Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân đạt hơn 3.700 tỷ đồng/phiên

Sau 1 năm giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân đạt 3.704,5 tỷ đồng/phiên.

Đây là thông tin được bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết tại Hội nghị Tổng kết 1 năm vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (19/7/2023-19/7/2024) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo bà Vũ Thị Thúy Ngà - Phó Tổng giám đốc HNX, tại thời điểm khai trương, thị trường có 19 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của 3 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng. Sau một năm đã tiếp nhận hồ sơ và đưa vào giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 832.189,4 tỷ đồng.

Hệ thống thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng phát triển nhanh chóng từ 8 thành viên tại ngày khai trương thị trường, đến nay, hệ thống đã có 48 thành viên.

Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường sơ cấp, góp phần thúc đẩy thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Sau 1 năm vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có 167 đợt phát hành thành công với giá trị 393.892,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là chủ trương lớn, nhất quán, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả trong trung, dài hạn đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời góp phần đa dạng hóa thị trường tài chính, bảo đảm hài hòa, cân đối cơ cấu thị trường vốn…

Theo ông Nguyễn Duy Thịnh, sau một năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được vận hành an toàn, thông suốt, quy mô thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự cải thiện tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ ngày càng phát triển ổn định, an toàn, bền vững hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò là một kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung” Chủ tịch HNX nhận định.

Số liệu từ báo cáo tham luận của ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy tính đến cuối tháng 9, số lượng tài khoản nhà đầu tư 190.826 tài khoản; trong đó có 190.034 tài khoản nhà đầu tư cá nhân. Giá trị thanh toán trên 3.000 tỷ đồng/ngày; trong đó, ngày 11/6/2024 có giá trị thanh toán lớn nhất là hơn 10.400 tỷ đồng.

Trong năm đầu vận hành, VSDC đã thực hiện đăng ký lần đầu hơn 1,47 tỷ trái phiếu, tương đương với gần 900 nghìn tỷ đồng; thực hiện quyền 1.400 mã/đợt trái phiếu, tương đương gần 96,5 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, tuy số lượng hồ sơ đăng ký lần đầu và thực hiện quyền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian đầu triển khai lớn, nhưng VSDC đã xử lý các hồ sơ này theo đúng thời gian quy định; số lượng thành viên và tài khoản nhà đầu tư tham gia hệ thống trái phiếu riêng lẻ của VSDC tăng mạnh đã góp phần gia tăng số lượng, giá trị giao dịch và giá trị thanh toán trái phiếu riêng lẻ.

Với vai trò là ngân hàng thanh toán, đại diện Ngân hàng chỉ định thanh toán, ông Vũ Quang Đông - Phó Giám đốc Khối Phụ trách Khối Vốn Thị trường Vietcombank chia sẻ, hệ thống của Vietcombank đã thực thiện thanh toán tức thời từng giao dịch, quản lý số dư tiền mua/bán trái phiếu tới từng nhà đầu tư. Ngoài ra, đại diện Vietcombank cũng cho biết nhiều thông số cụ thể cho thấy năng lực hệ thống thanh toán cũng như dư địa có thể đáp ứng nhu cầu dài hạn cho thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Chứng Vũ Thị Chân Phương cho rằng, cơ quan quản lý và các đơn vị, cũng như các thành viên thị trường, tổ chức phát hành cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng phát triển chất lượng, hiệu quả, minh bạch, bền vững hơn nữa; đóng góp rõ nét hơn trong vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Tôi tin tưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã, đang và sẽ trở thành một trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng, kênh phát hành chứng khoán ra công chúng và các kênh huy động vốn khác.” Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị các đơn vị nghiên cứu, triển khai một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành; có giải pháp cơ bản để kiểm soát chất lượng của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua đẩy mạnh áp dụng định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; xem xét nâng điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để giảm thiểu việc nhiều doanh nghiệp mới thành lập chưa có hoạt động hoặc đã thành lập nhưng không có hoạt động có thể phát hành trái phiếu đoanh nghiệp riêng lẻ với quy mô gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Bà Vũ Thị Chân Phương cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng nhà đầu tư theo hướng thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, các nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xây dựng chính sách, các tổ chức giám sát, các thành viên thị trường trong đề ra các giải pháp, sáng kiến thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh của thị trường, giải quyết những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động của thị trường.

Bên cạnh đó, bà Phương yêu cầu xem xét thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, nghiên cứu xây dựng và ứng dụng bộ tiêu chuẩn điều kiện, điều khoản mẫu cho trái phiếu doanh nghiệp tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để giải quyết thực trạng các trái phiếu có nhiều điều kiện, điều khoản khác như hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, việc nghiên cứu khuyến khích phát triển hệ sinh thái cho thị trường thông qua phát triển và nâng cao chất lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức trung gian thị trường như tổ chức tư vấn, tổ chức bảo lãnh, tổ chức nâng cao tín nhiệm (CGIF-Credit Guarantee and Investment Facility)... là rất quan trọng

Bên cạnh đó, cần truyền thông về hoạt động, vận hành và quy định trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để doanh nghiệp, các nhà đầu tư nâng cao hiểu biết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tuân thủ pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh quản lý giám sát đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường; xử phạt nghiêm các vi phạm của tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng như vi phạm của tổ chức phát hành theo kết quả giám sát của HNX.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong thực hiện các giải pháp, đề xuất phát triển thị trường; chúng tôi sẽ đồng hành cùng với các sở giao dịch chứng khoán, VSDC, các thành viên thị trường trong nỗ lực phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bền vững, an toàn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-binh-quan-dat-hon-3700-ty-dongphien-20240818095744799.htm