Trầm cảm tuổi học đường: Góc khuất tâm lý của trẻ có đang bị bỏ ngỏ!?

Học sinh được biết đến là 'nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò', để thấy các em vốn luôn tràn đầy năng lượng sống, tươi vui và hoạt bát. Nhưng hiện nay, trong xã hội hiện đại, khi công nghệ dần thay thế nhiều tính năng của con người, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thì chúng lại khiến trẻ em thích làm bạn và tương tác trên không gian ảo hơn là ngoài đời thực.

Bên cạnh các giờ học căng thẳng, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo ra sân chơi lành mạnh vui vẻ, phấn chấn về mặt tinh thần.

Bên cạnh các giờ học căng thẳng, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo ra sân chơi lành mạnh vui vẻ, phấn chấn về mặt tinh thần.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ gặp nhiều vấn đề về tâm lý, trong đó trầm cảm học đường có đang bị coi nhẹ, thiếu sự quan tâm từ nhà trường và gia đình. Khi các con thiếu môi trường tương tác giao lưu với bạn bè, hòa mình vào thiên nhiên, áp lực từ điểm số, trường lớp và kỳ vọng từ cha mẹ thầy cô.

Các em học sinh thực sự mong muốn điều gì?

Qua buổi trao đổi với các học sinh trong độ tuổi Tiểu học và THCS, nhận thấy tình trạng chung rất nhiều em đang bị “mắc kẹt” trong các mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè. Các em cho biết, mình rất khó kết bạn, hay chưa nhận được sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ từ cha mẹ, thầy cô nên ở nhà và trong lúc rảnh rỗi thường làm bạn với máy tính, điện thoại, được thỏa sức, cảm thấy bản thân được sống hết mình trên không gian mạng mà không bị soi mói.

Em Phạm Ngọc Đ, học sinh lớp 5, tại một trường trong quận Cầu Giấy cho biết: “Ở nhà con hết nằm xem TV, lại chơi điện tử, đó chỉ là những lúc bố mẹ con không có nhà. Còn không, lúc nào bố mẹ cũng bắt con học, học, cấm con cầm vào điện thoại, trong khi bố con cứ đi làm về là nằm ườn ra xem TV, mẹ con cũng xem điện thoại, mà cấm con…”.

Khi được hỏi, con cần và mong muốn điều gì từ gia đình, cậu học sinh lại rơm rớm nước mắt: “Con buồn, không có bạn bè, nên con thích chơi điện tử, trên đó con có nhiều bạn lắn, có người còn nói yêu con, vì tưởng con là con gái. Trong khi bố mẹ lúc nào cũng bận việc, ít nói chuyện và chơi với con”.

Ngoài Ngọc Đ, cũng có khá nhiều bạn khác đồng quan điểm khi cho rằng, các bạn phải học nhiều, ít được đi chơi, không biết làm quen với bạn mới, nhưng lại có nhiều bạn trên mạng. Cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Qua việc chia sẻ của các học sinh có thể thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ nghiện game? Là do cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con cái, do những xung đột trong gia đình như cha mẹ ly thân, ly hôn; do trẻ chơi thân với nhóm bạn có sở thích chơi game…

Còn một nguyên nhân nữa chính là áp lực học tập, áp lực con phải trở thành mẫu người như cha mẹ mong muốn khiến nhiều học sinh lao vào game như một sự chạy trốn. Bởi trong khi các con luôn cho rằng mình đã nỗ lực không ngừng, học hành căng thẳng, mệt mỏi mà cha mẹ vẫn la mắng, còn khi chơi game, chỉ cần một cái nhấp chuột trẻ sẽ có phần thưởng.

Mỗi lần được nâng level trẻ có cảm giác khoan khoái và thỏa mãn, hài lòng dù đó là sự hài lòng giả tạo. Chơi game, như 1 cách chạy trốn hiện thực, nhưng cũng phần nào phán ánh những thiếu thốn về tâm lý nên các em lấy đó là nơi để “núp vào”, che giấu những bất ổn về tâm lý trong cuộc sống hàng ngày.

Trước những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường, cô nguyên Hương Giang, giáo viên tại trường THCS tại quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Đúng là sau 2 năm dịch bệnh, tâm lý học sinh thay đổi rất nhiều, các em trở lên lầm lì và ít nói hơn, các tương tác xã hội có phần kém đi. Tại các lớp chuyên, các em vốn được coi là những hạt nhân chăm ngoan học giỏi, nhưng giờ cũng xuất hiện nhiều cá nhân rất bất cần, dễ nổi nóng và không làm chủ được cảm xúc”.

Cô Giang cũng cho biết thêm, có thể thời gian dịch bệnh kéo dài, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý lứa tuổi, bởi các em vốn cần không gian để tương tác nhưng quá trình dài đó đã để lại nhiều vấn đề về tâm lý học đường, có nhiều em có dấu hiệu trầm cảm. Đây là cảm nhận của riêng tôi, chứ trên thục tế nhà trường cũng chưa đưa ra một cuộc khảo sát hay thống kê cụ thể nào.

Bên cạnh các giờ học căng thẳng, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo ra sân chơi lành mạnh vui vẻ, phấn chấn về mặt tinh thần.

Bên cạnh các giờ học căng thẳng, trẻ cần được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo ra sân chơi lành mạnh vui vẻ, phấn chấn về mặt tinh thần.

