'Trái phiếu cần được xếp hạng, không thể mua theo kiểu rỉ tai nhau'
Nhấn mạnh cần bảo vệ quyền lợi và lòng tin của nhà đầu tư sau vụ Tân Hoàng Minh, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần xây dựng cơ quan xếp hạng tín nhiệm với đơn vị phát hành trái phiếu.
Chỉ sau một ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra quyết định chưa có tiền lệ khi hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Bộ Công an đã khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (61 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 thuộc cấp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng Tân Hoàng Minh lại không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh), nhận định những động thái này tác động tiêu cực ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại có nhiều ý nghĩa tích cực.
Zing ghi lại quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa về vấn đề này. Ông là người có gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng, trong đó nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế Nhà nước, làm cố vấn kinh tế cho các Thủ tướng Việt Nam và Lào.
Bảo vệ quyền lợi và lòng tin của nhà đầu tư
Hủy 9 đợt phát hành trái phiếu để huy động hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh là một quyết định “chưa có tiền lệ”. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính phải tính đến sau vụ việc này, đó là đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của họ chứ không được “đem con bỏ chợ”.
Phải có những yếu tố đó mới giữ được thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, tôi tin khi các nhà đầu tư thấy tiền của họ được trả lại và không bị xâm phạm thì lòng tin vào thị trường sẽ được phục hồi.
Trước khi đưa ra quyết định, có lẽ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan quản lý đã làm việc với Tân Hoàng Minh để có biện pháp bảo toàn giá trị trái phiếu do công ty phát hành.
Ví dụ có thể yêu cầu cầu doanh nghiệp cam kết trả lại tiền cho nhà đầu tư, nếu không đủ tiền mặt thì doanh nghiệp phải bán tài sản đảm bảo để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán.
Ở Trung Quốc, với một doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu cả trong nước và quốc tế, nếu xảy ra vấn đề này thì Chính phủ sẽ bằng mọi cách bảo lãnh trái phiếu để giữ uy tín cho thị trường trái phiếu quốc gia, sau đó tìm giải pháp xử lý tài sản của doanh nghiệp để thu tiền về. Nhưng Tân Hoàng Minh chưa phải một công ty lớn, chưa phát hành trái phiếu quốc tế nên chưa cần Chính phủ vào cuộc.
Động thái “chưa có tiền lệ” mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra trong ngắn hạn có thể tác động tiêu cực khi khiến nhà đầu tư lo ngại, nhưng nó có ý nghĩa tích cực về dài hạn. Nó cho thấy động thái quyết liệt của cơ quan quản lý, và cũng là bài học kinh nghiệm để từ nay trở đi, các nhà đầu tư và phát hành trái phiếu phải rất cẩn trọng, cơ quan giám sát trái phiếu cũng phải rất sát sao, chặt chẽ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng.
Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô trên 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu
Chúng ta cần có hệ thống các cơ quan xếp hạng tín nhiệm với đơn vị phát hành trái phiếu để các nhà đầu tư lựa chọn trên cơ sở xếp hạng đó.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường trách nhiệm giám sát. Hiện nay, cơ quan này chỉ có thể thực hiện giám sát thông qua báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán công khai, song hầu hết là tài liệu “quá khứ”, còn khi đơn vị phát hành trái phiếu sẽ dùng vốn huy động được vào việc gì thì Ủy ban Chứng khoán không thể giám sát được. Đó là cái bất cập của thị trường trái phiếu Việt Nam.
Trong trường hợp vay ngân hàng, ngân hàng sẽ giám sát mục đích sử dụng vốn, nhưng trong phát hành trái phiếu thì đến nay vẫn chưa có quy định nào về giám sát dùng nguồn tiền huy động từ trái phiếu ra sao, nên doanh nghiệp có thể lợi dụng kẽ hở này.
Bài học rút ra sau này là cần cơ chế giám sát việc sử dụng trái phiếu vào mục đích như thông báo công khai mà doanh nghiệp đã tuyên bố, để biết dòng tiền đó đi về đâu, tránh trường hợp như Tân Hoàng Minh. Họ đã không dùng tiền huy động được vào các dự án như họ công bố với nhà đầu tư.
Trong tổng số trái phiếu phát hành ở Việt Nam thì gần một nửa vào bất động sản, trên 30% vào ngân hàng, còn lại khoảng trên dưới 20% cho các nhu cầu khác. Như vậy, toàn bộ ngành sản xuất của Việt Nam chưa hề được hưởng lợi ích từ thị trường trái phiếu.
Ngân hàng phát hành trái phiếu để tăng vốn, còn doanh nghiệp phát hành trái phiếu để phát triển bất động sản, đó là cấu trúc thị trường không lành mạnh. Bởi lẽ doanh nghiệp cần nhiều vốn nhất chính là doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh, kể cả thương mại, thì họ lại không tiếp cận được.
Vì thế, ngay bây giờ, chúng ta cần xây dựng thể chế, cơ sở pháp lý tốt hơn nhằm tạo ra thị trường lành mạnh hơn, công khai hơn, an toàn hơn.
Đặc biệt, cần nhắc lại rằng, chúng ta phải xây dựng hệ thống các công ty xếp hạng tín nhiệm - điều mà nhiều nước trên thế giới đã làm. Ở Việt Nam, trái phiếu phát hành không hề được xếp hạng, các nhà đầu tư chỉ nghe thông tin theo kiểu “rỉ tai nhau” rồi mua, như thế rủi ro rất lớn. Bài học Tân Hoàng Minh còn đó, khi ở trong nước nhìn vào, đó cũng là một tập đoàn có tên tuổi, nhưng rồi họ vẫn lợi dụng kẽ hở để sai phạm và gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (61 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 thuộc cấp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.
Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu nêu trên là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ làm việc với các bên liên quan để hoàn trả toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.