Trạm dừng
Nước đã lên ngập cả mắt cá chân. Mấy miếng ván mục cũng trôi lềnh bềnh trước nhà. Con chó phèn nằm cạnh tủ thờ cũng giật mình mỗi khi có sấm chớp. Chẳng có một dấu hiệu nào cho thấy mưa sắp tạnh. Thằng Tèo vẫn đứng chắn ngay cửa, trên tay nó cầm một khúc củi to đùng với vẻ mặt đăm chiêu. Tôi nhìn nó tò mò:
- Mày làm cái gì vậy Tèo?
Thằng Tèo đưa ngón tay lên miệng ra dấu cho tôi im lặng. Tôi tiến lại gần cánh cửa. Bên ngoài hàng ba là một thằng nhóc ướt như chuột lột, môi tái xanh vì lạnh. Tôi vội mở cửa ra, biểu thằng nhóc vô nhà trú mưa cho đỡ lạnh. Thằng Tèo níu tay tôi lại.
- Sao anh Hai có thể để cái quân ăn cắp bước vào nhà mình được?
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì thằng nhóc bên ngoài vụt chạy đi, mặc kệ sấm chớp. Nó vấp phải khúc cây, ngã nhào. Thằng nhóc lồm cồm đứng dậy vụt chạy, cứ như cú ngã vừa rồi chẳng hề hấn gì với nó.
- Bộ nó ăn cắp gì của em hả?
- Dĩ nhiên rồi! Anh Hai không biết đó thôi, bữa nó ăn cắp trứng hột vịt xiêm nhà mình. Em giật lại mà nó cứ ôm khư khư, thà bị đánh chứ không chịu trả lại.
- Có trứng hột vịt thôi mà em làm gì dữ, lỡ nó nhặt được thì sao?
Thằng Tèo trề môi:
- Nó là cái dạng lù khù vác cái lu mà chạy, còn quay lại lụm cái nắp lu. Dân ở đâu mới dọn lại xóm mình.
*
* *
Đi học về, tôi gặp thằng nhóc hôm trước. Thấy tôi, nó ngó lơ, cứ lẳng lặng lựa mớ tép cho bà chủ sạp cá. Không biết sao tôi cứ bị ám ảnh với đôi mắt của thằng nhóc ấy. Tôi ghé lại sạp cá mua mớ cá khoai cho má, thằng nhóc vẫn cúi mặt, vờ như không thấy. Chiếc xe máy chạy vù qua làm vũng nước trước mặt văng lên người nó. Nó vẫn ngồi im, chẳng hề có động thái nào.
- Ngồi xích vô, không thôi chút nữa nước lại văng lên người.
Nó ngước lên nhìn tôi không đáp, rồi quay lưng bỏ đi một nước. Lúc đi, nó cũng không quên nói với lại:
- Con về nghe Chín!
- Ủa sao không lấy ít cá về ăn con? - Bà chủ sạp cá nói vọng theo mà chẳng có lời nào được đáp lại.
- Thằng nhóc đó làm mướn cho Chín hả?
- Đâu có, ngày nào nó cũng ra đây phụ việc lặt vặt. Rồi lúc về, Chín cho nó mớ cá vụn. Tội nghiệp, nhà có mấy bà cháu, mới dọn về lạ nước lạ cái, chẳng ai thân thích.
Tôi ngó theo thằng nhóc đi về cuối chợ, cái dáng người gầy gầy khoác bên ngoài chiếc áo rộng thùng thình đã lên phèn, chân nó đi cà nhắc, chắc có lẽ là do cú ngã ngày hôm qua. Tôi chạy chầm chậm sau lưng nó, tới bờ sông có cái căn nhà mới dựng. Phía trong có một bà cụ già cùng đứa cháu gái, ngó thấy thằng nhóc, con bé em bật dậy chạy ra đón. Thằng nhóc vuốt tóc đứa em dịu dàng đến không ngờ, chẳng phải cái vẻ lạnh lùng mà tôi từng bắt gặp. Đoạn nó dắt đứa em vào nhà, móc cái gì trong túi đưa cho đứa em mà trông con bé mừng lắm.
Thấy tôi, đôi mắt của nó lạnh căm.
- Tui nói rồi, tui không có ăn cắp. Anh đừng có vào méc ngoại tui.