Chủ động khám và theo dõi sức khỏe tâm thần vẫn là điều gì quá mới lạ

Điều này cho thấy, trầm cảm tuổi học đường là 1 vấn đề đáng quan tâm hiện nay và có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần, thể chất học sinh, đồng thời làm suy giảm chất lượng học tập và cuộc sống.

Chị N.T. L, đang có con học lớp 6 cũng chia sẻ: "Trong và sau quá trình dịch bệnh, con thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi và tâm trạng chán nản khiến việc học sa sút. Phát hiện sự việc, gia đình có gặng hỏi nhưng con rất dễ nổi nóng, khó chia sẻ, gia đình muốn đưa con đi khám và làm các trắc nghiệm tâm lý để đánh giá, nhưng con không chịu, chị cũng hoang mang lo sợ vì đã có nhiều trường hợp học sinh tự tử nghi do trầm cảm”.

Trong khi con chị cũng trải lòng, thời gian qua, con phải chịu áp lực từ việc học, đặc biệt cảm thấy không vui vì bố mẹ luôn áp đặt, không chịu lắng nghe con. Bản thân cũng không có nhiều bạn bè; tối về con chỉ lủi thủi trong phòng nên con thấy mệt mỏi, không có hứng thú với việc gì.

Bên cạnh đó cũng có nhiều phụ huynh chỉ biết than con quậy nghịch, không chịu nghe lời, hay xung đột với cha mẹ và khi nhận được tư vấn từ giáo viên là cần quan tâm và đưa con đến các cơ sở y tế để khám xét về sức khỏe tâm thần lại thấy hoang mang, khi nghĩ, con mình khỏe mạnh, bình thường tại sao phải đi khám tâm thần. Trong khi thực tế, trầm cảm cũng chỉ là một bệnh lý liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, cứ 7 trẻ vị thành niên thì có hơn 1 em từ 10 - 19 tuổi (13%) trên toàn cầu bị chẩn đoán rối loạn tâm thần. Mỗi năm, có gần 46.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới (cứ 11 phút lại có 1 trẻ).

Còn kết quả khảo sát Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh Việt Nam năm 2022, gần 14% học sinh trung học cơ sở và 18% học sinh trung học phổ thông từng có ý định tự tử; gần 10% học sinh THCS và hơn 16% học sinh THPT thường cảm thấy cô đơn; 16% học sinh nam và 28% học sinh nữ có rối loạn lo âu... Đây thực sự là con số đáng báo động!

Trong khi tuổi học đường vốn là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập..., rất dễ dẫn đến trầm cảm.

Quá tải học tập, áp lực thi cử, gia đình đặt kỳ vọng quá lớn hay những khúc mắc trong quan hệ bạn bè, bạo lực học đường khiến nhiều trẻ bị căng thẳng, khủng hoảng tinh thần. Ngoài ra, yếu tố di truyền, thay đổi nồng độ hormone hoặc việc bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, thiếu sự quan tâm và sự tăng tiếp xúc với internet, bị ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội,… cũng là những nguy cơ khiến trẻ có cảm giác buồn phiền, lo âu, trầm cảm và trong một số trường hợp đã dẫn đến hành vi tự tử.

Trầm cảm tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Tỉ lệ trẻ mắc trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Có thể nói, rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Vì vậy, việc phát hiện sớm trầm cảm rất quan trọng vì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, tránh tái phát. Nếu thấy trẻ thấy mệt mỏi, chán nản, mất đi các sở thích trước đây; Thay đổi trong ăn uống dẫn đến sự thay đổi cân nặng, thay đổi trong giấc ngủ và những triệu chứng về vận động như cử động chậm chạp, nói chậm, nói ít, nói nhỏ hơn hoặc bồn chồn, bất an,… cầm sớm được đưa đi thăm khám.

Nếu để trẻ bị trầm cảm vài năm mới được đi khám thì việc điều trị rất khó khăn, kéo dài và thậm chí để lại các ảnh hưởng đến chức năng tâm thần của trẻ, khó hòa nhập cuộc sống hơn.

Và nếu không may trẻ bị trầm cảm thì, quá trình điều trị, gia đình, bạn bè và thầy cô, đặc biệt là các bậc phụ huynh có vai trò quan trong, trong hành trình cùng con bước qua khoảng trống tâm lý tuổi mới lớn. Phụ huynh có thể tìm hiểu thêm các thông tin từ bạn thân của con, thầy cô; đặc biệt cần quan tâm đến trẻ ở những giai đoạn chuyển trường, chuyển cấp hoặc bước vào tuổi dậy thì, để có những chia sẻ phù hợp, tránh để con có cảm giác đơn độc.

Theo chuyên gia y tế trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần: Trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều áp lực nên bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến và nhận thức của người dân về trầm cảm cũng ngày càng đầy đủ hơn. Tuy nhiên, dường như chúng ta đang thiếu sự chú ý đến vấn đề trầm cảm ở trẻ em, dẫn tới có thể trong cộng đồng nhiều trẻ đang mắc trầm cảm mà không được phát hiện và điều trị.

Linh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tram-cam-tuoi-hoc-duong-goc-khuat-tam-ly-cua-tre-co-dang-bi-bo-ngo-329966.html