Tiết lộ sự thật bất ngờ về 'seppuku' – nghi lễ tự mổ bụng của samurai

Bốn văn bản cổ thời samurai gần đây đã được dịch sang tiếng Anh, hé lộ những chi tiết bất ngờ về nghi lễ tự tử danh dự được người Nhật gọi là seppuku.

Tranh tái hiện một nghi lễ seppuku, với samurai có tội đang quỳ trên chiếu. Ảnh: World History Archive/Alamy Stock Photo

Tranh tái hiện một nghi lễ seppuku, với samurai có tội đang quỳ trên chiếu. Ảnh: World History Archive/Alamy Stock Photo

Bốn văn bản samurai có niên đại từ nhiều thế kỷ trước gần đây được dịch sang tiếng Anh, đã làm phức tạp thêm quan niệm của phương Tây về nghi lễ tự sát của các võ sĩ đạo Nhật Bản, được gọi là seppuku.

Dịch giả Eric Shahan gần đây đã cho xuất bản các phiên bản tiếng Anh của bốn văn bản có niên đại hàng thế kỷ được truyền lại bởi các samurai, trong đó nêu chi tiết cách họ thực hiện nghi lễ tự tử seppuku. Các văn bản này đã xóa tan nhiều giả định của phương Tây về seppuku, bao gồm cả quan niệm phổ biến về một samurai tự mổ bụng mình để tự tử.

Các văn bản cũng tiết lộ những thông tin mới về lối sống của samurai, bao gồm cả việc cấp bậc của một võ sĩ đạo có thể ảnh hưởng đến cái chết của họ cũng như những tội ác nào được coi là tội đáng bị trừng phạt.

Seppuku là một hình thức tự tử danh dự, còn được gọi là harakiri, trong đó một samurai có thể đạt được cái chết cao quý hoặc chuộc lại lỗi lầm của mình bằng cách tự sát. Thông thường, nghi lễ này gắn liền với việc một samurai tự rạch bụng mình, nhưng theo các văn bản mới được dịch, điều này phần lớn không xảy ra vào thời kỳ Edo (1603 - 1868).

Thay vào đó, seppuku đã phát triển thành một nghi lễ đầy đủ vào thời điểm đó, một nghi lễ kết thúc bằng việc chặt đầu người đàn ông bị kết tội bởi một samurai khác. Các chi tiết của nghi lễ này được mô tả trong các văn bản mới được dịch, làm sáng tỏ cách một nghi lễ seppuku diễn ra và lý do tại sao nó được thực hiện.

Văn bản thời kỳ đầu có tựa đề "Những bí mật đằng sau Seppuku" được samurai Mizushima Yukinari viết vào khoảng thế kỷ 17, "chứa đựng những lời dạy bí mật mà theo truyền thống chỉ được truyền đạt bằng lời nói", "tuy nhiên chúng đã được ghi lại ở đây để những bài học này không bị lãng quên và để samurai có thể chuẩn bị".

Dịch giả Shahan, võ sư Kobudo đai đen cấp độ 3, trước đây từng dịch một số văn bản võ thuật Nhật Bản và đã tự xuất bản các văn bản mới dịch trong cuốn sách “Kaishaku: Vai trò của người thứ hai”. Cuốn sách gồm bốn văn bản: “Bí mật đằng sau Seppuku”, “Bí mật của Seppuku” và hai trích đoạn từ các tác phẩm lớn hơn về cách rút kiếm, cả hai đều có tựa đề là “Kỹ thuật Kaishaku”, một từ năm 1938 và một từ năm 1940.

Ông Shahan giải thích trong sách rằng, kaishakunin, hay “người thứ hai”, là người được giao nhiệm vụ hỗ trợ nghi lễ seppuku. Họ thường là samurai thực hiện nghi lễ chặt đầu.

Tranh vẽ một samurai đang chờ kaishakuni vung kiếm chặt đầu. Ảnh: Bảo tàng Brooklyn

Tranh vẽ một samurai đang chờ kaishakuni vung kiếm chặt đầu. Ảnh: Bảo tàng Brooklyn

Tranh minh họa cảnh samurai Taki Zenzaburo chết theo nghi thức seppuku sau vụ việc ở Kobe. Ảnh: Universal Art Archive/Alamy Stock Photo

Tranh minh họa cảnh samurai Taki Zenzaburo chết theo nghi thức seppuku sau vụ việc ở Kobe. Ảnh: Universal Art Archive/Alamy Stock Photo

Nhiều hướng dẫn trong nghi lễ phù hợp với các khái niệm cốt lõi của bushidō, hay quy tắc danh dự nghiêm ngặt mà samurai tuân theo. Ba chủ đề cốt lõi của bushidō là danh dự, lòng trung thành và nghĩa vụ, và các chủ đề này thể hiện theo nhiều cách khác nhau.

