SCIC thoái vốn tại FPT và nhiều doanh nghiệp trong đợt 1 năm 2025

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt I/2025 với tổng cộng 31 doanh nghiệp xuất hiện trong danh sách.

Danh sách cụ thể các doanh nghiệp thoái vốn gồm: Công ty cổ phần (CTCP) Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng; CTCP Công trình Giao thông Bình Thuận; CTCP Công trình GTVT Quảng Nam; CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Lâm Đồng; CTCP vật liệu xây dựng khoáng sản Bình Thuận; CTCP Thương mại và Dịch vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; CTCP Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương; CTCP Nhân lực quốc tế Sovilaco; CTCP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại; CTCP GP9; Tổng công ty Thăng Long; CTCP Nhiệt điện Hải Phòng; CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh; Tổng công ty XDCT Giao thông 8 (Cienco 8); CTCP Quản lý đường thủy nội địa số 7; Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam; CTCP Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên; CTCP XNK Y tế DOMESCO; CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam- ; CTCP CNTT, VT và tự động hóa dầu khí PV Tech; CTCP Sách Việt Nam; CTCP Du lịch và Xúc tiến đầu tư; CTCP Nông sản Agrexim; CTCP Thiết bị Khí tượng Thủy văn và Môi trường Việt Nam (Hymetoo); CTCP FPT; CTCP Phát hành sách Nghệ An; CTCP Nhựa Việt Nam; CTCP Giao nhận kho vận ngoại thương; Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam; CTCP Cơ khí và khoảng sản Hà Giang.

Trong danh sách được công bố có nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như FPT vốn của SCIC là gần 840 tỷ đồng, chiếm 5,7%; CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), vốn của SCIC là 120,5 tỷ đồng, chiếm 35%; Nhiệt điện Hải Phòng (vốn của SCIC là 450 tỷ đồng, chiếm 9%; Nhiệt điện Quảng Ninh, vốn của SCIC là 514 tỷ đồng, chiếm 11,4%; Công ty nhựa Thiếu niên tiền phong vốn của SCIC là gần 529 tỷ đồng, chiếm 37,1%; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) vốn của SCIC là hơn 108 tỷ đồng, chiếm 18,4%,…

Trong số kể trên, thương vụ có giá trị lớn nhất là kế hoạch thoái 5,7% vốn CTCP FPT. FPT là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong danh sách này. Hiện SCIC đang nắm 5,7% vốn FPT, tương đương 839,8 tỷ đồng.

FPT hiện đang có vốn hóa thị trường trên 161 nghìn tỷ đồng, tương đương với việc số cổ phần mà SCIC nắm giữ có giá trị lên đến hơn 9.100 tỷ đồng. Tại FPT, SCIC đang là cổ đông lớn thứ 2, sau chủ tịch Trương Gia Bình.

Theo danh sách SCIC công bố có một doanh nghiệp đã bán vốn thành công là Tổng công ty Thăng Long; trong đó vốn của SCIC là 105 tỷ đồng, chiếm 25,1%.

Hiện SCIC cũng đang chào bán cạnh tranh cổ phần tại Domesco. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 12/05/2025 với trọn lô hơn 12 triệu cổ phần Domesco, giá khởi điểm là hơn 1.531 tỷ đồng.

Năm 2025, SCIC lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 11.987 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 9.252 tỷ và 8.749 tỷ đồng; giải ngân đầu tư là 18.920 tỷ.

Trong giai đoạn 2021-2024, Nhà nước đã thực hiện thoái vốn tại 15 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng. Sang năm 2025, kế hoạch đặt ra là tiếp tục thoái vốn tại 131 doanh nghiệp nhà nước, dự kiến thu về khoảng 10.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, đến hết quý I vẫn chưa thoái vốn được tại bất kỳ doanh nghiệp nào.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/scic-thoai-von-tai-fpt-va-nhieu-doanh-nghiep-trong-dot-1-nam-2025/371936.html