Trại tằm giống 30 năm tuổi trên dốc 800
Để ngành dâu tằm Lâm Đồng phát triển như hôm nay, việc phân chia giữa ấp trứng, nuôi tằm con tách khỏi nuôi tằm thương phẩm là một bước quan trọng. Và, một nông hộ đã gắn bó với thăng trầm của nghề tằm 30 năm, mang lại thu nhập cao cho gia đình, xây dựng trang trại chuyên tằm con.
Gia đình bà Mạc Thị Thuân, ở dốc 800, thôn Tân Thành, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà vốn quê gốc tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Chọn Tân Văn, Lâm Hà làm quê mới, bà Mạc Thị Thuân đã gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm từ năm 1994. “Đã 30 năm gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm, gia đình tôi đã nếm trải từ thành công cho đến những khó khăn của nghề tằm. Hiện nay, gia đình chuyên làm giống tằm con, cung cấp cho bà con khu vực Tân Văn, Tân Hà với thương hiệu trại tằm giống Thúy Thuân”, bà Mạc Thị Thuân nhớ lại. Bà Thuân kể, những năm 1990, khi nuôi tằm, người nông dân phải chủ động mua trứng, ấp trứng, nuôi từ lúc còn là vỉ trứng cho tới tằm lên né.
Quy trình nuôi tằm con và nuôi tằm lớn rất khác biệt, quy trình nuôi kéo dài, do đó rất khó khăn cho các nông hộ, nhiều nhà chỉ nuôi số lượng ít, sản lượng kén không cao. Bản thân gia đình nhà bà Thuân, với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tằm con và tằm lớn, năm 2005, bà Thuân hoàn toàn chuyển sang nuôi tằm con, cung cấp giống cho bà con nuôi tằm trong vùng. “Nuôi tằm con kỹ thuật cao hơn tằm lớn rất nhiều. Nếu nuôi tằm lớn chỉ cần dâu sạch, cho tằm ăn đầy đủ, phòng trừ bệnh tật thì nuôi tằm con phải đảm bảo từ việc giữ vệ sinh, nhiệt độ, độ ấm, ánh sáng… Nguyên tắc đầu tiên là chọn giống tằm phải chọn từ nguồn chất lượng cao. Như gia đình tôi, luôn lấy trứng giống từ các công ty lớn, có uy tín nhiều năm trong nghề”.
Chất lượng giống là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi nuôi tằm con, bà Mạc Thị Thuân đánh giá. Hiện tại, mỗi tuần, trang trại Thúy Thuân sản xuất từ 80 tới 100 hộp trứng, trung bình mỗi tháng 350 hộp cung cấp cho nông dân xung quanh. Bà cho biết, trang trại cung cấp tằm giống cho bà con theo đơn đặt hàng. Bà con đặt trước một, hai tuần, tới đúng ngày, trại sẽ có tằm giống để xuất cho nông dân. Bà Mạc Thị Thuân chia sẻ, trứng giống mua về phải trải qua giai đoạn ấp. Trong lò ấp, nhiệt độ luôn ổn định ở 25°C. Sau một tuần trứng nở, những con tằm nhỏ xíu có thể sống bằng năng lượng dự trữ trong cơ thể và sau hai ngày, bà bắt đầu cho ăn lứa dâu non đầu tiên. Dâu nuôi tằm con là giống dâu VA- 06, lá mỏng, mịn, tằm con dễ ăn và dễ hấp thu. Nuôi 12 ngày, khi tằm tới tuổi ngủ ba, ăn bốn là có thể xuất bán tới tay bà con.
Nói đơn giản nhưng nuôi tằm con là một trong những khâu khó khăn nhất của quy trình nuôi tằm. Bởi tằm con rất dễ bị ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh cũng như các sinh vật gây hại như ruồi, nhặng, kiến... Bà Thuân cho biết, việc nuôi dưỡng tằm con đòi hỏi chăm sóc hằng giờ, quan sát cụ thể cũng như có thêm nhiều công cụ hỗ trợ để đo nhiệt độ, kiểm tra độ ẩm. Thuốc dưỡng tằm cũng phải sử dụng loại được ngành Nông nghiệp khuyến cáo dùng, chất lượng cao và an toàn.
“Muốn gắn bó với nghề làm tằm giống, người nuôi phải giữ được uy tín. Uy tín chính là chất lượng của hộp giống. Như gia đình tôi, luôn bảo đảm chất lượng tằm giống cho bà con nông dân. Nhà nào năng suất thấp, lứa sau chúng tôi sẽ dồn quân, bù cho gia đình. Mỗi tua trứng, tôi đều theo dõi từng hộ để đảm bảo chất lượng tằm con không bệnh, không chết. Vì nghề tằm giống là nghề gắn trực tiếp với người nông dân xung quanh, không giữ được uy tín chính là tự mình làm hỏng công ăn việc làm của gia đình”, bà Mạc Thị Thuân cho biết. Theo bà, nuôi tằm con bằng dâu sạch, cho ăn đầy đủ, khi tằm làm kén sẽ to, chắc, sản lượng cao, có lợi cho bà con nông dân. Vì vậy, khi vườn dâu của nhà không đủ, bà chỉ chọn mua dâu tại các cánh bãi, nơi dâu bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Trưởng thôn Tân Thành, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà đánh giá, hộ bà Mạc Thị Thuân là nông hộ nuôi tằm con rất xuất sắc, có uy tín và nhiều năm cung cấp giống cho nông dân trong vùng. Ông Tuệ cho biết, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã mang lại trù phú cho nguyên vùng Tân Văn, Tân Hà. Riêng khu vực dốc 800, bà con có nghề nuôi tằm con cung ứng giống cho nông dân trong vùng. Dốc có 5 hộ nuôi tằm con đều có kĩ thuật cao, canh tác dâu sạch chuyên dùng, sản xuất những lứa tằm sạch bệnh, năng suất tốt, góp phần giúp nông dân Tân Văn, Tân Hà sản xuất những lứa kén trắng bội thu. Sắp tới, bà con cũng đã tính tới chuyện thành lập tổ hợp tác sản xuất tằm giống để cùng phát triển, đồng hành cùng vùng tằm Tân Văn, Tân Hà vươn lên.