Trái phiếu doanh nghiệp: Sửa có khắc phục tồn tại?

Sau hơn 1 năm ban hành Nghị định 163/2018, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đóng góp một kênh quan trọng trong việc huy động vốn cho các DN. Tuy nhiên, thị trường TPDN cũng phát sinh những điểm yếu, nhiều DN đã sử dụng công cụ này cho những mục tiêu riêng. Liệu dự thảo sửa đổi lần này có khắc phục được những tồn tại trên?

Quy định lãi suất: có cũng như không

Quy định về lãi suất phát hành TPDN không được vượt quá mức lãi suất quy định tại Điều 468 Luật Dân sự 2015, tương ứng không vượt quá mức 20%/năm. Quy định này có lẽ không quan trọng, bởi thời gian qua chỉ có trường hợp của công ty H. phát hành TPDN mua lại cổ phần của cổ đông sáng lập một ngân hàng mới xác lập mức lãi suất này.

Về nguyên tắc, lãi suất của TP nên được ấn định dựa trên nguyên tắc độ rủi ro của chủ thể phát hành TP. Thông qua tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành TP để hình thành cơ sở lãi suất.

Tuy nhiên, điều này không được đề cập trong dự thảo chỉnh sửa này. Nghĩa là, việc phát hành TPDN cũng chỉ dừng lại là hợp đồng vay có lãi suất thỏa thuận giữa bên phát hành và nhà đầu tư. Do đó, lãi suất phải được xác lập dựa trên quy định của Luật Dân sự 2015 là lẽ tự nhiên.

Bổ sung quy định về lãi suất phát hành TP được tính vào chi phí lãi vay của DN khi xác định thu nhập chịu thuế, quy định này đưa đến việc phát hành TPDN có lãi suất được khấu trừ thuế phải được xác định theo quy định về quản lý thuế.

Theo đó, chi phí lãi vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố (hiện nay là 9%), được quy định tại Khoản 2.17, Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC. Như vậy mức lãi suất được xác định để khấu trừ thuế hiện tại theo các quy định về quản lý thuế chỉ ở mức tối đa 13,5%/năm.

Thời gian qua, nhiều DN phát hành TPDN có lãi suất cao hơn mức lãi suất này sẽ phải xuất toán khỏi thu nhập chịu thuế và được bù trừ bằng thu nhập sau thuế của các cổ đông. Chẳng hạn như TP của Công ty H. hồi cuối năm 2019 phát hành với mức lãi suất 20%/năm, cổ đông công ty H. phải chấp nhận khoản chi phí không được khấu trừ thuế tương ứng 20-13,5% là 6,5%/năm.

Nếu tính trên tổng giá trị lô TP phát hành 1.400 tỷ đồng, mỗi năm công ty H. không được khấu trừ thuế thu nhập DN 91 tỷ đồng (1.400 x 6,5%) từ chi phí lãi vay. Với khoản đầu tư vào cổ phiếu một ngân hàng từ việc phát hành 1.400 tỷ đồng TP, công ty H. liệu có đủ khoản tiền lãi sau thuế thu nhập DN lên đến 455 tỷ đồng (91 tỷ đồng trong 5 năm của kỳ hạn TP).

Thực tế, ngay khi xác định mức lãi suất cho TPDN, công ty H. thừa biết quy định về thuế, vậy tại sao công ty quy định mức lãi suất TP lên đến 20%/năm? Lý giải cho điều này, báo ĐTTC số 38 ra ngày 23-12-2019 đã nêu ra câu trả lời. Vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung điều khoản này của Nghị định 163 chỉ để làm rõ thêm vấn đề thay vì quản lý về lãi suất phát hành TPDN.

Giám sát mục đích sử dụng vốn

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), khi cấp tín dụng (khoản vay) cho DN đều phải giám sát mục đích sử dụng vốn vay, đồng thời giải ngân đúng mục đích sử dụng vốn vay. Trong những thời điểm khác nhau, NHNN đánh giá mức độ rủi ro mục đích sử dụng vốn vay của DN để có những quy định điều tiết dòng vốn cho vay tại các TCTD.

