Trái phiếu cứu lợi nhuận ngân hàng

Trong bối cảnh nguồn thu từ dịch vụ giảm thì lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (chủ yếu là trái phiếu) đã tăng mạnh, đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung của ngân hàng sau 3 quý đầu năm.

Dịch Covid-19 khiến nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng giảm mạnh, nhưng bù lại lãi từ kinh doanh chứng khoán tăng đột biến. Ảnh: Dũng Minh

Dịch Covid-19 khiến nguồn thu từ dịch vụ của ngân hàng giảm mạnh, nhưng bù lại lãi từ kinh doanh chứng khoán tăng đột biến. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều ngân hàng báo lãi đột biến từ kinh doanh chứng khoán

Tại ACB, báo cáo tài chính quý III/2020 của ngân hàng này cho thấy, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng 3 lần trong kỳ, nâng mức lãi lũy kế 9 tháng đầu năm từ hoạt động này lên mức 700 tỷ đồng, gấp gần… 195 lần so với cùng kỳ 2019 (đạt 3,6 tỷ đồng). Trong khi đó, lãi thuần từ dịch vụ giảm 5% trong quý III, xuống mức gần 492 tỷ đồng.

Tương tự, thu nhập lãi thuần của BIDV 9 tháng đầu năm 2020 giảm 4,42% so với cùng kỳ 2019, xuống mức 23.232 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận sự đột biến với mức lãi 1.009 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 266 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tăng mạnh 82%, lên mức 479 tỷ đồng.

Cơ cấu đóng góp của các mảng kinh doanh cho tổng thu nhập hoạt động BIDV cũng có sự thay đổi đáng kể trong 9 tháng qua, khi tỷ trọng của thu nhập lãi thuần giảm từ 77% về 73%, còn hoạt động mua bán chứng khoán tăng từ 0% lên 4%.

Còn tại VietinBank, lãi từ mua bán chứng khoán sau 9 tháng đầu năm 2020 đạt 640 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với cùng kỳ 2019.

Một trong những ngân hàng ghi nhận mức tăng “khủng” từ mua bán chứng khoán kinh doanh là OCB với mức tăng 86,5 lần trong quý III/2020, trong khi mua bán chứng khoán đầu tư lại giảm 77%.

Dẫu vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư của OCB vẫn đạt trên 747 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019, còn lãi từ mua bán kinh khoán kinh doanh đạt 53,49 tỷ đồng, tăng 199%.

Không chỉ các nhà băng quy mô lớn hay vừa, mà nhiều ngân hàng nhỏ cũng ghi nhận lãi đột biến từ kinh doanh chứng khoán. Đơn cử, Vietbank có lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư trong quý III/2020 đạt 177,26 tỷ đồng, tăng 2,2 lần và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 583 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2019, thậm chí mức lãi này còn lớn hơn cả thu nhập lãi thuần của Ngân hàng (đạt 487 tỷ đồng).

Tại NCB, lãi từ chứng khoán đầu tư sau 3 quý đầu năm nay là 86,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái mảng này chỉ lãi hơn 400 triệu đồng.

Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2020 của VIB đạt hơn 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận âm 520 triệu đồng.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới nhu cầu vay vốn sụt giảm. Theo đó, tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chậm lại rõ rệt. Cùng với đó, các ngân hàng còn tập trung cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay… khiến nguồn thu nhập từ tín dụng kém khả quan hơn so với mọi năm. Đây là một trong những lý do khiến đa phần ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng thấp, thậm chí không tăng trong 9 tháng qua.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh ngoài lãi tại nhiều ngân hàng có kết quả tăng trưởng ấn tượng, nổi bật nhất là hoạt động mua bán chứng khoán. Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần thừa nhận, nguồn thu từ lãi trong 9 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng này khó kỳ vọng ở mức cao do hoạt động cho vay chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh. Vì thế, ngân hàng phải nỗ lực đẩy mạnh nguồn thu từ các mảng khác, trong đó có chứng khoán đầu tư, đặc biệt khi giá cổ phiếu có chiều hướng tăng từ quý III/2020.

“Điểm nhấn” trái phiếu doanh nghiệp địa ốc

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, giá trị lớn nhất là chứng khoán nợ, bao gồm trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao. Trong đó, trái phiếu là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cố định ở mức cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi và có kỳ hạn.

Đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn, hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Bên cạnh đó, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn. Tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước phát hành nên gần như không có rủi ro, nhưng tất nhiên lãi suất cũng sẽ không cao.

Còn với chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp), các ngân hàng mua vào với mục tiêu hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn và các tài sản tài chính phái sinh được nắm giữ không phải với mục đích phòng ngừa. Thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.

Đơn cử, tính đến 30/9/2020, Techcombank đã mua hơn 24.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nâng tổng giá trị nắm giữ lên 54.400 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2019 và chiếm 19,5% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng.

Trong nguồn thu từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn. Đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi rủi ro tái tài trợ bộc lộ khá rõ ràng.

Tại VPBank, danh mục trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2020 tăng 2,5 lần, với tổng giá trị trái phiếu nắm giữ đạt hơn 38.171 tỷ đồng (cuối năm 2019 là hơn 14.222 tỷ đồng).

Tại cùng thời điểm, nhiều ngân hàng khác cũng có lượng trái phiếu doanh nghiệp mua vào tăng bằng lần như TPBank với 12.703 tỷ đồng, tăng 3 lần; MB là 27.500 tỷ đồng, tăng gần 2 lần; SeABank tăng 3,5 lần…

Công ty Chứng khoán SSI cho biết, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường tăng 79% trong 9 tháng đầu năm nay, đạt 341.000 tỷ đồng. Theo SSI, dù lượng phát hành tăng vọt, song trái phiếu doanh nghiệp vẫn “đắt khách” hơn cả năm trước, khi tỷ lệ phát hành thành công lên tới 98% (cùng kỳ năm ngoái đạt 93%). Trong đó, tỷ lệ chào bán thành công của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được cải thiện mạnh mẽ, đạt 97,2% (cùng kỳ là 87,5%). Đồng thời, khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là các ngân hàng.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong nguồn thu từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn. Đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi rủi ro tái tài trợ bộc lộ khá rõ ràng.

Theo ông Hiếu, hiện các ngân hàng có xu hướng nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, trong khi đây là nhóm doanh nghiệp được cơ quan chức năng yêu cầu hạn chế đầu tư nhằm hạn chế rủi ro. Do đó, sẽ khó nói trước được hậu quả nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này với kỳ vọng sẽ có những thu nhập “bất thường” nhằm cân bằng những thiệt hại được cho là do dịch Covid-19 gây ra.

“Không loại trừ khả năng ngân hàng “lách luật” cho vay đảo nợ bằng trái phiếu. Để hạn chế tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo dự thảo, các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ, góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác...”, ông Hiếu thông tin thêm.

Vân Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/trai-phieu-cuu-loi-nhuan-ngan-hang-post254585.html