những học viên đang cai nghiện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng Nguyễn Thị Hương và nhiều cán bộ công đoàn khác không giấu nổi sự xót xa, tiếc nuối khi chứng kiến những người nghiện đang vật vã đau đớn trong giai đoạn cắt cơn, chân tay bị xích vào thành giường để bảo đảm an toàn cho chính họ.

Chị Hương chia sẻ: xã hội đang mất đi rất nhiều nhân lực trẻ, đang độ tuổi sung sức, đẹp đẽ của cuộc đời. Sau đợt trải nghiệm đầy ý nghĩa và nhân văn này, mỗi cán bộ công đoàn chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân lao động trước cơn lốc ma túy đang hoành hành hiện nay.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trai-nghiem-quy-o-co-so-cai-nghien-ma-tuy-post816766.html