Trầm cảm học đường hiểm họa đến từ nhiều phía
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch). Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ.
Khi ấp ủ làm một bộ phim tài liệu về chỉ số hạnh phúc của người Việt, những rào cản khiến người Việt không được hạnh phúc… cùng lúc hàng loạt những hình ảnh về thực phẩm bẩn, nước bẩn, rác thải bẩn, rồi không khí bẩn ập vào trí não tôi.
Chọn hình ảnh một buổi sáng tinh sương nơi Hồ Tây, một vận động viên hay người dân đang sải những bước chân dài đầy hy vọng trên con đường Thanh Niên, mồ hôi đẫm trán, cơ múi cuộn chảy sinh động nhưng không hề hay biết việc mình đang đưa vào phổi hàng loạt sát thủ giết người là bụi mịn và không khí ô nhiễm hay hình ảnh dòng nước đen xì váng dầu mỡ hồn nhiên chảy qua Nhà máy nước Sông Đà và đổ về thành phố 8 triệu dân của Hà Nội… đó có thể là những hình ảnh đắt cho việc bắt đầu một bộ phim.
Nhưng khi còn lại một mình, trí não tôi lại hiện về hình ảnh cô bé con của chị bạn đồng nghiệp ngồi ôm gối co ro trong một căn phòng sơn toàn màu đen, đôi mắt em lúc nhắm nghiền, lúc mở to, lúc vô hồn, lúc tràn đầy những câu chuyện của riêng mình với bốn bức tường bóng tối. Em bị trầm cảm khi đối diện với kỳ thi phổ thông trung học.
Những lá thư cắt ngang cuộc đời!
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu cụ thể với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu.
Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.
Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP Hồ Chí Minh bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15-27 tuổi.
Điều đau xót đó là, thường những người thân, bạn bè, xã hội chỉ phát hiện ra người bị trầm cảm khi họ đã để lại thư tuyệt mệnh. Tháng 11-2019, mạng xã hội lan truyền bức thư được cho là của một bé gái 11 tuổi nhảy từ tầng 39 chung cư Goldmark City (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuống.Hai tuần sau đó, lá thư tuyệt mệnh của nữ sinh Nguyễn Thị Thu Tr. (SN 2003, trú tại xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà) cũng được tìm thấy cùng chiếc xe đạp điện trên cầu Phủ 2 thuộc xã Thạch Lâm, Thạch Hà, Hà Tĩnh sau khi em gieo mình xuống sông tự tử.
Điểm chung ở những lá thư này là các em sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Niềm vui, hạnh phúc, sự bình an trong tâm hồn dường như ở ngoài vòng tay với của các em. Các em bị trầm cảm quá lâu nhưng không được ai phát hiện.
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4 - 6%, với tỉ lệ mắc bệnh có thể lên tới 16%. Nếu không sớm xem đây là một căn bệnh, một hiểm họa đối với giới trẻ, có lẽ, những lá thư tuyệt mệnh sẽ còn nối dài.
Hiểm họa đến từ nhiều phía
Tôi có một nhóm bạn thường trò chuyện với nhau trên messenger, một trong những suy ngẫm gần đây nhất mà mỗi người thường bật ra sau những trao đổi, tranh luận xã hội đó là cuộc sống ngày càng mong manh và hiểm họa có thể đến từ nhiều phía.
Khi quyết định lựa chọn hình ảnh cô bé trong căn phòng sơn toàn màu đen để lên bộ phim tài liệu của mình và nghiên cứu rõ hơn những trường hợp những đứa trẻ tự tử vì trầm cảm tôi thấm thía hơn cụm từ “cuộc sống mong manh và hiểm họa đến từ nhiều phía”.
Có một điều là, nếu một sáng bạn thức dậy, đánh răng và chợt ngửi thấy nước có mùi khác lạ ngay lập tức bạn đặt nghi vấn, và sớm muộn, cùng với cộng đồng mạng xã hội rộng lớn, bạn có câu trả lời “Nước Sông Đà đang bị kẻ ác tấn công bằng chất thải”, thế nhưng, ngay cạnh bạn, trong ngôi nhà của bạn, con bạn có thể bị trầm cảm trong một thời gian dài, mà bạn lại không hề hay biết.
Nguyên nhân của trầm cảm đối với giới trẻ đến từ bất kỳ một vấn đề nào của cuộc sống, trong đó, áp lực học hành thi cử đứng đầu. Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), sự biến đổi về tâm sinh lý giai đoạn vị thành niên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới giới trẻ.
Giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình các em trở nên giãn ra. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc hơn nên trẻ thích tranh cãi, phản kháng người lớn. Khi phát hiện ra những khiếm khuyết của cha mẹ, các em dễ trở nên thất vọng, chán chường.
Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là “thể diện” cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống, không chịu chấp nhận sự chối bỏ và sự chê bai. Chính vì vậy, một học sinh được gắn nhãn “học giỏi”, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường.
Về khía cạnh tâm lý, những học sinh tự sát thường có niềm tin sai lệch, thúc đẩy những hành động tiêu cực. Đối với một số em, thế giới được nhìn nhận hoặc là toàn màu đen, hoặc là toàn mầu hồng.
Sự kiện dù tốt đến mấy nhưng bị các em phát hiện ra dù chỉ một khiếm khuyết, sẽ trở thành sự kiện xấu xa, tồi tệ. Lúc này, niềm tin của các em sụp đổ, hoang mang, không biết nên tin vào gì.
Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn: Chỉ vì bị một điểm 5 môn Toán và cho rằng mình không có khả năng học Toán; chỉ vì một câu mắng của bố mẹ mà kết luận rằng bố mẹ chẳng yêu thương gì mình… Tất cả những thời điểm này, đều dễ xảy ra hành vi dại dột.
Tự tử cũng thường xảy ra khi đứa trẻ không tìm được ý nghĩa của cuộc sống, cảm thấy bản thân vô tích sự, vô giá trị. Nhiều em dùng cái chết để chạy trốn hoặc để trừng phạt mình.
Cốt lõi ở niềm tin
Cách đây 3 hôm, sau buổi phỏng vấn cô Đào Thị Thủy - Hiệu phó Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, tôi có trò chuyện bên lề về những vấn đề giáo dục trẻ. Câu chuyên của tôi là, tôi đang không thấy vui với môi trường giáo dục nơi con trai tôi theo học.
Cháu vừa bị ốm, nghỉ học. Khi xin phép cho cháu nghỉ học và cả sau khi cháu đã được đi học trở lại, không bao giờ con trai tôi nhận được một lời hỏi thăm từ cô giáo theo kiểu “con ổn không?”, “Con phải đi viện mấy hôm?”, hay “Con đủ khỏe để quay lại lớp cùng các bạn chưa”… thay vào đó là tin nhắn “Con làm thiếu bài tập”, “Con chưa thuộc bảng trừ”, “Con viết quá chậm”… tôi nhấn mạnh với cô Thủy rằng, cô giáo con tôi là một cô giáo dạy giỏi cấp thành phố.
Cô Thủy cười bảo, đó là một sai lầm lớn trong giáo dục. Nhiều cô giáo chỉ chăm chăm vào việc tìm cách truyền thụ kiến thức tốt cho học sinh mà không biết rằng, việc tạo một môi trường tốt cho học sinh mới là việc cần làm nhất. Một môi trường mà ở đó, đứa trẻ cảm thấy an toàn, tự tin, được sống là chính mình. Môi trường đó sẽ là động lực để trẻ khát khao học tập và tự chiếm lấy kiến thức.
Tôi vỡ òa và nghĩ tiếp. Môi trường mỗi gia đình hẳn cũng như vậy. Nếu trẻ được sống trong niềm tin yêu của mỗi thành viên của mỗi gia đình, trẻ được là chính mình, như mỗi mầm cây vươn lên tự tin đón nhận ánh nắng và sống cuộc đời của mình. Ngược lại, nếu trẻ ở trong một môi trường gia đình mà bản thân trẻ chịu áp lực, chịu kỳ thị, ghẻ lạnh, cô đơn hay phải đối phó với người thân, hẳn nhiên, trẻ sẽ dần đánh mất chính mình và mất phương hướng sống. Và con đường từ mất phương hướng sống đến tự tử là vô cùng mong manh.
Tôi rất thích hình ảnh hai bàn tay chụm hình trái tim nâng niu một mầm xanh. Một hình ảnh của yêu thương, tin cậy và kiên nhẫn nâng niu. Tôi nghĩ, có thể, nên lấy đó làm biểu tượng cho một chiến dịch để đẩy lùi căn bệnh trầm cảm ở học sinh. Bởi lẽ, còn gì đau đớn hơn khi nhìn một cái cây xanh tươi đang từng ngày lớn lên, rực rỡ dưới mặt trời, bỗng một ngày, cái cây ấy gục xuống để lại một khoảng trống mênh mông trong khu vườn gia đình.