'Trái ngọt' từ tấm lòng và hành động thiết thực của người lính quân hàm xanh

Với tình cảm tha thiết xen lẫn sự ngưỡng mộ, tự hào, Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP) đã sáng tác ca khúc 'Con nuôi đồn Biên phòng' để tri ân người cha nuôi Biên phòng nơi biên cương Tổ quốc. Mới đây, tác phẩm đã nhận giải C chuyên ngành âm nhạc Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' giai đoạn 2021 - 2023 (do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức).

Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh (thời điểm đó mang quân hàm Thượng tá). Ảnh: NVCC

Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh (thời điểm đó mang quân hàm Thượng tá). Ảnh: NVCC

Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khi anh vừa xuất sắc vượt qua nhiều tác phẩm khác để giành giải C của Ban Tổ chức. Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là giải thưởng lớn, có uy tín trong toàn quốc và đặc biệt là hướng đến việc học tập và làm theo Bác - người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang.

“Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn. Ngày nay, có rất nhiều mô hình, cách làm theo Bác hiệu quả, thiết thực. Riêng trong BĐBP đã “nở rộ” nhiều phong trào, trong đó “Con nuôi đồn Biên phòng” là một trong những phong trào tiêu biểu thể hiện sự thương yêu, tấm lòng nhân ái, sự gắn kết quân-dân sắt son, máu thịt của người lính quân hàm xanh với các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Con nuôi đồn Biên phòng”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nói, bài hát được anh sáng tác đầu tháng 7/2020 sau khi được xem trên truyền hình chương trình về “Con nuôi đồn Biên phòng” với rất nhiều hình ảnh của các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc tại nhiều đồn Biên phòng. Các cháu có những hoạt động tập thể dục buổi sáng, ngủ dậy gấp chăn, gấp màn như những người lính; sau giờ học cùng chăm sóc vườn rau với các chú bộ đội. Ban ngày, các cháu đi học ở trường, buổi tối được các chú Biên phòng dạy học ở đồn...

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (thời điểm đó mang quân hàm Thượng tá) với các em nhỏ ở Lai Châu. Ảnh: NVCC

Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (thời điểm đó mang quân hàm Thượng tá) với các em nhỏ ở Lai Châu. Ảnh: NVCC

“Ngay lúc xem phóng sự đó, tôi đã có ý nghĩ sẽ viết một bài hát về đề tài “Con nuôi đồn Biên phòng”. Và tôi đã dành thời gian quan sát, tìm hiểu thật kỹ để có nhiều cảm xúc nhất khi viết bài hát này. Bài hát là câu chuyện kể về một em nhỏ được đồn Biên phòng nhận về nuôi. Từ đó, em đã có thêm ngôi nhà mới với người cha là các chú Biên phòng nơi biên cương xa xôi. Trở thành con nuôi của đồn Biên phòng, các em được những người cha Biên phòng chăm sóc, được cắp sách đến trường học chữ với những niềm vui như bao bạn bè cùng trang lứa... Với các em, đồn Biên phòng đã trở thành căn nhà vô cùng ấm cúng, giúp các em vững bước vào đời” - Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP nói.

Là người có nhiều sáng tác về BĐBP, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh mong muốn và hy vọng, các nhạc sĩ trong và ngoài lực lượng sẽ tiếp tục sáng tác nhiều hơn về những việc làm, mô hình, phong trào và những điển hình tiêu biểu trong lực lượng quân hàm xanh. “Có thể nói, trong các loại hình văn học, nghệ thuật, âm nhạc với những lợi thế của mình nên đã có sức lan tỏa từ trái tim đến trái tim một cách nhanh nhất. Những ca khúc về lực lượng quân hàm xanh đã động viên, thúc giục người lính thêm quyết tâm, nỗ lực với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, những ca khúc về biên cương và người lính quân hàm xanh ra đời đã mang một sức mạnh tinh thần to lớn, là “binh chủng” quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, thời đại mới đặt ra yêu cầu mới với các nhạc sĩ. Muốn có sáng tác hay, nhạc sĩ phải bám sát những mô hình mới, cách làm hay của lực lượng quân hàm xanh để kịp thời tuyên truyền bằng lời ca, giai điệu sao cho hiệu quả.

“Điều đó đặt ra yêu cầu nhạc sĩ phải có thực tế, có sự trải nghiệm và đặc biệt phải viết về tình yêu, trách nhiệm với sự nghiệp gìn giữ biên cương Tổ quốc. Những năm qua, BĐBP đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, trong đó chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Đây là một mô hình vô cùng nhân văn và ý nghĩa khi BĐBP nhận các cháu nhỏ mồ côi, con liệt sĩ, các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn... ở khu vực biên giới về nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng. Và còn rất nhiều mô hình khác được triển khai hiệu quả đang chờ những sự sáng tạo của các nhạc sĩ” - Đại tá Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

“Con nuôi đồn Biên phòng" mang nét nhạc vui tươi, sôi động, dễ nghe, dễ hát. Là ca khúc thiếu nhi nên tác giả đã sử dụng lời ca gần gũi, dễ hiểu mà ai hát lên cũng thấy thật gần gũi, thân thương. Bài hát ca ngợi nghĩa cử cao đẹp của người lính quân hàm xanh và lại được viết bởi một người lính quân hàm xanh - thủ trưởng của Đoàn Văn công BĐBP. Vì thế, tác giả đã thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia, xúc động trước những hành động, việc làm của đồng đội. Tôi tin rằng, ca khúc sẽ có sức lan tỏa hơn nữa, nhất là khi gần đây, ca khúc đã được Ban Tuyên giáo Trung ương xét giải thưởng” - Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành, giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội đánh giá.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quottrai-ngotquot-tu-tam-long-va-hanh-dong-thiet-thuc-cua-nguoi-linh-quan-ham-xanh-post466583.html