'Trái ngọt' từ mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của Tập đoàn TH
'Triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao từ năm 2009, thời điểm khái niệm 'kinh tế tuần hoàn' vẫn còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn TH đã tiên phong xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín, một vòng tuần hoàn 'từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch'.
Tại Xã Nghĩa Phụ, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, ruộng ngô sinh khối rộng hơn 1,5 ha của gia đình bà Lê Thị Dung đã cao ngang đầu người, chỉ hơn 1 tháng nữa là có thể thu hoạch. Đây là vụ ngô thứ 2 của gia đình bà từ đầu năm đến nay. Bà ước tính, nếu làm khéo, một năm ruộng ngô nhà bà có thể canh tác tối đa 4 vụ, nhiều gấp đôi so với trồng ngô thông thường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác và lãnh đạo Tập đoàn TH thăm cánh đồng Đông Hiếu (Nghệ An), cánh đồng trồng cây nguyên liệu của trang trại bò sữa TH.
Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô mới chín sáp để làm thức ăn cho gia súc. Mỗi một vụ ngô sinh khối chỉ kéo dài khoảng 2,5 tháng, đặc biệt kể cả trong mùa đông giá rét của miền Bắc, bà con nông dân vẫn có thể làm thêm một vụ ngô sinh khối thay vì phải bỏ không ruộng như với các loại cây thực phẩm khác.
Việc thu hoạch ngô sinh khối cũng đơn giản hơn nhiều so với ngô thông thường, không cần xay xát. Ước tính, mỗi năm, một ha ngô sinh khối gia đình bà Dung thu được khoảng 150 triệu đồng, cao hơn gấp đôi so với trồng ngô lấy hạt thông thường.
Thành công của bà Dung đã thu hút những hộ nông dân khác cũng tham gia trồng ngô sinh khối. Dần dần, khu vực xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã hình thành nên một vùng nguyên liệu khổng lồ - nay được gọi với cái tên cánh đồng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn TH.
Bắt đầu triển khai từ những năm 2010, cánh đồng tại xã Đông Hiếu đã trở thành mô hình điểm của chính sách tích tụ ruộng đất. Tại đây, Tập đoàn TH tiến hành thu mua đất từ các nông lâm trường đang trên bờ vực phá sản, kết hợp với liên kết ruộng đất của người nông dân để hình thành một cánh đồng mẫu lớn, với 60% diện tích của tập đoàn và 40% diện tích liên kết với người nông dân, được tập đoàn bao tiêu đầu ra. Đến nay, vùng nguyên liệu của TH tại Nghĩa Đàn, với những cánh đồng mẫu lớn như tại Đông Hiếu, có tổng diện tích 8.100 ha. Vùng nguyên liệu rộng lớn ứng dụng công nghệ cao này là nơi cung cấp lượng thức ăn cho đàn bò sữa quy mô tiệm cận 70.000 con của cụm trang trại bò sữa khép kín của Tập đoàn TH.
Thủ tướng thăm hỏi người dân địa phương. Đây là đại diện các nông dân liên kết trồng cây nguyên liệu cho Tập đoàn TH.
Bên cạnh bao tiêu, một lợi ích quan trọng của người nông dân khi liên kết với Tập đoàn TH đó là hỗ trợ nước phân để cải tạo ruộng đất.
"Ngô là cây trồng lấy rất nhiều dinh dưỡng từ đất. Để có thể trồng liên tục 3 – 4 vụ một năm, đất cần liên tục được cung cấp chất dinh dưỡng. Nhờ Tập đoàn TH luôn cung cấp nước phân đầy đủ để cải tạo đất, chúng tôi mới có thể trồng tăng số vụ mà không lo đất bị bạc màu", bà Dung chia sẻ.
Những mảnh ghép trong mô hình kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn TH
Ruộng ngô của bà Dung, cánh đồng mẫu lớn tại thị xã Đông Hiếu, hay nước phân từ cụm trang trại bò sữa công nghệ cao khép kín đều là những mảnh ghép trong mô hình phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn TH.
Triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao từ năm 2009, thời điểm khái niệm "kinh tế tuần hoàn" vẫn còn xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn TH đã tiên phong xây dựng một chuỗi sản xuất khép kín, một vòng tuần hoàn "từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch".