Tôi chưa kịp nói gì thì nó đã quay lưng chạy vào nhà khi nghe tiếng ho dồn dập của bà cụ trong nhà.
Tôi đạp xe về nhà mà trong đầu vẫn cứ lẩn quẩn hình ảnh của ba bà cháu thằng nhóc. Căn nhà hệt như hồi ba má mới dọn ra ở riêng, cũng thiếu trước hụt sau, gió thổi phía nào cũng lạnh, dừng xong bên này thì đã phải sang bên kia chằm thêm lá. Dừng xe trước cổng, tôi đã thấy thằng Tèo ngồi trước nhà đẽo nhánh cây làm ná thun. Nó làm say mê đến nỗi quên trời quên đất.
*
* *
Cây me ngoài mé sông có cái tổ ong mật nên ngày nào thằng Tèo cũng ra đó đứng ngó ngó rồi chắp tay sau đít đi vào. Nó ngước mặt lên nhìn trời ra dáng ông cụ non.
- Mưa gì mà mút mùa Lệ Thủy, trông cho nắng bắt tổ ong mật vô để dành cho má trị ho mà cứ mưa miết.
Thằng Tèo cầm cái ná thun lên kéo thật căng rồi buông tay, viên đá nhỏ bắn trúng vô đầu của thằng nhóc. Tôi chỉ kịp cản nó lại khi viên đá thứ hai vừa được cho vào ná. Thằng Tèo vung tay tôi ra, mặt nó hầm hầm:
- Để em dạy cho nó một bài học, thứ ăn cắp là không có ưa rồi.
Tôi giật cái ná thun trên tay thằng Tèo. Nắm lá dừa trên tay của thằng nhóc bắt đầu ngún cháy, khói bay tù mù khiến bầy ong trong tổ bay tán loạn, vài con bu quanh thằng nhóc. Nó vẫn tiến về phía tổ ong, bẻ nhánh me, lấy tổ ong rồi chạy một mạch về nhà. Thằng Tèo liếc nhìn tôi, tiếc cái tổ ong.
Thằng Tèo nói, nó đã thông báo cho xóm Lung biết về hành động cướp giữa ban ngày của thằng Dũng. Mà mặt thằng Dũng cứ trơ trơ ra, chẳng có một chút hối lỗi gì. Nó còn đáp lại một câu khiến thằng Tèo điên tiết, ong có phải nhà mày nuôi đâu mà mày nói.
*
* *
Thằng Tèo núp trong đám sậy, đợi thằng Dũng qua, lao ra đánh úp mặt. Thằng Dũng bị ngã nhào với cú đạp từ phía sau, chưa kịp nhận ra chuyện gì thì đã bị bồi thêm mấy cú đá của thằng Tèo.
Hai đứa lăn qua, lăn lại làm đám cỏ ngã rạp, đứa nắm đầu, đứa xé áo mà chẳng bên nào nhường bên nào. Tôi dựng xe, chạy vào lôi tụi nó ra. Hai đứa đứng dậy mà vẫn kình nhau… Thằng Tèo định xông vào vật thằng Dũng lần nữa, tôi ôm thằng Tèo lại, nói vọng về phía thằng Dũng:
- Về nhà đi cưng!
Nhặt lại mớ cá rơi trên nền đất, thằng Dũng hậm hực đi về.
*
* *
Chiếc xe đạp của thằng Tèo lạng mấy vòng rồi lao vào hàng rào, mặt nó tái mét. Phía sau, thằng Dũng đang nhăn nhó với vết thương dưới bàn chân đang chảy máu. Nó ngồi bệt xuống đất, dùng tay bóp chặt chỗ vết thương. Tôi dìu nó vào nhà rửa sạch vết thương. Thằng Tèo hái cỏ mực giã nát đắp lên vết thương rồi lấy vải mùng băng lại cho nó. Tôi chở nó về trên chiếc xe đạp lọc cọc. Chốc chốc, tôi lại quay ra đằng sau hỏi, có đau lắm không cưng? Gần đến nhà, nó nhảy xuống xe.
- Anh về đi. Lỡ bà ngoại em gặng hỏi, mắc công lắm.
Về đến nhà, tôi vội vớ lấy cây củi ngoài sân, vào biểu thằng Tèo nằm xuống. Thằng Tèo có vẻ bất ngờ trước thái độ của tôi. Nó bước lùi lại, lưng dựa vào vách.
