Trải nghiệm Tết Trung thu xưa
Mặc dù ảnh hưởng của cơn gió lạnh đầu mùa, và trời có mưa, nhưng tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra hoạt động trải nghiệm đặc biệt để chuẩn bị cho chương trình 'Lung linh trăng rằm' đêm Trung thu tới. Rất nhiều các bố mẹ và các em bé đã đến tham dự trải nghiệm đặc biệt này.
Tham dự chương trình được tổ chức chính thức vào ngày 26-9, các em nhỏ sẽ được gặp gỡ các nghệ nhân làm bánh, nghệ nhân làm đèn và cắt tỉa hoa quả, bày mâm cỗ cúng Ông Trăng.
Tết Trung thu, hay còn gọi là tết Thiếu nhi hay tết trông Trăng diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám. Đây là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Lúc này, khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát và vui chơi. Từ triều Lý, Trung thu là lễ tết quan trọng của đất nước. Sang thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ, dạo ngắm phong cảnh. Đến thời Lê – Trịnh, phủ Chúa được trang hoàng rực rỡ bằng các loại đèn.
Trong dân gian, các gia đình ban ngày cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ Trung thu, với trọng tâm là ông Tiến sĩ, thể hiện mong ước của ông bà bố mẹ muốn các con cháu mình học hành giỏi giang, thành đạt.
Tiếp đến là các loại bánh trung thu: bánh tôm, bánh cá... được làm bằng bột nhuộm màu sặc sỡ; hoa quả có bưởi, cốm, hồng, na, chuối. Mâm cỗ trung thu còn có các sản vật đặc trưng của mùa thu như: gỏi cá, chả ốc thưởng thức cùng rượu sen. Ngày Tết Trung thu, trẻ em được người lớn tặng cho các loại đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ, đèn kéo quân và các loại đồ chơi trung thu. Vào đêm rằm, trong tiếng trống rộn rã, các bạn nhỏ cầm những chiếc đèn trung thu lung linh sắc màu cùng nhau rước đèn dưới trăng.
Tại Hoàng thành Thăng Long, cả một khu vực được bày biện, trang trí bắt mắt để các em nhỏ trải nghiệm và ngắm nghía tìm hiểu về Tết Trung thu. Bên những mẹt hoa quả và những con giống, con tò he được làm bằng bột, gian hàng của bà Phạm Thị Nguyệt Ánh rất được các khán giả nhí và những bậc phụ huynh quan tâm. Năm nay là năm đầu tiên bà Ban Tổ chức mời tham dự chương trình, nhưng những sản phẩm bày trong gian hàng của bà khiến người xem bị hấp dẫn.
Bà Ánh vừa thoăn thoắt cắt tỉa hoa quả, nặn bột và làm những con giống, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu trò chuyện và giới thiệu cách làm cho các cháu nhỏ. Trên chiếc mẹt nhỏ xíu xinh xinh là những loại quả bà làm ra với đủ sắc màu và quan trọng là nó giống quả thật như đúc. Bà bảo để nặn được những quả này cũng kỳ công. Ngoài sự khéo tay thì còn phải biết chờ đợi, kiên nhẫn. Nặn xong phải phơi cho khô mất khoảng 5 ngày, sau đó mới bôi dầu bóng để lấy độ bóng cho quả.
Bà Ánh nói, bà đã nặn những loại đồ chơi trung thu này từ ngày còn con gái. Người phụ nữ Hà thành gốc gác phố cổ này làm nghề này đã 40 năm, và đến giờ bà vẫn còn làm nghề. Mấy năm nay người ta chứng kiến sự trở lại của đồ chơi trung thu truyền thống, và những con giống, những loại quả tự tay những nghệ nhân làm.
Có lẽ sự kiên trì của những người nghệ nhân, sự chăm chú thổi hồn vào từng loại sản phẩm đã nhận được sự đón nhận của người mua với những người nhận ra giá trị chân mĩ. Những đồ chơi nhựa hào nhoáng sản xuất hàng loạt, hoặc những đồ chơi có tính chất bạo lực, không có ý nghĩa trong Tết Trung thu xưa cũng chỉ được đón nhận trong một khoảng thời gian nhất định và không có giá trị vững bền.
