Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quý II: Bất động sản tiếp tục là 'tâm bão' đáo hạn

Theo số liệu thống kê của VnDriect, sau khi giảm nhẹ trong quý I/2025, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại trong quý II/2025. Ước tính có gần 38.000 tỷ đồng trái phiếu DN riêng lẻ (TPDNRL) đến hạn trong quý II, tăng 105% so với quý I. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3%, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 11%.

Phát hành riêng lẻ trầm lắng, phát hành công chúng khởi sắc

Theo báo cáo, đến ngày 15/4/2025, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước trong quý I/2025 ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Cụ thể, toàn thị trường có 10 đợt phát hành TPDN thành công với tổng giá trị phát hành (GTPH) đạt khoảng 25.104 tỷ đồng, giảm 84% so với quý IV/2024 và giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng số 10 đợt phát hành, chỉ có 2 đợt là phát hành riêng lẻ với tổng GTPH đạt 2.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng giá trị, trong khi 8 đợt còn lại là phát hành ra công chúng, đạt 23.104 tỷ đồng, chiếm tới 92%.

Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) đặc biệt trầm lắng trong quý I/2025 với tổng GTPH giảm tới 98,7% so với quý IV/2024 và giảm 86,8% so với cùng kỳ. Trái lại, phát hành ra công chúng có sự khởi sắc, với tổng giá trị tăng 294% so với quý trước và tăng 68,7% so với cùng kỳ.

Theo quan sát, hoạt động phát hành TPDNRL thường chậm lại trong quý I hàng năm do nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp thấp, trong bối cảnh tín dụng toàn thị trường cũng thường tăng trưởng yếu nhất vào thời gian này.

Hai đợt phát hành riêng lẻ thành công trong quý I/2025 bao gồm: một đợt của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với giá trị 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất phát hành 5,6%/năm; và một đợt của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trị giá 500 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm, lãi suất 8,2%/năm.

Ở chiều ngược lại, hoạt động phát hành ra công chúng ghi nhận sự sôi động, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng. Trong tổng 8 đợt phát hành ra công chúng, có 6 đợt thuộc về các ngân hàng, với tổng giá trị hơn 17.800 tỷ đồng, chiếm 77,1%. Các trái phiếu này có kỳ hạn từ 6–10 năm, lãi suất thả nổi (gồm lãi suất tham chiếu cộng với biên độ cố định). Hai đợt phát hành còn lại thuộc về nhóm dịch vụ tài chính với tổng giá trị 5.300 tỷ đồng.

Hoạt động mua lại trước hạn chậm lại

Tổng giá trị TPDNRL được mua lại trước hạn trong quý I/2025 đạt 27.012 tỷ đồng, giảm 61,7% so với quý IV/2024 nhưng tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm bất động sản (BĐS) dẫn đầu về giá trị mua lại, với hơn 12,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn, tăng 14% so với quý trước. Xếp thứ hai là nhóm sản xuất, với giá trị mua lại đạt hơn 8,8 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 472% so với quý IV/2024, chiếm 32,6%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng chỉ mua lại hơn 4 nghìn tỷ đồng, giảm 92,5% so với quý trước.

Một số doanh nghiệp mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) với 5.110 tỷ đồng; CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (2.076 tỷ đồng); CTCP Tập đoàn Sovico (2.000 tỷ đồng); Ngân hàng TMCP Phương Đông (2.000 tỷ đồng); và Công ty TNHH Điện gió Hòa Đông 2 (1.730 tỷ đồng).

Đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành (TCPH) và trái chủ tiếp tục sôi động trong quý I/2025. Đến ngày 15/4/2025, đã có 118 TCPH đạt được thỏa thuận gia hạn, với tổng giá trị trái phiếu được gia hạn hơn 178 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giá trị trái phiếu dự kiến đáo hạn năm 2025 đã được gia hạn đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ TPDNRL đáo hạn trong năm nay.

Phần lớn lượng trái phiếu được gia hạn kỳ hạn thuộc nhóm bất động sản. Một số doanh nghiệp có khối lượng gia hạn lớn gồm: Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (2.250 tỷ đồng, gia hạn 12 tháng); CTCP Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL (hơn 2.900 tỷ đồng, gia hạn 24 tháng); CTCP Đầu tư Phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam (hơn 2.800 tỷ đồng, gia hạn 24 tháng); và Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quản lý Biển Đông (hơn 1.300 tỷ đồng, gia hạn 24 tháng).

Sau khi giảm nhẹ trong quý I, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại trong quý II/2025. Ước tính có gần 38 nghìn tỷ đồng TPDNRL đến hạn trong quý II, tăng 105% so với quý I. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3%, tiếp theo là nhóm ngân hàng với 11%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) tiếp tục xu hướng tăng trong quý I/2025. Lợi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm đạt 2,15%, tăng 9 điểm cơ bản so với cuối năm 2024; lợi suất kỳ hạn 10 năm đạt 2,96%, tăng 19 điểm cơ bản. Trên thị trường thứ cấp, lợi suất TPCP cũng duy trì xu hướng tăng, phản ánh kỳ vọng lãi suất thị trường duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-quy-ii-bat-dong-san-tiep-tuc-la-tam-bao-dao-han-141409.html