Trải nghiệm trên đồng nước nổi

Sau thời gian chờ đợi, con nước cũng đã về đồng chở theo phù sa khiến bà con nông dân vui mừng khấp khởi. Đồng ruộng được tạm nghỉ ngơi để bồi lắng phù sa, chuẩn bị cho những vụ mùa mới. Nhưng người dân quê đâu chịu ngồi yên, bởi có bao nhiêu thú vui trên đồng nước mà mỗi khi nhắc đến vẫn kể hoài không hết, như: tắm đồng, bắt chuột, nhấp ếch, hái cà na, rau dại…

Thời gian này mà không ra đồng trải nghiệm thì thiệt uổng! Những ai tò mò cảm giác được sống trong mùa nước nổi cho biết… 1 lần, có thể tham gia các tour du lịch nông dân chuyên nghiệp hoặc do chính người bản địa phục vụ theo ý tưởng “ăn theo” mùa nước nổi với giá khá bình dân. Người dân miền quê thích rong ruổi trên những cánh đồng ngập lũ, chủ yếu giải khuây trong lúc nông nhàn, tìm thêm con cá, con tép làm bữa ăn hoặc nhiều hơn thì đem ra chợ bán lấy ít tiền cho gia đình.

Ruộng lúa được đê bao sản xuất theo định kỳ 3 năm mới xả lũ nên nhiều người sống ngay ở quê mà vẫn ham thấy mùa nước nổi không thua kém người dân thành thị. Len lỏi về những cánh đồng đang xả lũ của huyện Phú Tân mùa này, dọc bờ kênh luôn thấy người lớn, trẻ nhỏ vác cần câu đi câu ếch đồng. Nước ngập nên ếch tập trung ở những nơi cỏ rậm, bụi rau lớn. Câu ếch không còn là thú vui, mà đã trở thành hoạt động hái ra tiền. Chiến lợi phẩm mỗi ngày có thể được 1-5kg, góp thêm thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày. Anh Lê Thành Trí (ngụ ở xã Hiệp Xương) cho biết, nước về muộn, bù lại ếch có trọng lượng lớn, bán được giá cao hơn. Mỗi buổi, anh Trí câu được khoảng 1kg ếch, hôm nào “trúng mánh” được đến 4kg, giá ếch dao động từ 80.000-120.000 đồng, bỏ chút công sức là có thêm thu nhập.

Cảnh sinh hoạt và mưu sinh của người dân khi nước tràn đồng

Ở xã vùng sâu Hiệp Xương năm nay còn có hoạt động đang được nhiều người yêu thích là trải nghiệm trên đồng nước nổi. “Vé” để được trải nghiệm chỉ 39.000 đồng (chưa bao gồm món ăn) được anh Nguyễn Phước Trung đưa ra ý tưởng với sự hỗ trợ của những người bạn hàng xóm. Đội ngũ phục vụ sẽ dẫn khách tham quan trên những cánh đồng nước để ngắm cảnh, xem bắt chuột trên cây, hái me, cà na, bắt cá, tắm đồng, giăng lưới, nhấp ếch, đổ dớn… và cùng gia chủ chế biến các món ăn đặc sản từ thành quả tự săn bắt được. Chỉ ra đồng rảo quanh chốc lát là có đủ sản vật đem về. Trước khi lên xuồng, anh Trung phát cho mỗi người áo phao và túi ny-lon để an toàn, kiêm luôn… bảo vệ chiếc điện thoại. Những cánh đồng nơi đây còn khá nhiều cây cối bao quanh, nào me, nào dừa, cây gáo, chuối, xoài…

Càng lướt ra xa, cảnh vật càng mở rộng. Ranh giới bờ đê bị xóa nhòa, chỉ còn nhận diện qua những hàng cây lớn, đầm sen, những bụi cỏ mọc vươn cao trải dài thành hàng. Mấy căn nhà sàn nằm giữa đồng lọt thỏm giữa bốn bề nước càng trở nên nhỏ bé. Rất dễ bắt gặp nhiều người dân cũng tận dụng mùa nước nổi để khai thác các loại thủy sản. Xuồng ra đến giữa đồng, đội hình chuyên bắt chuột quan sát lên những thân cây cao. Một thành viên hướng dẫn tham quan giải thích: “Mùa nước, chuột không còn chỗ trú ngụ nên chúng “rút” hết lên các cây lớn làm tổ. Để ý những cây có hốc, bọng mà có lá cây nhiều thì chính là ổ của chuột”. Nhanh thoăn thoắt, “đội quân” của anh Trung phân công nhau trèo lên các ngọn cây cao, chốc lát khoe đã bắt được 1 con, rồi 2 con trong nụ cười khoái chí. Khách trên xuồng cũng hào hứng theo, người chụp ảnh, người hái me, cổ vũ cho 2 thành viên đẩy xuồng mỗi lần “đụng” phải bờ rào.

Vẻ đẹp trên đồng nước nổi

Anh Trung cho biết, dịch vụ này chủ yếu phục vụ cho những ai có nhu cầu về trải nghiệm ngày cuối tuần. Ngay sau nhà, anh đặt chiếc dớn cỡ nhỏ, để vài ngày bắt được các loại cá lau kiếng, cá tra, cá rô, cá vồ đém, cá lóc, cá bống, tép… chủ yếu để dành cho khách đến xem cho biết. Bên cạnh đó là cây cà na đã hơn 20 năm tuổi, được anh khai thác quanh năm để chế biến thành món cà na ngào đường, rượu, trộn chua ngọt phục vụ tại chỗ và đóng gói bán làm đặc sản. Cây cà na hiện hữu khắp nơi, cứ đến mùa nước lên là nhánh nào nhánh đó đều oằn trái, từng chùm no tròn xanh mướt. Loại trái dại này đang là “cây kinh tế” được nhiều hộ khai thác trồng trái vụ để tạo thu nhập, nhưng hái cà na tự nhiên mới thật sự vui thú.

Phần được chờ đợi nhất là chế biến các món ăn theo tinh thần ra đồng bắt được con gì thì nấu món đó. Sản vật ngoài đồng nhiều nhưng chế biến càng đơn giản càng ngon, chủ yếu bằng cách: luộc, chiên, nướng. Một vị khách tấm tắc khen: “Cá, cua, ếch, cứ con gì ngoài đồng là mặc định thơm ngon, mà đâu phải mùa nào muốn ăn cũng có. Mùa nước nổi bắt được nhiều, giá rẻ nên mới được ăn”. Bữa tiệc được dọn ngồi giữa trời trên miếng bạt lót là đã có thể nhập cuộc. Theo ý kiến đóng góp của mọi người, anh Trung đóng thêm nhà sàn dã chiến nhỏ bằng tre ngay trên mặt nước để khách vừa ngồi thưởng thức món ăn, vừa ngắm cảnh và tận hưởng gió đồng mát mẻ. Chủ đề bàn chuyện bên mâm cơm dân dã cũng gói gọn giới thiệu về đồng quê, mùa nước nổi xưa và nay nối dài không ngớt.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/trai-nghiem-tren-dong-nuoc-noi-a255022.html