Trải nghiệm tranh Hàng Trống qua lăng kính của người trẻ

Kéo dài đến hết ngày 20/12, triển lãm 'Từ truyền thống đến truyền thống' tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống, Hà Nội) đang mang đến những trải nghiệm về tranh dân gian Hàng Trống qua góc nhìn của những bạn trẻ.

Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” . Ảnh Quang Tấn.

Triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” . Ảnh Quang Tấn.

Theo đó, triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống” nằm trong dự án cùng tên là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền Hội họa Việt nam đó là chất liệu sơn mài và lụa.

Dự án là cơ hội để nhóm sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc Khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có thể tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hóa bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống là Lê Đình Nghiên.

Tại triển lãm, người xem đã được trải nghiệm tác phẩm “Rọi về ký ức” của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Nhung. Với những bộ đèn lụa, đèn vải được tạo ra đã hướng người xem trở về truyền thống, khơi mở văn hóa dân gian qua những hình ảnh quen thuộc của các tranh “Thầy đồ cóc”, “Đám cưới chuột”, “Cá chép vượt vũ môn”.

Hay tác giả Nguyễn Thị Hoài Giang và Nguyễn Thị Trang giới thiệu tác phẩm sơn mài, giấy dó “Trong vườn hoa Hàng Trống”. Phần tranh sơn mài được tạo hình để khuyến khích người xem trực tiếp tương tác và cảm nhận bề mặt chất liệu.

Phần giấy dó ghi chép lại những mẫu cỏ cây quen thuộc đã luôn hiện diện trong tranh dân gian từ bao đời nay. Còn tác giả Nguyễn Xuân Lam lại giới thiệu một thử nghiệm mới giữa tranh dân gian và phù điêu ảnh mang tên “Ngũ Hổ”.

Sử dụng chất liệu in phun trên xốp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo tuy nhiên đã được tác giả hoàn thiện tỉ mẩn hoàn toàn bằng tay để không làm mất đi tính thủ công của những bức tranh dân gian.

Tác giả Nguyễn Thị Như Quỳnh giới thiệu loạt tác phẩm “Chim công”, “Cá chép vượt vũ môn”, “Ông Hoàng Bơ”, “Xích Hổ tướng quân” trên các vật dụng trang trí. Tác phẩm “Tróng” của Trần Thị Thu Thảo lại lấy cảm hứng từ bức “Chợ quê” của tranh Hàng Trống, qua quá trình làm việc với mây, tre, khoan, cưa, lụa, máy mài, sơn, giấy bóng kính đèn Trung thu…

Đánh giá về chương trình, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nên tôi muốn đổi mới chương trình học. Trước đây có hợp phần chép tranh dân gian.

Sinh viên thường chép tranh trên giấy, có nghĩa là chép “xác chết” của một tác phẩm nghệ thuật chứ không tiếp cận đầy đủ tinh thần nghệ thuật của dòng tranh ấy.

Với dự án này, gần 30 sinh viên được nghệ nhân giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật cơ bản của dòng tranh Hàng Trống, từ đi nét, tô màu, sử dụng màu nước... khá gần gũi với cách tạo nét trong nghệ thuật sơn mài, vẽ màu nước trên lụa.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng mong rằng, với thời gian trưng bày gần 2 tháng,“sân chơi” lần này có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hóa nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng.

Đồng thời cũng khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hóa truyền thống không những của Việt Nam mà của của các nền văn hóa khác dân tộc khác.

Khi phần tiếp theo của dự án sẽ kết nối di sản văn hóa của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản tiếp tục được ứng tác với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong nền Hội họa Việt nam sẽ diễn ra vào năm sau. Truyền thống ở đây không chỉ của Việt Nam, mà có thể đối thoại với truyền thống của nhiều dân tộc khác…

“Không gian triển lãm đậm đặc truyền thống, nhưng không chỉ đóng khung trong truyền thống, mà ở đó còn có hiện đại, từ ngôi đình Nam Hương vừa được trùng tu và tác phẩm có sự tiếp nối về thời gian, sự chuyển tiếp của nghệ thuật đương đại. Truyền thống đã được nuôi dưỡng, bồi đắp và quay trở lại với truyền thống”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/trai-nghiem-tranh-hang-trong-qua-lang-kinh-cua-nguoi-tre-522855.html