'Trái tim' ấm trong nếp nhà sàn
Những ngày cuối đông, chuẩn bị bước sang xuân, tuy cái rét vẫn còn hiện hữu nhưng vạn vật đã cựa mình nảy nở. Trong nếp nhà sàn truyền thống của người Tày, các thế hệ quây quần bên bếp lửa, họ cùng nhau chuyện trò, nướng ngô nếp mới, treo lên gác bếp mẻ thịt trâu, lạp xưởng. Không khí ấm áp lan tỏa, xua đi cái lạnh và hơi sương, đánh thức một mùa xuân về với bản làng.
Bảo tồn không gian truyền thống
Người Tày khi dựng nhà luôn đặc biệt chú ý đến một không gian quan trọng, đó là nơi mà bếp lửa hiện hữu, nơi được xác định là “trái tim” của cả ngôi nhà. Khi bếp chưa làm xong thì nhà cũng không được lợp mái qua bếp, phong tục này cho thấy bếp lửa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Tại xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) hiện vẫn còn rất nhiều gia đình giữ được nhà sàn cùng bếp lửa truyền thống, đối với họ đó chính là nơi thiêng liêng, nơi sum vầy hạnh phúc.
Ông Quan Văn Thịnh, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) năm nay đã gần 80 tuổi vẫn đang sống trong căn nhà sàn dựng từ 20 năm trước với thiết kế truyền thống. Ông chia sẻ: “Ngày tôi làm nhà, ngoài việc chuẩn bị gỗ thì việc đi kiếm nguyên vật liệu để làm bếp cũng rất quan trọng. Tôi cùng với vợ cùng nhau đi kiếm tổ mối, đào lấy đất mà mối đùn lên rồi về nhào với muối để làm nền bếp. Đất ở tổ mối là tốt nhất vì nó không có sạn, dị vật lại được trải qua nước bọt của mối nên sau khi nhào và định hình thì rất rắn chắc, không bị nứt vỡ trước tác động của nhiệt. Bếp nhà tôi dù qua 20 năm vẫn không hề bị hư hỏng. Sau khi tìm được đất rồi thì lấy lá cọ làm lót, xẻ gỗ làm viền với chiều dài cạnh khoảng 1m, tất cả các công đoạn khoảng 3 ngày thì hoàn tất. Khi bếp làm xong cũng là lúc nhà lợp mái, bắt đầu từ lúc ấy mới có thể vào ở trong ngôi nhà mới”.
Bà Ma Thị Hợi năm nay vừa tròn 90 tuổi, bà là người cao tuổi nhất ở trong thôn, tuy hiện nay con cháu trong nhà đã sắm được bếp ga để đun nấu nhưng bà vẫn giữ lại bếp lửa của nếp nhà xưa. Giọng bà bùi ngùi, nghẹn ngào bên bếp lửa thơm hương bồ kết: “Người già ở đây thường sống lâu lắm, có lẽ là nhờ mùa đông lạnh giá luôn được sưởi ở gian bếp ấm cúng. Tôi vẫn còn nhớ vào những năm khó khăn, mọi người trong nhà cứ đến giờ ăn lại vùi vào bếp ít củ từ, củ mài để lót dạ cho đỡ đói rồi lại đi rừng, đi nương vậy mà ai cũng khỏe mạnh”.
Những năm tháng gian khó đã lùi xa, đất nước đang đổi thay từng ngày, cuộc sống của đồng bào vùng cao ngày một đi lên, ở nhiều vùng người dân không còn mặn mà với bếp lửa, họ bảo đun củi lâu, mất thời gian lại nhiều khói, nhưng bà Hợi cho rằng cái mùi khói củi ấy rất đặc biệt, không thể thay thế, nó thơm nồng hương gỗ và giúp những món ăn thêm đượm vị, những khoảnh khắc sum vầy trở nên ấm áp hơn.
Hiện nay cả thôn Bản Chúa có 83 hộ dân thì vẫn còn 45 hộ sử dụng bếp lửa trên nhà sàn. Họ cũng giống như bà Hợi, dù gần như nhà nào cũng có bếp ga để thuận tiện cho đun nấu những bếp lửa vẫn là một không gian quan trọng không thể xóa bỏ, có nhiều gia đình dù cất nhà sàn mới nhưng vẫn làm bếp lửa bởi với họ đó là ký ức không thể nào quên, là sự trân trọng với truyền thống dân tộc.
