'Trái ngọt' từ nỗ lực giảm tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời đã giúp tỷ lệ người lao động rút bảo hiểm một lần có chiều hướng giảm ở nhiều địa phương trên cả nước. Điều này đảm bảo độ bao phủ của lưới an sinh xã hội, người lao động có cuộc sống ổn định hơn khi về già, cũng như gặp phải những rủi ro trong cuộc sống..

Một phần do khó khăn về việc làm nhưng cũng xuất phát là do người lao động vẫn còn tâm lý "trẻ cậy cha, già cậy con" nên khi gặp khó khăn thường có ý nghĩ rằng nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần - "tiền tươi, thóc thật" hơn là cố tìm việc mới để được đóng BHXH tiếp và hưởng lương hưu khi về già.

Đã có chiều hướng giảm

Vì vậy, trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ người lao động rút BHXH một lần đã tăng mạnh. BHXH Việt Nam cập nhật trong quý I/2022 cho biết, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần - một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, cũng kể thời điểm này, ngành BHXH đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn tình trạng người lao động ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động không rút BHXH một lần.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động không rút BHXH một lần.

Kết quả, trái ngọt từ những nỗ lực trên đã xuất hiện. Theo số liệu từ BHXH TP.HCM, tỷ lệ rút bảo hiểm một lần trong tháng 6/2022 có chiều hướng giảm so với tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 6/2022 có hơn 9.000 người rút bảo hiểm một lần, giảm 910 người so với tháng 5/2022 và giảm 903 người so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm có tổng cộng 62.467 người rút bảo hiểm một lần tại TP.HCM.

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ rút bảo hiểm một lần của người lao động có chiều hướng giảm. Sở dĩ, người lao động rút bảo hiểm một lần để trang trải khó khăn, nhất là khi dịch bệnh phức tạp. Để hạn chế rút bảo hiểm một lần, cơ quan bảo hiểm thành phố cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã và ban, ngành đều tuyên truyền sâu rộng đến người lao động về những hệ lụy khi rút bảo hiểm một lần. Ngoài ra, đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới 10 năm cũng là một giải pháp để hạn chế rút bảo hiểm một lần, giúp người lao động tiếp cận lương hưu sớm hơn.

Tương tự, thống kê của BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp truyền thông, kể từ tháng 4/2022, số người lao động rút BHXH một lần đã có xu hướng giảm dần. Cụ thể, so với cao điểm tháng 3/2022 có hơn 7 ngàn người thì tháng 4/2022 chỉ còn hơn 6,2 ngàn người (giảm 11%), tháng 5/2022 giảm xuống còn hơn 5,7 ngàn người (giảm hơn 1,2 ngàn người, tương ứng giảm 18% so với tháng 3/2022), đến tháng 6/2022 là hơn 5 ngàn người (giảm hơn 1,9 ngàn người, tương ứng giảm 27,3% so với tháng 3/2022).

Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành, chia sẻ số người nhận trợ cấp BHXH một lần tại Đồng Nai tăng qua từng năm, chủ yếu do nhiều nguyên nhân. Nhận thức của người lao động về lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH vẫn còn hạn chế. Mặc dù ngành BHXH luôn chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH đến với các tầng lớp nhân dân, nhưng vẫn còn nhiều người lao động chưa thật sự nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc duy trì thời gian tham gia BHXH để có thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Tăng cường truyền thông theo chiều sâu

Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của người lao động. Hiện nay, đã có những chính sách hỗ trợ tích cực, nhưng cuộc sống của người lao động vẫn còn khó khăn, cần rút BHXH một lần để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt trước mắt trong thời gian tiếp tục tìm kiếm việc làm (chủ yếu là lao động phổ thông trong lĩnh vực may mặc, da giày, điện tử, gỗ…) hoặc để làm vốn kinh doanh tự do như: mở quán nước, quán ăn nhỏ, tiệm tạp hóa, bán hàng lưu động…

Trước thực trạng trên, BHXH tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét, sửa đổi pháp luật liên quan đến BHXH. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng đã xây dựng báo cáo tình hình phát triển đối tượng và hưởng trợ cấp BHXH một lần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020. Tiến hành điều tra xã hội học (về xu hướng hưởng BHXH một lần của người lao động), phục vụ đề tài nghiên cứu khoa học Thực trạng và giải pháp nhằm giảm tình trạng hưởng BHXH một lần ở Việt Nam (do Viện Khoa học BHXH, BHXH Việt Nam chủ trì)...

Ngoài ra, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực truyền thông bằng nhiều hình thức thích hợp với nội dung thiết thực nhằm tuyên truyền, thuyết phục người lao động về tầm quan trọng của việc mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy; kiến nghị đối với Bộ LĐ-TBXH, các cơ quan, đơn vị liên quan về mặt chính sách, pháp luật để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần.

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, để giữ chân người lao động, các nhân viên BHXH đã được quán triệt khi tiếp nhận hồ sơ cần giải thích, thuyết phục người lao động bảo lưu để tiếp tục tham gia nhằm có lương hưu sau này. Vì vậy, sắp tới, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ.

Từ phía chuyên gia, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tuân thủ quy định đóng bảo hiểm cho người lao động là thu nhập của người lao động, chứ không phải mức lương tối thiểu. Như vậy, khi về hưu người lao động sẽ đảm bảo cuộc sống, mạng lưới an sinh cũng ổn định hơn.

"Mỗi năm, Viện Công nhân Công đoàn vẫn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động, trong đó có lồng ghép chia sẻ về chính sách, chế độ của BHXH, đặc biệt là tác hại của rút bảo hiểm một lần", bà Thu Lan nhấn mạnh.

Việt Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/trai-ngot-tu-no-luc-giam-ty-le-nguoi-lao-dong-rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-1086958.html