Trái ngọt Tân Sơn

Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều năm nay, người dân huyện Tân Sơn đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo vườn tạp đưa các cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất, hình thành những vườn cây ăn quả xum xuê trái. Những mùa quả ngọt tiếp nối với hiệu quả kinh tế cao đã giúp nhiều chủ vườn có cuộc sống sung túc, hiện thực hóa ước mơ làm giàu trên đất quê…

Vườn nho Hạ đen không hạt của anh Lý Kim Lợi, khu Tân Lập, xã Thu Cúc.

Niềm vui được mùa
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đến nay, toàn huyện Tân Sơn có 400ha cây ăn quả. Trong đó, diện tích cây có múi trên 200ha, tăng 14% so với năm 2020 (bưởi: 150ha; cam, quýt: 47ha và chanh: 7ha). Nhiều mô hình trồng cây có múi đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất đạt 20 tấn/ha/năm cho thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm. Trong khi nhiều loại nông sản khác bí đầu ra thì bưởi, cam, quýt Tân Sơn luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh, cung không đủ cầu. Thị trường rộng mở đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng quy mô diện tích. Nhiều hộ dân ở các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn trồng từ 0,5-1,5ha cây ăn quả có múi.Những ngày này, vào thăm các vườn cam lớn ở xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn, Minh Đài, Văn Luông… chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con nông dân với vụ cam bội thu, được giá. Có thâm niên trồng bưởi, cam, quýt, gia đình anh Đặng Quang Tiệp ở khu Đồng Than, xã Kiệt Sơn là hộ tiên phong trồng và làm giàu từ các giống cây có múi này. Với tổng diện tích trồng bưởi, cam, quýt trên 5ha, niên vụ quả năm 2020 vừa qua, gia đình anh thu được trên 500 triệu đồng. Bằng kinh nghiệm nhiều năm với cây có múi trên vùng đất này, anh Tiệp khẳng định trồng bưởi, cam, quýt không khó, nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, có như vậy cây mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon. Anh Tiệp chia sẻ: “Thời gian đầu, gia đình tôi phải đưa mẫu đất đi phân tích xác định chất đất có phù hợp không. Sau đó đi tham quan các trang trại, nhà vườn ở Hòa Bình và tham dự các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cam, quýt. Khi đủ tự tin mới mạnh dạn đi lựa mua cây giống chuẩn nhất mang về trồng”. Giờ đang là chính vụ cam có giá 20-25 nghìn đồng/kg, giáp Tết vào chính vụ quýt sẽ có giá 30-35 nghìn đồng/kg. Mỗi năm vườn ăn quả của vợ chồng anh Tiệp thu hoạch 40 - 50 tấn quả, mà vẫn không đáp ứng đủ cho khách mua. Cùng với cây ăn quả có múi, nho Hạ đen cũng là giống cây ăn quả đang được nhiều hộ dân ở Tân Sơn trồng thử nghiệm và có hướng phát triển tích cực. Toàn huyện hiện có khoảng 0,4ha nho Hạ đen được trồng kết hợp với các loại cây trồng khác để phát triển kinh tế vườn, hộ gia đình. Vườn nho Hạ đen của anh Lý Kim Lợi ở khu Tân Lập, xã Thu Cúc là mô hình đầu tiên được trồng thành công trên địa bàn huyện, sau một năm đã cho sản lượng hơn 1,7 tấn, với giá bán tại vườn 150.000 đồng/kg. Đây là hướng phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định đối với người nông dân. Các vườn cây ăn quả trên khắp các vùng đồi Tân Sơn là minh chứng cho sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Cũng từ đây, niềm vui mùa quả ngọt cũng bắt đầu lan tỏa,…

Mô hình kinh tế của gia đình ông Phạm Xuân Vinh, khu Đồng Tâm, xã Minh Đài với 2ha trồng cây ăn quả, trong đó có 600 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh.

Nâng cao chất lượng
Cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, chính tinh thần sáng tạo, đặc biệt là đổi mới tư duy làm nông nghiệp đã giúp cuộc sống của người dân vùng cao ngày càng sung túc. Từ huyện đứng trong danh sách nghèo nhất cả nước đến nay thu nhập bình quân đầu người ở Tân Sơn đã đạt 24 triệu đồng/năm.Cùng với các cây trồng chủ lực là chè, cây ăn quả có múi tiếp tục được huyện chú trọng, với năng suất bưởi bình quân 110tạ/ha, năng suất cam 53 tạ/ha. Giá thấp nhất tại vườn là 15 triệu đồng/tấn, mỗi ha cam cho doanh thu bình quân 170 triệu/ha/năm, tổng doanh thu của một chu kỳ 12 năm đạt 2 tỉ đồng. Ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để hiện thực hóa cho thương hiệu nông sản Tân Sơn, trước mắt, huyện sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng trên đất dốc ít có tiềm năng, kém hiệu quả để trồng các cây ăn quả có giá trị. Hỗ trợ chi phí thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong thời kỳ bưởi kinh doanh với tổng diện tích 20ha năm 2021 tập trung vùng trồng bưởi tại các xã Minh Đài, Văn Luông, Tân Phú, Thạch Kiệt… Để tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản phẩm bưởi. Hàng năm, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn quy trình cho các chủ vườn; tập trung hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, vệ sinh môi trường, chống độc cho đất”.Giai đoạn 2020-2022, huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ sản xuất theo quy trình GAP với 33ha cho các trang trại, tổ hợp tác tại các xã có diện tích trồng cây bưởi trên địa bàn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo người dân tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tuyên truyền, duy trì và nâng cao chất lượng, diện tích cây ăn quả đang có, trong đó tập trung vào các loại cây có múi và một số diện tích cây trồng mới đưa vào trồng thử nghiệm và đạt hiệu quả tốt góp phần xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đồng bộ để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Ninh Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202201/trai-ngot-tan-son-181949