Trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy: Vai trò, trách nhiệm ngân hàng đến đâu?
Các hình ảnh quảng bá, mời chào mua trái phiếu của nhóm công ty Tân Hoàng Minh đều nhắc đến các ngân hàng uy tín...
Ngân hàng có vai trò gì?
Ngày 5/7/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (NSV) phát hành một lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng với mã NSVCH2125001.
Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm 2021 của NSV và cũng là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định hủy.
Tham gia đợt phát hành lô trái phiếu này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có vai trò là đại lý thanh toán.
Ngoài lô trái phiếu nói trên, SHB còn tham gia đợt phát hành một lô trái phiếu khác có mã SOLCH2123001 của nhóm Tân Hoàng Minh cũng trị giá 800 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (Soleil) phát hành. Trong lô trái phiếu này, SHB cũng có vai trò đại lý thanh toán.
Thời gian qua, sở dĩ nhiều người tin tưởng và tham gia mua trái phiếu từ nhóm Tân Hoàng Minh vì các hình ảnh quảng cáo trên website, mạng xã hội... đều nhắc đến các ngân hàng uy tín như SHB, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Căn cứ dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 7/2021 đến tháng 11/2021, ba công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành tổng cộng 8 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.130 tỷ đồng; Và còn lại một lô phát hành tháng 3/2022.
Trong 8 lô trái phiếu đã thông tin cụ thể, SHB tham gia trong 2 lô phát hành như đã nói ở trên, các lô còn lại Vietinbank tham gia phát hành cũng với vai trò đại lý thanh toán.
Trách nhiệm ngân hàng đến đâu?
Ngay sau khi vụ việc vỡ lở và 9 lô trái phiếu đều bị hủy, SHB đã khẳng định ngân hàng này chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho 2 lô trái phiếu.
“SHB khẳng định SHB không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư và không phân phối 2 lô trái phiếu nêu trên”, ngân hàng do “bầu” Hiển làm chủ tịch HĐQT khẳng định.
Ngay sau SHB, VietinBank cũng lên tiếng liên quan tới vụ việc này.
“VietinBank khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu này”, VietinBank cho biết.
Ngân hàng này cũng thông tin thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Soleil, Ngôi Sao Việt và Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông với tổng số tiền 6.530 tỷ đồng.
Đối với dịch vụ quản lý tài khoản, VietinBank cung ứng dịch vụ mở tài khoản để phục vụ việc nhận và thanh toán cho các nghĩa vụ của tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu theo hợp đồng giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và theo quy định của pháp luật.
Đối với quản lý tài sản, VietinBank chỉ có trách nhiệm quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm và theo quy định của pháp luật.
Người mua trái phiếu Tân Hoàng Minh rủi ro thế nào?
“Thông thường đơn vị tham gia phát hành sẽ đánh giá, thẩm định, và tổ chức bán lại cho các nhà đầu tư khác. Khi đơn vị phát hành là ngân hàng thì mức độ đánh giá, thẩm định đối với doanh nghiệp và lô trái phiếu sẽ rất cao do bản thân ngân hàng là một định chế tài chính, có bộ phận đầu tư chuyên nghiệp. Lúc này ngân hàng càng phải thẩm định kỹ vì đây được coi là một khoản tín dụng của ngân hàng”, lãnh đạo phụ trách đầu tư của một ngân hàng quy mô lớn trụ sở Hà Nội phân tích.
“
Trong các đợt phát hành trái phiếu của ba công ty thuộc Tân Hoàng Minh, đại diện trái chủ là các đơn vị: Tân Hoàng Minh, Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chứng khoán An Bình, và Chứng khoán KIS.
”
Trong quá trình thẩm định, ngân hàng sẽ phải phân tích các yếu tố như mục đích phát hành của doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản đảm bảo, tình trạng tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành…
Trong trường hợp này, nhà đầu tư mua lại thứ cấp khi được ngân hàng phân phối sẽ yên tâm bởi độ rủi ro rất thấp. Và khi được ngân hàng bảo lãnh thanh toán thì lúc này rủi ro sẽ do ngân hàng chịu nếu không may doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng trả nợ.
“Tuy nhiên, những trái phiếu có tính chắc chắn như thế này không nhiều. Lãi suất trái phiếu cũng thấp, chỉ tương đương lãi suất ngân hàng mà thôi”, vị này nêu đánh giá.
Với trường hợp doanh nghiệp tự phát hành, bán qua công ty chứng khoán hoặc bán qua ngân hàng (ngân hàng chỉ phân phối, không bảo lãnh) như trường hợp Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã mua lại số trái phiếu của “người anh em” sau đó tạo ra các sản phẩm trái phiếu phái sinh để bán lại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trường hợp này người mua thứ cấp sẽ hứng chịu rủi ro rất cao.
“Nếu doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán, không trả được nợ thì lúc này người mua chỉ còn trông chờ vào tài sản bảo đảm mà thôi”, vị giám đốc nói.
Trở lại với các lô trái phiếu do ba công ty thuộc Tân Hoàng Minh phát hành, tài sản bảo đảm là cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác...
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng các tài sản bảo đảm trên khó định giá, nhất là với những tài sản được hình thành trong tương lai và cổ phần doanh nghiệp khi chưa niêm yết. Và nhà đầu tư vẫn hứng chịu rủi ro cao.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là với các trường hợp "lách" quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán. "Nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành", Bộ Tài chính khẳng định.