'Trái ngọt' giảm nghèo từ du lịch
Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đang dần trở thành điểm nhấn tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Từ múa khèn, múa xòe, nhảy sạp đơn giản nhưng nhờ biết cách tổ chức và kết hợp, người dân đã dần học cách làm du lịch, từ đó đời sống khấm khá hơn, hỗ trợ đắc lực trong quá trình xóa đói giảm nghèo gắn với bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.
Xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) sở hữu những hang động, thác nước và cảnh quan đẹp cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền địa phương đã xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm chính là cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả cho người dân trên địa bàn.
Kinh tế du lịch
Vì vậy, người dân đã được tạo điều kiện trong đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa nhà cửa, xây dựng các homestay. Là xã vùng cao nên để góp phần tích cực giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, nhà đầu tư thực hiện hỗ trợ, cải tạo, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng khung tại xã Xuân Sơn, đồng thời thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông để kết nối với một số địa phương lân cận.
Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được 11 homestay, có khả năng phục vụ khoảng 700 lượt khách qua đêm. Năm 2023, xã đã đón gần 9.000 lượt khách đến tham quan, trong đó hơn 2.000 lượt khách lưu trú qua đêm. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế, trở thành nguồn sinh kế đối với nhiều người dân trong xã.
Các homestay này ngoài tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương với thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Điều thuận lợi là phát triển du lịch giúp người dân không phải ly hương đi làm ăn xa nên khi xã có chủ trương, nhiều người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Hiện, thu nhập bình quân trong xã đạt 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,8%, cận nghèo giảm còn 22,5%.
Cũng giống như xã Xuân Sơn, xã Đồng Sơn cũng đã thu được những hiệu quả tích cực từ đầu tư, quan tâm đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Trong đó, xã đã có HTX nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn đứng ra tổ chức một số dịch vụ, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách, hướng dẫn khách. Tiêu biểu như tham gia các hoạt động văn nghệ múa khèn, múa xòe, nhảy sạp; thưởng thức các món ăn truyền thống, trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao, tắm suối, mặc trang phục truyền thống…
Bà Bùi Thị Thanh Hoa, Giám đốc HTX Tân Sơn, cho biết việc triển khai xây dựng khu lưu trú cho khách, vận động các hộ gia đình cùng làm homestay, nâng cấp các sản phẩm truyền thống là những điều được HTX chú trọng.
Việc phát triển du lịch của HTX cũng là cơ hội để tạo việc làm, nâng cao đời sống dân bản địa, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động phát triển du lịch, đời sống bà con được nâng cao, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương được phát huy giá trị, quảng bá rộng rãi. Đồng Sơn từ chỗ là một xã nghèo đứng ở tốp đầu của tỉnh Phú Thọ với tỷ lệ hộ nghèo là 36,55% nhưng 3 năm gần đây, mỗi năm, xã đã giảm trung bình 4% tỷ lệ hộ nghèo.
Thúc đẩy sản xuất hàng hóa
Đặc biệt, hoạt động du lịch đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong huyện Tân Sơn phát triển. Cụ thể như tại xã Đồng Sơn, ngoài phát triển lâm nghiệp, thời gian gần đây còn phát triển rau màu, trồng chè, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Điều này giúp tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản của xã chiếm tới 91%. Nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả nhờ phát triển mô hình kinh tế gia trại kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và liên kết với HTX Tân Sơn để tiêu thụ thông qua hoạt động ẩm thực và bán hàng tại chỗ cho khách du lịch hoặc biến các vùng trồng hàng hóa, đồi chè thành các điểm check in…
Trước nhu cầu về nguồn nông sản hàng hóa phục vụ cho các dịch vụ du lịch, huyện Tân Sơn đã có những chương trình phát triển kinh tế (chủ yếu là nông nghiệp với việc nuôi, trồng các loại cây, con là sản vật của địa phương) theo hướng phục vụ phát triển du lịch.
Huyện đã có sự quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cũng như kỹ thuật để người dân, HTX có thể mở rộng diện tích đưa sản phẩm thành hàng hóa theo hướng thị trường. Tiêu biểu như giống lúa nếp đặc sản đã được đưa vào trồng với quy mô 200ha tại các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Thu Cúc, Lai Đồng ước tính sẽ thu được khoảng 1.000 tấn/năm.
Giống ngô địa phương (ngô nếp) được trồng khoảng 20ha cũng cho sản lượng trên 70 tấn/năm. Cây khoai tầng trồng trên 15 ha với năng suất từ 18 – 20 tấn/ha cũng sẽ góp phần tăng thêm sản vật của địa phương giới thiệu với du khách.
Cây chuối phấn vàng được trồng rộng rãi nhất với quy mô trên 300ha có sản lượng trên 3.000 tấn/năm hứa hẹn không chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện mà có thể đưa ra các thị trường khác.
Các cây rau đặc sản bản địa như rau sắng, rau chuối… cũng được lãnh đạo huyện khuyến khích người dân đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng. Ngoài ra là các loại cây thuốc, dược liệu quý (Tân Sơn có tới 580 loài cây có giá trị y học cao), các loại chè đặc sản đều được hỗ trợ và khuyến khích mở rộng diện tích.
Một trong những sản phẩm hàng hóa phát triển mạnh ở Tân Sơn thời gian gần đây là chè. Chè đã được địa phương quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng cũng như tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.
Tại xã Long Cốc, nhờ đẩy mạnh phát triển trồng chè hàng hóa quy mô lớn từ năm 2027 với sự tham gia của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, nhiều đồi chè trên đã tạo thành cảnh quan tự nhiên "nên thơ", là điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch.
Hiện tại, toàn xã đang có hàng chục homestay, nhà nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, các hộ trồng chè còn liên kết để khách có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm như tự tay hái chè, thưởng thức chè sạch, thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh...
Giảm nghèo hiệu quả
Theo thống kê của tỉnh Phú Thọ, năm 2023, lượng khách đến tham quan du lịch đồi chè Long Cốc và Vườn Quốc gia Xuân Sơn - huyện Tân Sơn ước đạt trên 20 nghìn lượt người (tăng 0,4% so với năm 2022). Khách lưu trú ước đạt trên 3,5 nghìn lượt người, doanh thu từ du lịch dịch vụ ước đạt 15,9 tỷ đồng. Đây là nguồn thu khá lớn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo.
Tân Sơn vốn là huyện miền núi của tỉnh với 17 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm 26 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,5%.
Bằng việc quan tâm phát triển tiềm năng thế mạnh từ du lịch và tận dụng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,53% năm 2015 giảm xuống còn dưới 10% vào năm 2020.
Hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện là 16,37%, giảm được 1,7%; tỷ lệ hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm được 1,8%.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết phát triển du lịch vùng cao đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân Tân Sơn nói chung và đồng bào thiểu số trên địa bàn nói riêng. Vì vậy, cần có những chiến lược phát triển lâu dài và hiệu quả, nhằm đảm bảo môi trường sinh thái du lịch và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung bố trí vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp huyện đa dạng hóa sản phẩm du lịch.