'Trầm cảm' trước 'thị trường trị liệu tâm lý'
Chỉ vài cú nhấp chuột, vô số hội nhóm tư vấn tâm lý tự phát với hàng ngàn thành viên hiện ra, đồng nghĩa với từng ấy dấu hỏi về những lời tự xưng 'chữa lành'
Khi gõ vài từ khóa như "tâm lý học", "chia sẻ cảm xúc" hay "hội chữa lành", bất cứ ai dùng mạng xã hội cũng dễ dàng tiếp cận hàng chục hội nhóm mà thành viên lên tới hàng ngàn. Trong các hội nhóm ấy, người tham gia không ngại đăng đàn chia sẻ khủng hoảng nội tâm sâu kín, từ cảm giác bị bỏ rơi, mất ngủ kéo dài, trầm cảm nhẹ đến có ý nghĩ tự tử.
Nỗi lo từ những lời khuyên "thiện chí"
Vào một nhóm riêng tư trên Facebook có gần 11.000 tài khoản tham gia, hàng trăm bài viết mỗi tháng mang nội dung xin lời khuyên về những khủng hoảng tâm lý cá nhân, phóng viên nhận thấy không ít tâm sự thể hiện đang ở tuổi vị thành niên.
Điển hình, bài đăng của một nữ sinh lớp 10 kể sống trong nỗi sợ âm thanh và đám đông từ năm lớp 1. Đáng lo, sau khi tự nhận có vài hành vi lạ, bạn nữ chia sẻ: "Con nhắm mắt lại là bao nhiêu ký ức buồn, những chuyện tưởng đã quên hoặc cả chuyện tương lai lại hiện về. Có lúc con stress đến mức muốn kết thúc tất cả".
Dưới bài viết, hàng loạt bình luận hiện ra gợi ý nữ sinh hãy nhắn tin riêng để được lắng nghe và tư vấn miễn phí.

Minh họa AI: LINH THÁI
Theo ghi nhận, phía sau nhiều lời mời gọi tưởng chừng đầy thiện chí là dịch vụ "tư vấn riêng", "trị liệu tinh thần" có thu phí. Trong vai người cần trị liệu, phóng viên liên hệ với một "trung tâm tư vấn" để lại bình luận trong nhóm. Chỉ sau vài câu nhắn, giá được báo ra là 1 triệu đồng cho 30 phút tư vấn qua điện thoại.
Trung tâm này giới thiệu là công ty TNHH chuyên cung cấp dịch vụ tham vấn tâm lý, tư vấn học đường, hướng nghiệp... Tuy nhiên, website của trung tâm lại thiếu thông tin bắt buộc theo quy định như mã số doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, tên người đại diện pháp luật.
Tiếp tục tìm hiểu về webiste tự giới thiệu "viện nghiên cứu", chúng tôi cũng ghi nhận sự mập mờ về pháp lý khi "hồ sơ năng lực" được trưng bày trên website nhưng không thể truy cập.
Họ thực sự là ai, chuyên môn thế nào, tài khoản thật hay ảo, chịu trách nhiệm ra sao nếu những lời khuyên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, phải chăng thị trường tư vấn tâm lý đang bị "phổ thông hóa" đến mức đáng báo động?... Để trả lời hàng loạt câu hỏi trên, phóng viên tiếp tục đóng vai một người trẻ mang dấu hiệu khủng hoảng nhẹ.
Chỉ sau vài tin nhắn theo lời mời "lắng nghe miễn phí", phía bên kia - một cá nhân tự xưng "chuyên gia trị liệu tâm hồn" - đề xuất "gói chữa lành" gồm 6 buổi, mỗi buổi 1,5 triệu đồng qua Zoom.
Khi bị vặn hỏi về bằng cấp, người này gửi tấm ảnh khoe là chứng chỉ (bằng tiếng Anh không rõ nguồn gốc, không con dấu, không xác nhận). Đến lúc phóng viên yêu cầu cung cấp thông tin về đơn vị giám sát, người này lập tức ngắt kết nối và chặn tài khoản.
Không phải trò đùa!
Luật sư, trọng tài viên Trần Văn Hoàng (TP HCM) nhận xét hiện nay có tình trạng nhiều cá nhân tự xưng "chuyên gia", khẳng định giúp người khác vượt qua khủng hoảng tâm lý, tình cảm… mà không hề có nền tảng chuyên môn hay giấy phép hành nghề.
Trong khi đó, tâm lý học là ngành khoa học đặc thù, không thể hành nghề theo kiểu "tự phong" qua vài dòng giới thiệu trên mạng xã hội. Việc tư vấn tâm lý, đặc biệt với lứa tuổi học sinh hay những ai có dấu hiệu bất ổn tâm thần, phải tuân thủ yêu cầu chuyên môn nghiêm ngặt.
Đơn cử, theo Thông tư 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người làm công tác tư vấn học đường phải có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường, được đào tạo bài bản với chương trình do bộ ban hành.
Không chỉ vậy, cá nhân muốn hành nghề tâm lý lâm sàng phải tuân thủ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và Nghị định 96/2023. Cụ thể, họ phải có giấy phép hành nghề sau khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn, phải có văn bằng phù hợp. Về thực hành thực tế, phải có tối thiểu 9 tháng tại cơ sở khám chữa bệnh hợp pháp, có phạm vi hoạt động về chuyên khoa tâm thần hoặc tâm lý lâm sàng…
Luật sư Trần Văn Hoàng khẳng định pháp luật hiện hành đã có những quy định rõ ràng về điều kiện hành nghề trong lĩnh vực tâm lý.
Luật sư Trần Văn Hoàng cảnh báo trong một số trường hợp mà tư vấn tâm lý không có chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến người được tư vấn tự sát/chết thì người tư vấn có thể chịu trách nhiệm hình sự với tội "Vô ý làm chết người", thậm chí tội "Giết người".
"Việc tư vấn tâm lý không thể đơn giản là đưa ra lời khuyên trong cuộc sống mà cần được thực hiện bởi những người có kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và được đào tạo chính quy. Chỉ như vậy mới bảo đảm hiệu quả hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro cho người cần trị liệu" - ông nói.
ThS Quản lý giáo dục Nguyễn Thị Thu Hiền dẫn khảo sát được công bố hồi cuối năm 2022 của một nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho thấy hơn 37% trong số 3.400 trẻ vị thành niên tại đô thị phía Nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, nhiều em từng tự gây thương tích từ 1 đến 4 lần mỗi năm.
Từ đó, bà cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên. Trong khi đó, tâm lý học đang bị "thị trường hóa" với sự trỗi dậy của các "coach tâm hồn", "mentor chữa lành" và hàng loạt viện/trung tâm tư vấn hoạt động mập mờ. Điều này tưởng như khỏa lấp khoảng trống mà nhà trường, gia đình hay y tế chưa thể bao quát nhưng lại đặt ra vấn đề về thiếu kiểm chứng chuyên môn.
Vì thế, đã đến lúc cần "hàng rào pháp lý" rõ ràng hơn cho các hoạt động tư vấn tâm lý ngoài công lập cùng với chiến lược giáo dục cộng đồng về phân biệt giữa trị liệu chuyên môn và trị liệu tự phát. "Bởi giữa thế giới cảm xúc mong manh, một lời khuyên đúng lúc có thể cứu sống nhưng một lời khuyên sai lầm cũng có thể là giọt nước tràn ly" - ThS Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tram-cam-truoc-thi-truong-tri-lieu-tam-ly-196250714215449657.htm