Đúng như tên gọi "kinh tế tuần hoàn", tại các trang trại của TH, "mọi phế phẩm đầu ra của công đoạn này đều là tài nguyên đầu vào của công đoạn khác". Thay vì thải bỏ, các tài nguyên được "tuần hoàn" để tiếp tục tạo ra các giá trị mới, qua đó giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
Mô hình Kinh tế tuần hoàn được triển khai tại Tập đoàn TH ngay từ khi khởi dựng dự án chăn nuôi bò sữa.
Hoạt động này có thể thấy khá rõ nét trong quá trình xử lý nước thải ở trang trại TH. Một phần nước thải từ quá trình chăn nuôi sau khi được xử lí là nguồn phân bón lỏng có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Phần nước thải còn lại được xử lí bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến và hoàn trả về tự nhiên theo đúng quy chuẩn quốc gia.
Tương tự, các chất thải từ gia súc tại trang trại TH đều được xử lý trở thành tài nguyên. Sau khi được thu gom, chất thải sẽ qua các công đoạn phân loại, phối trộn, ủ chín để thành chất đệm sinh học phục vụ trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ, chất đệm sinh học, nước phân qua xử lý trở thành "đầu vào" của vòng tuần hoàn mới, dùng để cải tạo đồng ruộng, phục vụ hoạt động của trang trại.
Những công đoạn xử lý tuần hoàn trong trang trại của Tập đoàn TH thoạt nghe đơn giản, song đều được ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo tính hiệu quả. Như công đoạn xử lý chất thải, kể từ năm 2016, trang trại TH đã đầu tư dây chuyền tách nước khỏi phân với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Đến năm 2020, Tập đoàn TH triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên các mái chuồng trại và nhà máy, vừa sản xuất nguồn điện "xanh" vừa góp phần hạn chế quá trình hấp thu nhiệt từ đó giảm nhiệt cho chuồng nuôi.
Điện mặt trời trên các mái trang trại bò sữa TH.
"Bằng việc tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 một cách mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp và chế biến cùng khoa học quản trị theo chuỗi, Tập đoàn TH đã xây dựng một mô hình nông nghiệp điển hình gắn với phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dẫn lối, định hình cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An và cả nước", bà Thái Hương – Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nhấn mạnh trong Báo cáo Phát triển Bền vững của Tập đoàn.
"Tập đoàn TH là minh chứng cho mô hình doanh nghiệp tư nhân thành công"
Mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững của Tập đoàn TH đã chứng minh tính hiệu quả, không chỉ góp phần tích cực bảo vệ thiên nhiên, môi trường mà còn mang tới lợi ích thực tế cho người dân địa phương. Thông qua liên kết với Tập đoàn TH, đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể. Sau hơn 1 thập kỷ triển khai, Nghĩa Đàn từ một vùng đất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 23% thì đến nay số hộ nghèo của huyện theo chuẩn tiếp cận đa chiều chỉ còn 6,4%.
Chứng kiến những thay đổi ngoạn mục ấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi đến thăm các dự án của Tập đoàn TH tại Nghệ An đã nhìn nhận, Tập đoàn TH là minh chứng sinh động cho một mô hình doanh nghiệp tư nhân thành công.
"Tôi, trên những cương vị khác nhau, vẫn luôn động viên chị Thái Hương đã đi vào lĩnh vực nông nghiệp đầy khó khăn, thì hãy tiếp tục đến những vùng khó khăn. Tập đoàn TH hiện cũng đang triển khai, đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Và việc này cần nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn TH mới thay đổi được vùng đất, thay đổi được cuộc sống người dân.
Khi tôi hỏi người lao động ở đây về cuộc sống của họ sau khi tham gia cùng Tập đoàn TH, mọi người nói rằng đời sống được nâng lên, năm sau khá hơn năm trước, tôi rất vui và mong mọi người cố gắng tiến tới làm giàu, sung túc. Làm giàu trên đất nông nghiệp là rất khó, tôi mong Tập đoàn TH tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu cao cả vì sự cường thịnh của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.
Nguồn: THG