Trái phiếu chính phủ Trung Quốc kém hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Các nhà đầu tư toàn cầu đang giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc, một kênh đầu tư sinh lời an toàn ổn định trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19.

Nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục bán ra trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong năm 2023. Ảnh: AFP

Nhà đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục bán ra trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong năm 2023. Ảnh: AFP

Hơn 90 tỷ USD trái phiếu bị bán tháo

Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư đang chuẩn bị tâm thế trước việc Trung Quốc có thể áp dụng một số biện pháp thắt chặt tiền tệ và "để mắt" đến thị trường chứng khoán sôi động hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Năm 2022, thị trường trái phiếu Trung Quốc đã trở thành "ngoại lệ" khi các ngân hàng trung ương toàn cầu vội vàng tăng lãi suất để chống lạm phát, thì các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải căng mình trước tình trạng sự suy giảm kinh tế do dịch Covid-19. Nhưng giờ đây, khi nền kinh tế mở cửa trở lại nhanh chóng, các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) sẽ kiềm chế kích thích kinh tế.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc, loại kỳ hạn 10 năm với lợi suất khoảng 3%, trở nên kém hấp dẫn khi lãi suất ở các thị trường phát triển đều đang ở mức cao và tiềm năng tăng vốn vào các thị trường này lớn hơn.

Dữ liệu từ Bond Connect của Trung Quốc - kênh đầu tư chính cho nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc đại lục, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra lượng trái phiếu trị giá khoảng 616 tỷ nhân dân tệ (tương đương 90,63 tỷ USD) trong năm 2022, khiến lượng lượng nắm giữ của họ giảm còn 3.400 tỷ nhân dân tệ.

Xu hướng trên càng được củng cố trong năm 2023, theo các nhà quản lý quỹ.

"Nếu các nhà đầu tư nói rằng tôi muốn giao dịch theo sự phục hồi của Trung Quốc, thì câu trả lời không phải là trái phiếu chính phủ Trung Quốc (CGB). Câu trả lời cho việc chấp nhận các cơ hội rủi ro trong đầu tư trái phiếu sẽ là tín dụng nước ngoài của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ dài hạn", ông Jason Pang, nhà quản lý danh mục đầu tư Quỹ đầu tư trái phiếu Trung Quốc mở (CBOF) thuộc J.P Morgan Asset Management.

Ông Pang cho biết dòng tiền mà các nhà đầu tư đã cam kết cho thị trường Trung Quốc đại lục có thể chuyển sang kênh cổ phiếu.

Chuyên gia này cho biết ông đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc và tái phân bổ một phần lớn trong số đó vào trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ hải ngoại ở thị trường Hong Kong.

Nhà phân tích của J.P Morgan Asset Management cũng lưu ý, khi các nhà đầu tư toàn cầu tác động đến sự phục hồi kinh tế Trung Quốc thông qua đầu tư cổ phiếu ở Hong Kong, điều kiện thị trường ở Hong Kong sẽ được cải thiện và cứu giá trái phiếu trước nguy cơ trượt dốc.

Ngược lại với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong hai năm qua. Điều đó đã giúp thị trường trái phiếu của Trung Quốc sinh lời nhiều hơn so với các thị trường khác.

Năm 2022, chỉ số trái phiếu chính phủ Trung Quốc FTSE Xinhua đã trở lại mức lợi nhuận 3,2% tính theo nội tệ, nhưng âm 5,4% tính theo đồng đô la Mỹ. Trong khi đó, chỉ số trái phiếu chính phủ thế giới FTSE đã giảm 18,3% tính theo đồng đô la Mỹ.

Ông Edmund Goh, Trưởng bộ phận Thu nhập cố định thị trường Trung Quốc tại Công ty quản lý tài sản Abrdn (Vương quốc Anh), ủng hộ những quốc gia tiên phong chấm dứt việc tăng lãi suất cao hơn, đồng thời đặt kỳ vọng vào các thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

"Chúng tôi đã không tăng tỷ lệ sở hữu trái phiếu Trung Quốc trong danh mục đầu tư thu nhập cố định châu Á của mình vì những thị trường khác có mức tăng vốn lớn hơn", ông Goh tiết lộ.

Đồng tình quan điểm trên, ông Jerome Broustra, Trưởng bộ phận giải pháp thu nhập cố định và đa tài sản tại Công ty quản lý đầu tư AXA Investment Managers, cho biết ông đang cân nhắc lựa chọn trái phiếu chính phủ Indonesia và trái phiếu có lợi suất cao liên quan đến cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc.

Lợi thế về lợi suất đã không còn

Lợi thế có lợi suất cao hơn của trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã "biến mất" khi lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ lần đầu tiên bắt kịp và sau đó vượt qua Trung Quốc. Đơn cử, trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đạt khoảng 3,7%, còn lợi suất của trái phiếu Trung Quốc cùng loại là 2,9%. Thêm vào đó, bản thân thị trường chứng khoán Thượng Hải đã tăng 13% chỉ sau hơn hai tháng.

"Trái phiếu Trung Quốc đóng vai trò như một công cụ đa dạng hóa rất hiệu quả, đặc biệt là trong ba năm qua", ông Pang đánh giá. Thế nhưng, chuyên gia lưu ý, khi lãi suất toàn cầu đạt mức cao nhất, việc đổ tiền mặt vào các thị trường có hiệu suất tốt hơn là điều hợp lý.

Dù các nhà quản lý quỹ đang hướng mắt sang các thị trường hấp dẫn hơn, nhưng họ không mong đợi một đợt bán tháo ồ ạt trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

Bà Polina Kurdyavko, Trưởng bộ phận Các thị trường mới nổi và nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ quản lý tài sản BlueBay Asset Management, cho biết: "Tôi không thấy lượng giao dịch lớn đối với trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ của Trung Quốc, kể cả về mặt ngoại hối hay tỷ giá".

"Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thành thạo hơn nhiều trong việc sử dụng các biện pháp hành chính để hướng thanh khoản trong túi đến nơi cần thiết nhất", bà Kurdyavko nhận định.

Còn ông Freddy Wong, Trưởng bộ phận Thu nhập cố định khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty Quản lý đầu tư Invesco, kỳ vọng trái phiếu chính phủ Trung Quốc sẽ thu hút một số dòng vốn đầu tư, nhất là khi đồng nhân dân tệ tăng giá.

"Rất nhiều nhà đầu tư toàn cầu đã phân bổ vốn thấp hơn đáng kể đối với các thị trường trong nước của Trung Quốc. Có thể có sự quan tâm tiềm năng, nhưng tôi sẽ không xếp hạng sự quan tâm đó ở mức rất cao", ông Wong nói.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trai-phieu-chinh-phu-trung-quoc-kem-hap-dan-nha-dau-tu-ngoai-d183587.html