Lửa thiêng cháy mãi
Với người Tày, bếp lửa luôn có một vị thần cai quản, vào dịp Tết sau khi cúng tổ tiên thì gia chủ sẽ cúng thần lửa và vua bếp, sau khi cúng xong dán một tờ giấy đỏ lên thành bếp để báo với các vị thần là đã sang năm mới. Từ lúc đó, họ luôn giữ cho củi lửa cháy rực trong bếp. Khi không có người ngồi bên bếp, họ khéo léo vùi những cục than cháy đỏ xuống tro để khi cần chỉ việc cời lên, việc thổi lửa sẽ rất dễ dàng.
Ông Quan Văn Thịnh cho biết, xung quanh bếp lửa có rất nhiều điều cần kiêng cữ để cho ngọn lửa được linh thiêng, cho gia đình được ấm no, hòa thuận. Như không được gõ vào mặt kiềng, không được to tiếng hoặc cãi nhau ở gần bếp. Đối với ông, là người đứng đầu gia đình thì luôn ngồi ở hướng chính của bếp rồi mới đến vợ, các con trai, con dâu, và các cháu. Tuy nhiên bây giờ quy tắc này cũng không còn quá khắt khe, quan trọng nhất vẫn là không khí cả nhà sum vầy đầm ấm. Những đứa cháu của ông luôn tranh để ngồi cạnh, nghe ông kể những truyện xưa, những câu truyện cổ tích, thần thoại của người Tày. Chỉ cần các cháu còn muốn nghe, còn yêu thích với văn hóa truyền thống thì ông sẽ luôn sẵn sàng để chia sẻ, mong sao sau này đó sẽ là hành trang để các cháu mang theo trong suốt cuộc đời.
Là một người con Chiêm Hóa, chị Đỗ Thị Mai Thi, hiện công tác tại Trường THCS Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nhớ lắm những ngày tết quây quần bên ông bà, cha mẹ, nhớ bếp lửa nhà sàn ấm áp, nơi có những thức quà tuổi thơ đầy hoài niệm. Tôi được bà, được mẹ dạy may khăn, may áo bên bếp lửa hồng với lời nhắn nhủ, làm cho giỏi sau này lớn lên mới lấy được tấm chồng như ý. Giờ đây, khi xa quê, những câu chuyện thời thơ ấu vẫn được tôi đưa vào bài giảng, tôi mong những học trò của mình cũng sẽ dành tình yêu cho mảnh đất vùng cao, cho những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Tết này, tôi sẽ cố gắng thu xếp để về nhà đón Tết, ở đó có gia đình, người thân, có gian bếp lửa bập bùng hạnh phúc”.
Bếp lửa với người Tày đã vượt qua ý nghĩa là một nơi đun nấu thông thường, nó trở thành một nét đẹp văn hóa, nơi cả gia đình quây quần, lưu giữ những giá trị tinh thần cao đẹp. Cố Nhà thơ Mai Liễu, một nhà thơ người Tày xuất sắc, nổi tiếng với những vần thơ mộc mạc, dung dị về quê hương cũng đã sáng tác bài thơ “Bếp lửa nhà sàn” đầy cảm xúc:
Cái bếp vuông đêm ngày mong đỏ lửa
Cái kiềng tròn đợi nồi xuống, nồi lên
Vuông tròn là sự ấm êm no đủ.
Người ở nhà sàn
Cầm cặp tre không gõ mặt kiềng
Cầm ống giang không thổi tro tung tóe
Đun củi đun đằng gộc
Bắc chảo kiêng dùng đũa.
Người ở nhà sàn
Giữ lửa bằng củi gộc
Giữ nhà bằng sự cần cù ngay thẳng tin yêu
Quanh bếp lửa vuông là nếp nhà ăn ở.
Những lời thơ chính là lời khẳng định, sự thấu hiểu về bản sắc văn hóa người Tày, dù ngày nay cuộc sống đổi thay thì “Cái bếp vuông đêm ngày mong đỏ lửa, cái kiềng tròn đợi nồi xuống, nồi lên” vẫn sẽ mãi trường tồn, như tấm lòng người Tày hướng về nguồn cội.