Trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định
Sau một thời gian khó khăn, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang dần ổn định, dù động lực chính trong năm 2025 vẫn là nhu cầu tái cơ cấu nợ trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều bất định.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu năm đến ngày 9/5, tổng giá trị phát hành TPDN đạt 73.201 tỷ đồng. Cùng với đó, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn cũng sôi động. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 40.720 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm khoảng 44,5% tổng giá trị tương đương 18.127 tỷ đồng.

73% trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu nợ. Ảnh minh họa
Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường TPDN phi tài chính năm 2025 đang bước vào một chu kỳ mới – mang theo nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít thách thức. Dưới góc nhìn của VIS Rating, dù hoạt động phát hành đang dần ổn định sau giai đoạn khó khăn, động lực chính trong năm 2025 vẫn là nhu cầu tái cơ cấu nợ trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn nhiều bất định.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, giá trị mua lại và thanh toán trước hạn tăng 97%. Khoảng 73% trong tổng số 13.200 tỷ đồng phát hành đầu năm dùng để tái cơ cấu nợ – mức kỷ lục phản ánh chiến lược giữ ổn định trước tăng trưởng. VIS Rating dự báo tổng giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2025 ước đạt 151 nghìn tỷ đồng – tăng 9% so với năm 2024. Hoạt động phát hành sẽ duy trì ổn định, nhưng mục đích chủ yếu vẫn là duy trì dòng tiền thay vì tạo động lực tăng trưởng mới, và tái cơ cấu nợ không chỉ là giải pháp tạm thời mà trở thành trụ cột giữ ổn định thị trường.
Đáng chú ý, bên cạnh nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đáo hạn, thì theo thông báo của HNX, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ vẫn tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính đến ngày 15/4/2025, đã có hơn 90 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Được biết, số tiền nợ gốc đến hạn trong quý 1/2025 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán là khoảng hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng giá trị đáo hạn trong quý 1/2025.
Ước tính, tổng dư nợ TPDN riêng lẻ của hơn 90 doanh nghiệp này là khoảng hơn 200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản. Sang quý 2, ước tính sẽ có khoảng gần 38 nghìn tỷ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, tăng 105% so với quý 1. Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm 57,3% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn.
Thực tế, trong tháng 4, đã có một số doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu. Có thể kể đến những cái tên khá nổi bật như CTCP Tập đoàn Đua Fat (mã DFF) với 2 lô trái phiếu chưa được thanh toán dù đã đến hạn. Cụ thể, hệ thống HNX ghi nhận lô trái phiếu DFFH2123001 giá trị 150 tỷ đồng được phát hành tháng 9/2021 với kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào tháng 3/2023.
Lô trái phiếu DFFH2124002 giá trị 300 tỷ đồng phát hành tháng 12/2021, kỳ hạn 36 tháng và đáo hạn vào 12/2024. Thế nhưng công bố tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu của công ty này cho biết, đến ngày thanh toán theo kế hoạch là 31/12/2024, công ty chưa thanh toán được số tiền gốc còn lại hơn 51 tỷ đồng của lô DFFH2123001 và 300 tỷ tiền gốc cùng hơn 51,2 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu DFFH2124002.
Lý do chậm thanh toán được Đua Fat cho biết, do nền kinh tế nói chung và ngành xây dựng nói riêng gặp nhiều khó khăn và bất lợi, dẫn đến tình hình tài chính công ty gặp khó khăn trong việc thu xếp trả các khoản nợ đến hạn. Công ty vẫn đang tiếp tục đàm phán xin gia hạn trả gốc lãi trái phiếu.
Hay một doanh nghiệp khác đó là CTCP Đầu tư Xây dựng Đại Thịnh Phát cũng vừa thông tin về việc chậm thanh toán gốc lãi lô trái phiếu DPJ12201 trị giá 500 tỷ đồng. Theo đó, đến ngày thanh toán theo danh nghĩa là 29/4/2025, Đại Thịnh Phát cần thanh toán hơn 5,3 tỷ đồng tiền lãi, tuy nhiên, tổ chức phát hành này cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, công ty đang làm việc với đối tác để cơ cấu tài sản và dòng tiền nên chưa thanh toán được số tiền trên đúng hạn. Đáng nói, đây không phải là lần đầu Đại Thịnh Phát chậm trễ trong việc thanh toán lãi trái phiếu. Chỉ trong tháng 4/2025, Đại Thịnh Phát đã có 3 lần báo cáo chậm trả lãi trái phiếu vốn dĩ đến hạn trả…
Dù bức tranh thị trường TPDN vẫn còn những gam màu khác nhau, nhưng theo chuyên gia VIS Rating, rủi ro tái cơ cấu nợ được đánh giá là sẽ được kiểm soát tốt; hoạt động phát hành trái phiếu phi tài chính năm 2025 sẽ duy trì ổn định, tăng trưởng trái phiếu phát hành năm 2025 sẽ tương đương mức 13% của năm 2024, tiếp tục dẫn dắt bởi các chủ đầu tư bất động sản nhà ở.
Thị trường TPDN phi tài chính năm 2025 sẽ không bùng nổ, cũng không suy thoái, mà là giai đoạn sàng lọc tự nhiên. Doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững, chiến lược rõ ràng sẽ trụ vững, ngược lại, những đơn vị sử dụng đòn bẩy cao, thiếu kế hoạch trả nợ dài hạn sẽ gặp khó khăn. Thị trường vì thế sẽ trở nên minh bạch và lành mạnh hơn – nền tảng cho phát triển bền vững.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/trai-phieu-doanh-nghiep-dan-on-dinh-i768984/