Bà Ánh nói, mấy năm nay người ta có xu hướng lựa chọn những đồ chơi truyền thống, vậy nên công việc của bà đợt này cũng nhiều. Do nguyên liệu và màu sắc ngày càng tốt hơn, nên sản phẩm làm ra nhìn thật hơn. Điều đó khiến trẻ con rất thích. Quả làm từ bột nặn nhưng lại khiến trẻ con thấy thú vị hơn quả thật, vì chúng thấy những quả này nhỏ xinh, đáng yêu và rất có hồn; có thể để bày biện lâu dài nữa. Bà Ánh nói và chỉ tay vào mâm quả nhỏ xíu được úp trong một cái hộp nhựa: “Những đồ chơi trang trí này có thể để được 4-5 năm, mà không bị ẩm mốc hay mất màu; vì khi nặn xong, người ta đã đem phơi cho khô mới bôi dầu bóng và được bảo quản trong hộp nhựa, nên không khí không thể vào được.
Không thể thiếu trong đêm trung thu, quà cho con trẻ còn là những chiếc đèn kéo quân, đèn lồng. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội giới thiệu với các em nhỏ cách làm ra những chiếc đèn lồng, đèn ông sao lung linh sắc màu. Đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, những đồ chơi Trung thu của tuổi thơ nhiều thế hệ được giới thiệu tại không gian đón Tết Trung thu.
Đã bao năm trôi qua, nhưng nói đến đồ chơi trung thu, cho dù có vô vàn đồ chơi đắt tiền và bắt mắt khác, nhưng với nhiều thế hệ, nhất là các bậc cha mẹ, người lớn, để giới thiệu cho con trẻ, người ta chỉ nghĩ đến đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ giấy; hay các loại hoa quả không phải loại đắt tiền như quả hồng, quả bưởi, thị, chứ không phải là một loại hoa quả nhập khẩu đắt tiền nào khác.
Mâm cỗ trung thu rất giản dị nhưng đặc trưng: có bưởi, có hồng, có bánh nướng, bánh dẻo và đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy. Chính vì thế mà vẫn còn những nghệ nhân của các làng nghề; và những bậc cha mẹ, cho dù là ở thế hệ 8X hay đã là 9X, khi dẫn con nhỏ đi trải nghiệm Tết Trung thu, cũng hướng con mình đến những đồ chơi và mâm cỗ trung thu truyền thống ấy.
Một trải nghiệm không thể thiếu, đó là thả đèn hoa đăng vào dịp Tết Trung thu. Vừa dẫn con sang khu vực 18 Hoàng Diệu tham dự sự kiện thả đèn, hai vợ chồng chị Linh tâm sự, năm nào chị cũng dẫn con đến khu vực Hoàng thành Thăng Long dự sự kiện Trung thu; mặc dù tôi nhìn con chị, hai cháu vẫn nhỏ, cháu bé chắc chỉ được 3 tuổi. Hai cháu sau khi trải nghiệm làm đèn lồng, tỉa hoa quả và giờ được bố mẹ dẫn đi xem thả đèn lồng.
Trẻ em vốn thích màu sắc, sự bắt mắt, nên cũng vì thế, người ta làm những thứ đẹp nhất dành cho các em. Các mâm cỗ trung thu bây giờ được bày biện rất đẹp. Những loại quả được cắt tỉa cầu kỳ, làm thành những hình thù, những con giống rất đáng yêu. Các bậc cha mẹ cũng muốn các con mình, có một ký ức đẹp về những tết trung thu thời thơ ấu, nên cố gắng dẫn các con trải nghiệm thật nhiều, hiểu thật nhiều về cái Tết Trung thu của các em.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/trai-nghiem-tet-trung-thu-xua-612998/