Trải qua những 'kỷ lục buồn', các hãng hàng không nỗ lực chuẩn bị trở lại bầu trời
Các hãng hàng không đã và đang tìm mọi giải pháp để tiết kiệm tối đa chi phí, duy trì hoạt động sản xuất, mong rằng dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng để sớm trở lại bầu trời.
Trải qua 2 năm bùng phát và nhất là từ cuối tháng 7 đến nay, dịch bệnh COVID-19 với biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến phức tạp đã khiến Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt các biện phòng chống dịch, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các hãng hàng không đã và đang tìm mọi giải pháp để tiết kiệm tối đa các chi phí, duy trì hoạt động sản xuất và mong sẽ sớm được trở lại bầu trời. Ảnh minh họa
Những kỷ lục buồn...
Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn đối với các hoạt động sản xuất kinh tế, trong đó có ngành hàng không. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Cục Hàng không trong 8 tháng vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam chỉ khai thác được 103.866 chuyến bay tương ứng với mức giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng trong tháng 8, ngành hàng không Việt Nam đã thiết lập một “kỷ lục buồn” khi số lượng chuyến bay khai thác vỏn vẹn được 1.536 chuyến, giảm tới 90,6% so với cùng kỳ.
3 hãng hàng không có sản lượng khai thác thấp nhất là Pacific Airlines với 19 chuyến bay tương ứng mức giảm 98,6%; Vasco với 12 chuyến bay tương ứng mức giảm 98% so với cùng kỳ và đặc biệt là Vietravel Airlines không thực hiện chuyến bay nào tương ứng mức giảm 100%.
Thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho biết, trước những quy định về giãn cách xã hội, hạn chế đi lại trong cả nước dẫn đến sản lượng chuyến bay sụt giảm nghiêm trọng, thị trường nội địa đóng băng.
Liên tục trong 2 tháng 5, số lượng chuyến bay hàng ngày của hãng chỉ đạt trung bình khoảng 60 chuyến bay và đến cuối tháng 7, hãng gần như không thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ.
Trong tháng 8 và tháng 9, số lượng chuyến bay chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch năm 2021 và chỉ bằng 15% so với năm 2019. Các chuyến bay trong giai đoạn này chủ yếu chuyên chở đối tượng khách chuyên gia, công dân hồi hương và vận chuyển hàng hóa.
Nếu không có các giải pháp khắc phục những khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến năm 2021 sẽ lỗ hơn 20.000 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm hãng hàng không đã lỗ gần 10.000 tỷ đồng.
Mặc dù chịu thiệt hại lớn bởi đại dịch nhưng các hãng hàng không Việt Nam vẫn duy trì thực hiện những chuyến bay miễn phí chở y bác sĩ, thiết bị y tế và người dân hồi hương
Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways dù đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động khai thác và duy trì sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản trong năm 2020.
Tuy nhiên dự báo hoạt động của 2 hãng bay tư nhân này tiếp tục khó khăn trong năm 2021 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh dẫn hết nguồn lực tài chính để hỗ trợ dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính hãng bay Vietjet Air thiếu hụt khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tìm kiếm các giải pháp vượt bão COVID-19
Trong báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay khi chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 giảm 34,5 - 65,9%, doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so với năm 2019.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, trước đại dịch COVID-19 ngành hàng không Việt Nam đã phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thông thương trong nước và quốc tế.
Đóng góp vào sự phát triển của ngành không chỉ có Vietnam Airlines mà còn phải kể tới các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways,... Sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không và người hưởng lợi cuối cùng là người dân.
Tuy nhiên các đợt dịch liên tiếp bùng phát khiến các doanh nghiệp ngành hàng không hứng chịu những tác động nặng nề và vấn đề vốn vẫn là khó khăn lớn nhất.
Kế hoạch khai thác trở lại những đường bay với quy định hành khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, “hộ chiếu vaccine” được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành hàng không
Đánh giá về việc khó tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp hàng không, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đến nay mới chỉ có Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ dạng vay ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways,...thì chưa được áp dụng.
Nguyên nhân là do các hãng hàng không hiện đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, doanh thu thu hẹp hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.
Trước những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp hàng không đang phải đối mặt, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như áp dụng “hộ chiếu vaccine”; nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine,...
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways với thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần.
Giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Đồng thời Nhà nước tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Để duy trì sản xuất và giảm thiểu khó khăn do dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đã triển khai phương án sử dụng luân phiên (đối với Phi công, Tiếp viên ), bố trí phân công lao động theo sản lượng chuyến bay đối với lao động trực tiếp và sử dụng 70% lao động kế hoạch năm 2020 đối với lao động gián tiếp.
Đặc biệt trong 4 tháng cuối năm, hãng hàng không sẽ thắt chặt sử dụng nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Cắt giảm tối đa nhân lực ở các khâu, công việc chưa cần thiết nhằm tiết kiệm tối đa các chi phí. Sử dụng tối đa bằng 50% lao động kế hoạch 2020 đã được phê duyệt. Ưu tiên sử dụng nhân lực đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, đa nhiệm trong công việc.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký, ban hành Quyết định số 1654/QĐ-BGTVT về Hướng dẫn tạm thời về kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng không trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có văn báo số 3808/CHK-VTHK báo cáo Bộ GTVT về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh, dự kiến chia cảng hàng không, sân bay tại các tỉnh thành theo 3 vùng cơ bản.
Người có nhu cầu di chuyển bằng máy bay giữa 3 vùng sẽ phải đảm bảo đáp ứng được một số các điều kiện đặc thù như tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ so với giờ bay, giấy chứng nhận hoàn thành cách ly,...
Những giải pháp từ Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem đến việc khôi phục lại các đường bay thương mại nội địa, thậm chí là những đường bay quốc tế để vực dậy ngành hàng không Việt Nam.