Ví dụ, một trong những văn bản mới được Shahan dịch, do samurai Kudo Yukihiro viết vào năm 1840, có đoạn: "Điều quan trọng là bạn không được quên nhìn vào mắt rồi đến chân của người thực hiện seppuku. Nếu bạn không làm điều này vì có mối liên hệ cá nhân với người bị kết án, thì đó sẽ là bằng chứng cho thấy bạn đã mất đi phong thái quân tử và tự chuốc lấy nỗi hổ thẹn muôn đời cho bản thân".

Koboto Santaro, một chỉ huy quân đội Nhật Bản, trong bộ áo giáp samurai. Ảnh: Thư viện Wellcome, London/Wikimedia Commons

Koboto Santaro, một chỉ huy quân đội Nhật Bản, trong bộ áo giáp samurai. Ảnh: Thư viện Wellcome, London/Wikimedia Commons

Chi tiết cụ thể về nghi lễ seppuku rất đa dạng, nhưng như dịch giả Shahan cho biết, một hình thức phổ biến của nghi lễ này là dâng rượu sake cho người bị kết án, sau đó đưa cho họ một con dao sắc. Người bị kết án có thể dùng con dao này để rạch bụng mình, mặc dù vào thời kỳ Edo, điều này ít phổ biến hơn. Ngay sau khi con dao được rút ra, kaishakunin (“người thứ hai”) sẽ chặt đầu người bị kết án.

Ông Shahan giải thích rằng thời kỳ Edo tương đối hòa bình ở Nhật Bản nên các samurai ít sử dụng kiếm hơn so với tổ tiên của họ. Vì vậy, họ ít có sự chuẩn bị hơn để thực hiện nghi lễ seppuku đúng cách.

Bản dịch của Shahan cũng tiết lộ thông tin mới về cách thứ hạng của samurai ảnh hưởng đến nghi lễ seppuku. Những samurai tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của bushidō và thăng tiến trong hàng ngũ được đối xử tôn kính hơn nhiều so với những người không tuân thủ, ngay cả khi đến lúc họ phải chết. Chẳng hạn, một samurai danh giá đã chọn tự sát khi lãnh chúa của mình qua đời sẽ được đối xử ở mức độ cao hơn nhiều trong nghi lễ seppuku so với một chiến binh cấp thấp phạm tội. Samurai có địa vị cao hơn thậm chí có thể chỉ đạo cách thực hiện nghi lễ cho chính mình.

"Người có cấp bậc cao nhất thực hiện nghi lễ seppuku có lẽ là Oda Nobunaga, người đã thực hiện seppuku vào năm 1582, sau khi tùy tùng của ông là Akechi Mitsuhide phản bội và tấn công ông tại Đền Honnoji", ông Shahan nói với tờ Live Science.

"Oda là một Daimyo, hay lãnh chúa của một trong hàng trăm lãnh địa do một samurai hùng mạnh cai trị. Ông đã dần loại bỏ những kẻ thù của mình và thành công trong việc thống nhất Nhật Bản dưới sự cai trị của mình nhưng sau đó ông bị phản bội".

Mộ của samurai Oda Nobunaga. Ảnh: Wikimedia Commons

Mộ của samurai Oda Nobunaga. Ảnh: Wikimedia Commons

Khi Oda chọn cái chết, ông bị áp đảo về số lượng đối thủ, vì vậy không rõ chính xác ông đã thực hiện nghi lễ seppuku như thế nào. Thông thường, một samurai có cấp bậc như Oda sẽ được xức nước hoa lên tóc sau khi bị chặt đầu. Sau đó, đầu của ông sẽ được quấn trong vải trắng và đặt trong một chiếc hộp. Tuy nhiên, xét theo hoàn cảnh, có thể ông đã từ bỏ các “đặc ân” như uống rượu sake và xức nước hoa lên tóc của nghi lễ này.

Tất nhiên, không phải tất cả samurai đều được đối xử ưu ái như vậy. Samurai cấp thấp hoặc những người phạm tội nghiêm trọng thường bị đối xử ở cấp độ thứ tư được gọi là "yondan". Những samurai bị giết theo cách này sẽ bị trói trước khi bị chặt đầu, xác họ bị ném xuống mương - rất khác so với các hình thức seppuku đã tồn tại trong trí tưởng tượng của thế giới trong nhiều thế kỷ qua.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo ATI)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/tiet-lo-su-that-bat-ngo-ve-seppuku-nghi-le-tu-mo-bung-cua-samurai-20241004181608363.htm