- Mày làm gì thằng Dũng mà nó ra như vậy?
- Em có làm gì nó đâu. Tại nó nhảy xuống sông bị miểng chai cắt đứt chứ có phải tại em đâu!
- Rồi sao mày có mặt ở đó?
Đôi mắt của nó đỏ hoe, giọng bắt đầu mếu máo:
- Em trèo lên cây me, ai ngờ trượt chân té xuống sông. Thằng Dũng đi ngang thấy nên nó nhảy xuống cứu em. Nhưng nó nhảy xuống trúng cái miểng chai mới chảy máu vậy. Chứ em có làm gì nó đâu.
Tôi buông khúc củi trên tay xuống, nhìn vẻ mặt lo lắng của thằng Tèo.
- Mày cứ chửi nó ăn cắp, giờ nó cứu mày đó!
*
* *
Mấy ngày nay không thấy thằng Dũng, anh em tôi qua thăm. Thấy nó, tôi hỏi vồn:
- Vết thương sao rồi cưng?
Thằng Dũng lầm lì một hồi cũng thốt ra một câu tỉnh bơ:
- Đỡ nhiều rồi!
Thằng Tèo đưa bọc trái cây vừa mới hái cho em thằng Dũng. Thằng Dũng tằng hắng:
- Thư… Thư!
Tôi cầm bọc trái cây dúi vào tay con Thư. Thư lật mớ trái cây trong bọc, nhìn tôi buồn buồn:
- Anh ơi! Có thể đổi mớ trái cây này thành 3 trứng hột vịt xiêm được không?
Thằng Tèo trố mắt nhìn con Thư, giọng dò xét:
- Em cần hột vịt xiêm làm gì?
- Em lấy cho ngoại trị bệnh. Có cô kia chỉ vậy, ăn hột vịt xiêm và uống mật ong sẽ trị được bệnh của ngoại.
Thằng Tèo lật đật đạp xe về, nó còn quay đầu nói vọng lại:
- Em ở đó đi. Anh chạy về nhà lấy hột vịt cho em.
Thằng Tèo thắng xe cái két ở ngoài sân, nó cầm một bọc hột vịt đưa cho con Thư. Mồ hôi nhễ nhại, “nào hết nói, anh lấy thêm”. Thằng Dũng phía sau nhà nói với lên:
- Ai mượn?
- Tao đem cho bà ngoại chớ có phải cho mày đâu mà ai mượn, ai biểu?
Bà ngoại thằng Dũng có phần chững lại khi thấy anh em tôi ở trong nhà.
- Mấy đứa là bạn của thằng Dũng hả?
- Dạ! Con đến thăm thằng Dũng coi vết thương của nó ra sao. Vì cứu em của con mà nó bị vậy.
Bà ngoại nhìn tôi cười:
- Có gì đâu con! Vậy mà về nó có nói năng gì với ngoại đâu. Nó chỉ nói đi đạp miểng chai trên đường ra chợ.
Thằng Dũng đứng nép sau lưng bà ngoại, nói vọng ra:
- Cứu nó có gì đâu hay ho mà kể ngoại ơi!
*
* *
Chủ đất nói nhà thằng Dũng dọn đi vào một ngày mưa gió. Ba bà cháu dắt díu nhau leo lên chiếc xe đò chật chội, hành lý mang theo chỉ có vài bộ đồ với 3 trứng hột vịt xiêm. Chủ đất thở dài, không biết phải trốn đến bao giờ. Ba thằng Dũng đánh bài thiếu nợ người ta, miếng đất hương hỏa cũng bị cấn cho chủ nợ. Bữa bà ngoại thằng Dũng đứng ra ký tên vào giấy hứa trả nợ thay con, nghe đâu ba thằng Dũng còn theo người ta qua Campuchia đánh bài. Tụi giang hồ tìm về xóm Lung, ba bà cháu lại phải dắt díu nhau đi.
Thằng Tèo đem mấy trứng hột vịt xiêm về lại tổ, nó đưa mắt nhìn về phía xa, môi nó mấp máy cái gì đó mà tôi nghe không rõ. Ba bà cháu thằng Dũng rồi sẽ về đâu, chiếc xe đò có chở luôn nỗi lòng của người ở lại. Không biết tụi giang hồ đã mỏi chân chưa?./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tram-dung-a86619.html