Đối với Luật Chứng khoán (sửa đổi 2019) cũng có quy định về mục đích sử dụng vốn khi chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Điều 15. Theo đó, DN phát hành chứng khoán (cổ phiếu và TP) ra công chúng phải có phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán.

Dự thảo lần này cũng sửa đổi Điểm b, Khoản 1 Điều 14 yêu cầu nêu cụ thể mục đích sử dụng vốn từ phát hành TP. Quy định này không nhằm mục đích thẩm định hồ sơ để cấp phép phát hành TPDN, cũng không nhằm mục đích giám sát việc sử dụng vốn từ cơ quan có thẩm quyền.

Quy định này chỉ để khi xảy ra các tranh chấp giữa trái chủ và DN phát hành. Do vậy, khi có sự thay đổi trong mục đích sử dụng vốn, DN chỉ gửi thông báo đến trái chủ và cơ quan quản lý phát hành TPDN.

Như vậy, dù phát hành TPDN riêng lẻ hay đại chúng, hồ sơ phát hành công bố mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành mang tính hình thức, sau đó điều chỉnh mục đích này khi đợt phát hành hoàn tất. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra đối với các TCTD khi duyệt hồ sơ cho vay.

Do vậy, dự thảo cần bổ sung điều khoản về báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành TPDN theo đúng mục đích ban đầu, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, sẽ giúp Nhà nước định hướng và giám sát được dòng vốn từ các nhà đầu tư gián tiếp vào thị trường TPDN.

Khống chế tỷ lệ nợ phát hành TPDN

Dự thảo sửa đổi Nghị định 163 cần hướng đến việc đánh giá năng lực tài chính của DN phát hành, giám sát mục đích sử dụng vốn từ đợt phát hành TPDN, hơn là đi vào những quy định cứng về khống chế lãi suất, tỷ lệ vay nợ. Quy định này sẽ đóng sập cánh cửa huy động vốn mới được mở ra, làm triệt tiêu công cụ huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 163 có bổ sung Điểm h, Khoản 1 Điều 10 về tỷ lệ nợ TPDN phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Quy định này nếu được thực thi sẽ giới hạn đáng kể tình trạng phát hành TPDN nở rộ thời gian qua, nhưng đồng thời triệt tiêu về công cụ huy động vốn cho nền kinh tế.

Hồi năm 2015, trong lần dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế có đề cập đến “chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại…”. Qua quá trình thẩm tra, Quốc hội đã bãi bỏ quy định này. Thay vào đó, các văn bản hướng dẫn dưới luật đã có những định nghĩa về các khoản chi phí được khấu trừ thuế và không được khấu trừ thuế khi tính thu nhập chịu thuế.

Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, cũng chỉ khống chế tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao.

Do vậy, tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh, DN xác định mức nợ vay phù hợp. Vì thế, không nên có quy định về khống chế tỷ lệ nợ khi phát hành TPDN. Thay vào đó cần yêu cầu về hồ sơ của DN phát hành được minh bạch để đồng nhất giám sát được theo tinh thần của Nghị định 20/2017.

Đồng thời, khi DN phát hành TPDN nhằm mục đích cơ cấu lại nợ, tức phát hành nợ mới để trả nợ cũ. Do vậy tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm phát hành theo báo cáo kiểm toán đạt mức 3 lần vốn chủ sở hữu, nghĩa là DN không được phép phát hành TPDN.

Nếu DN phát hành sử dụng vốn đúng mục đích của đợt phát hành nhằm trả các khoản nợ cũ, sau khi phát hành TPDN tỷ lệ nợ của DN cũng chỉ ở mức 3 lần vốn chủ sở hữu, thay vì gấp 6 lần.

TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/trai-phieu-doanh-nghiep-sua-co-khac-phuc-ton-tai-77029.html