Trầm cảm vì thất nghiệp, phải về quê sống cùng bố mẹ chồng

Giờ đây cô sắp sinh đứa thứ 2, nghĩ đến việc sẽ phải ở quê chăm con thêm 1-2 năm nữa, cô muốn trầm cảm luôn.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vợ chồng cô lấy nhau được hơn 5 năm, có 1 bé trai 4 tuổi. Cô làm thiết kế thời trang cho 1 công ty may mặc còn chồng là nhân viên trong 1 công ty nhỏ vừa thành lập. Thu nhập của 2 vợ chồng không tốt lắm, nên con được gần 1 tuổi thì vợ chồng cô gửi về quê nhờ ông bà nội trông giúp. Hằng tháng hai vợ chồng gửi tiền về nhờ ông bà lo cơm nước hoặc mua đồ cần thiết.

Năm kia dịch bệnh gây khó khăn, công ty phải cắt giảm nhân viên và cô là một trong số đó. Chồng cô khuyến khích cô về quê trông con, đợi dịch được kiểm soát tốt rồi lại lên thành phố đi làm. Cô đồng ý về quê làm "nghề nội trợ". Đứa thứ nhất chưa kịp lớn thì cô lại bầu bí đứa thì hai. Vậy là đến bây giờ cô vẫn chưa đi làm lại được. Chồng làm xa, cuối tuần mới về thăm mấy mẹ con, khiến tình cảm của hai người bị ảnh hưởng nhiều. Cảm giác thiếu thốn tình cảm của chồng, cùng với sự rạch ròi của ông bà nội khiến nhiều lúc cô cảm thấy mình lạc lõng.

Chồng cô cuối ngày mới gọi điện về hỏi thăm con, mỗi lần cũng chỉ khoảng 5-10 phút. Mỗi lần cô giãi bày những bực tức hay khó chịu của mình thì anh không lắng nghe, chỉ nói được câu: "Vì ông bà lo cho các cháu thôi. Ông bà có bảo sao cũng kệ đi. Anh đi làm đủ mệt rồi, em đừng kêu nữa".

Từ khi cô về, ông bà nội bảo cho mấy mẹ con ăn riêng vì ông bà có tuổi rồi, đồ ăn không hợp khẩu vị. Ông vẫn đi trông xe và bảo vệ tòa nhà ở một công ty, lương tháng được mấy triệu. Hai ông bà ăn tiêu bằng số tiền đó. Hằng ngày cả 2 ông bà chỉ ăn rau, ăn đậu với mấy miếng thịt, quả trứng…. Cô thấy vậy rất thương, dù kinh tế không phải dư dả nhưng quan điểm của cô là dinh dưỡng phải đầy đủ. Bữa nào cô cũng mua nhiều đồ ăn hơn để đưa sang ông bà, hoặc lúc nào có đồ ngon, cô đều nấu thêm. Tuy nhiên, ông bà không hề đụng đũa vào những món cô mời. Ngay cả lọ mắm, lọ muối cô mua, bà cũng trả lại. Cô không hiểu tại sao ông bà lại cư xử như vậy. Điều này khiến cô có cảm giác mình như người ngoài. Cô có nói chuyện với chồng nhưng anh ấy chỉ phẩy tay nói cô nghĩ quá nhiều.

Ông bà không dùng bất kì đồ gì của cô mua, tiền điện nước thì chia đôi, lẻ từng đồng cũng tính. Ông bà nói rằng không muốn nhờ vả gì. Bà đem chuyện cô bị thất nghiệp, phải về quê trông con nói với hết người nọ, người kia trong làng. Cô cảm giác như mình là một đứa ăn bám thật sự. Đặc biệt là khi ra ngoài ngõ, hàng xóm nhìn cô với con mắt coi thường, về nhà thì bố mẹ chồng thi thoảng lại nói bóng nói gió kiểu "Chỉ biết mua sắm, ăn tàn phá hại, không biết tiết kiệm"… Ông bà mà cho cháu đồ gì, sẽ nhắc đi nhắc lại, kiểu để cô phải nhớ, phải biết ơn vậy… Thực sự cô quá mệt mỏi.

Giờ đây cô sắp sinh đứa thứ 2, nghĩ đến việc sẽ phải ở quê chăm con thêm 1-2 năm nữa, cô muốn trầm cảm luôn.

Lắng nghe tâm sự của cô, Thanh Tâm nhận thấy, bố mẹ chồng cô là những người chân chất, thật thà, có suy nghĩ đơn giản. Ông bà chỉ vì thương vợ chồng cô, muốn tự lực khi ông bà vẫn còn có khả năng. Thanh Tâm mong cô nghĩ thoáng ra, không để ý quá nhiều tới lời nói của ông bà, cứ đón nhận những hành động đó một cách tự nhiên, không suy nghĩ cường điệu hóa thì cô sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Ở nhà chưa có việc làm cô có thể trồng rau, nuôi gà để có nguồn thực phẩm sạch. Cô cũng có thể phát huy thế mạnh thiết kế thời trang của mình để mở tiệm ở quê, tạo ra các sản phẩm phù hợp với các chị em, tăng thu nhập. Nếu vợ chồng có điều kiện đoàn tụ thì cân nhắc để cả nhà bên nhau, cùng phấn đấu xây dựng gia đình, dạy bảo chăm sóc con tốt, tình cảm vợ chồng gắn bó.

Thanh Tâm

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tram-cam-vi-that-nghiep-phai-ve-que-song-cung-bo-me-chong-20220606163225023.htm