Trại sáng tác đầu tiên của Hội Sân khấu nhiệm kỳ mới

Trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội nghệ sĩ sân khấu VN (NSSKVN) lần này có nhiều đổi mới. Là sự đổi mới bắt đầu từ thực tiễn sáng tác của các tác giả cũng như mục đích phát triển đội ngũ sáng tác kịch bản khi mà 'tre' đã già nhưng 'măng' còn mọc thưa thớt.

Lâu lắm rồi mới có sự giao lưu giữa các tác giả khắp mọi miền đất nước với đủ các loại hình kịch nói, tuồng, chèo , cải lương; theo đủ các thể tài lịch sử, hiện đại; đủ các vấn đề từ chiến tranh trong quá khứ đến những vấn đề nóng hổi hôm nay; từ chống tham nhũng đến xây dựng quê hương, với chuyện kịch xảy ra khắp cả trong thành phố, nông thôn, nhà trường với thời điểm từ 200 năm trước công nguyên qua những thăng trầm lịch sử cho tới tận hôm nay.

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSKVN phát biểu khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu 2020

NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội NSSKVN phát biểu khai mạc Trại sáng tác kịch bản sân khấu 2020

Sự đổi mới ấy bắt đầu từ những quan niệm đúng đắn về trại sáng tác của Lãnh đạo hội và Ban sáng tác. Tôi hoàn toàn tán đồng với quan niệm của Lãnh đạo Hội: Trại không phải nơi bình chọn tác phẩm hay dở, không phải phần thưởng mời tác giả có kịch bản hay tham dự, càng không phải là nơi để bàn với tác giả trước một kịch bản đã được chọn để chuẩn bị cho chính mình dàn dựng. Mục đích của mọi trại sáng tác là tập hợp những người viết để giao lưu trao đổi những kinh nghiệm, trăn trở những vấn đề trong quá trình sáng tác qua một tác phẩm cụ thể ngõ hầu làm các tác giả được trao đổi , phong phú hơn về nhận thức và kinh nghiệm qua giao lưu với đồng nghiệp cũng như tìm tòi và ươm mầm những tác giả tiềm năng cho sân khấu.

Lực lượng tham gia trại lần này gồm đủ thành phần, lứa tuổi, địa bàn với những kịch bản có những vấn đề mới cần trao đổi theo góc độ nghề nghiệp. Việc không “chia tổ” đã không hạn chế sự giao lưu khi chỉ 10 người trong tổ biết nhau. 6 và 4 kịch bản được trao đổi chung là 10 vấn đề trong sáng tác và số còn lại dành cho bạn nghề quan tâm tìm đọc và trao đổi riêng.

Rất thú vị khi 4/6 kịch bản được ban sáng tác chọn để đọc nghe chung thuộc đề tài lịch sử. Từ 4 kịch bản này bật ra được những vấn đề nghiệp vụ khi viết kịch lịch sử. Đó là kịch bản viết về Con người, Sự kiện trong lịch sửVấn đề từ lịch sử. Cả hai cách đều tốt khi cách viết về danh nhân lịch sử như vẽ chân dung lịch sử để đánh giá và tự hào như “Gian hùng” hay “Vương quyền”. “Giữ nước” lại đi tìm vấn đề độc lập tự chủ quốc gia trong xung đột nội bộ và khẳng định muốn tự chủ thì trước hết phải làm sạch nội bộ và tìm trong lịch sử để chứng minh. “Nước mắt Hồ Quý Ly” lại đứng giữa hai sự lựa chọn này khi mà thông điệp là Chính quyền tồn tại hay mất là có được lòng dân hay không.

Lịch sử vốn có đáp số và tác giả kịch bản lịch sử không có trách nhiệm minh họa lại tất cả những gì đã có trong lịch sử (vì gõ google hay đọc sách sẽ cụ thể và rõ hơn nhiều) bằng sân khấu mà là cắt nghĩa cái đã có trong lịch sử qua việc chọn lọc chi tiết lịch sử để sân khấu hóa bằng quan niệm thái độ của tác giả như bài học lịch sử để nói về những điều cuộc sống hôm nay cần.

Từ 4 kịch bản lịch sử này cũng là vấn đề về phương pháp sáng tác chung cho các loại hình kịch bản sân khấu rất cần trao đổi . Đó là kịch bản nên có câu chuyện, nhân vật trước để tìm chi tiết minh họa dẫn đến thông điệp của tác giả muốn gửi gắm hay thông điệp mang suy tư trăn trở của tác giả có trước để rồi tìm trong cuộc sống, trong lịch sử những chi tiết, nhân vật , những lát cắt để chứng minh ?

Sự xuất hiện của tác giả trẻ trong trại lần này là điều rất đáng mừng. Vấn đề không hẳn là ai sau này sẽ thành tác giả chuyên nghiệp, kịch bản của ai hay hoặc dở mà điều đáng mừng là các bạn đã bắt đầu có tư duy viết kịch khi cầm bút sáng tác kịch bản sân khấu cũng như tình yêu sân khấu trong các bạn.

Xin chúc mừng một trại khởi đầu của Hội NSSK nhiệm kỳ mới đã có những thành công thực sự. Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu mở ra những đột phá mới mang tính tích cực không chỉ trong lĩnh vực sáng tác nói riêng mà trong cả hành trình gian nan vất vả thúc đấy nền sân khấu nước nhà có những dấu ấn mới !

Những cái mới trong trại lần này :

- Đội ngũ tác giả trẻ tham gia .

- Ngay trong từng tác giả cũng mới, không lặp lại chính mình. Người viết chèo viết kịch nói, người thường viết cải lương cũng chuyển sang loại hình khác. Không còn những kịch bản của một tác giả mãi quẩn quanh với một mô tip hồi ức chiến tranh đến nhàm chán

- Phương pháp sáng tác đa dạng hơn

- Phạm vi đề tài cũng mới hơn qua việc có thêm đề tài giáo dục, trẻ tự kỷ…

- Cách tổ chức giao lưu trao đổi nghề nghiệp giữa các tác giả của Ban sáng tác cũng thiết thực và thực tế hơn, tránh được bệnh hình thức và 100% tác giả cùng giao lưu trao đổi đã tìm thấy nhau và hiểu nhau hơn không chỉ qua kịch bản được đọc mà cả qua những ý kiến nêu ra.

- Văn phòng Hội có điều kiện quan tâm , thể hiện sự trân trọng với các tác giả hơn từ chủ trương và quyết sách của Lãnh đạo Hội.

Lê Quý Hiền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trai-sang-tac-dau-tien-cua-hoi-san-khau-nhiem-ky-moi-n174351.html