Trăm gánh nặng mùa màng

Cũng như bao nông dân khác, khi con gà vừa gáy, mặt trời chưa kịp chiếu những tia sáng đầu tiên xuống mặt đất, chị Nghì đã thức dậy. Suốt tuần, suốt tháng và gần như suốt năm trời, chị Nghì luôn phải có những cuộc chạy đua với mặt trời như thế. Những cuộc chạy đua dài đằng đẵng và mỏi mệt, bởi đó là cuộc đua gánh trên lưng những gánh nặng mùa màng.

Người dân thị trấn Mường Khương bón thúc cho lúa Séng cù.

Người dân thị trấn Mường Khương bón thúc cho lúa Séng cù.

Chị Lù Thị Nghì sinh ra và lớn lên tại thị trấn Mường Khương. Như nhiều người dân ở vùng cao biên giới này, kinh tế gia đình chị phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Với khí hậu lạnh, lượng mưa hằng năm chỉ tập trung vào những tháng hè nên mỗi năm người dân nơi đây chỉ cấy một vụ lúa, còn lại trồng ngô, rau, nuôi thêm lợn, gà để có đồng ra, đồng vào. Đầu xuân, chị Nghì ra đồng cuốc dọn vạt đất ruộng khô, vùi vào đó những hạt ngô nếp trắng ngà như sữa. Vài tháng sau, ngô kết hạt, chị bẻ ngô non, đem luộc rồi bán tại các buổi chợ trong thị trấn. Hết vụ ngô cũng là thời điểm những cơn mưa rào đầu hạ tưới tắm cho các tràn ruộng, lấy đủ nước để cấy lúa vụ mùa. Đến tháng 7, những cây lúa đã bén rễ xuống mặt bùn nông và bắt đầu đẻ nhánh, đây là giai đoạn nông dân phải chăm bón cho lúa, theo dõi tình hình sâu bệnh. Mùa nào cũng thế, năm nào cũng đều đặn như thế, nhưng mùa năm nay tưởng như nặng nề hơn bởi những lo toan.

“Giá đạm tăng, lân tăng, thuốc trừ sâu, trừ rầy cũng tăng, mà năm nay con tôi vào đại học, đấy là nếu nó đỗ. Mẹ nào cũng mong con mình đỗ đạt, mong lắm - nhưng mà lo”, chị Nghì tâm sự.

Việc phân bón lúa và việc con học đại học, tưởng như 2 câu chuyện vừa xa xôi vừa rời rạc nhưng với người nông dân lại là những nỗi niềm lo lắng lớn nhất, quanh quẩn, thường trực trong toan tính mùa vụ. Gia đình chị Nghì cấy lúa Séng cù, mỗi năm thu về 2 đến 3 tấn thóc. Mỗi tấn thóc bán cho tư thương được 17 triệu đồng, nếu xát rồi bán thì mỗi tấn gạo được 28 triệu đồng. Ngoài tiền bán thóc, mảnh ruộng nhỏ vùng ven thị trấn này cũng mang về mỗi năm 10 đến 20 triệu đồng từ tiền rau màu chị Nghì tăng vụ. “Phân bón, thuốc phun tăng giá bao nhiêu thì số tiền mình nhận được từ làm ruộng ít đi bấy nhiêu. Mà tiền đó là để nuôi con đi học”, chị Nghì nói.

Đối với người dân chỉ quanh quẩn với lúa, ngô, hoa trái, vài con lợn, con gà nuôi thêm, thu nhập mỗi năm chỉ đủ để trang trải cuộc sống thường ngày. Để có những khoản thu “ra tấm ra món” để xây sửa nhà cửa, mua xe, nuôi con ăn học… người dân vùng biên giới này chọn cách đi làm thuê. Thế nhưng, 2 năm nay dịch bệnh liên tục gây ảnh hưởng đến người lao động, các doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa hoặc cắt giảm nhân lực, công việc cũng ít dần đi. Cũng bởi thế, những niềm hy vọng bình thường nhất là kiếm thêm chút tiền những ngày nông nhàn để lo toan cho cuộc sống cũng bị dịch bệnh tước đoạt. Những hy vọng ấy lại gửi trọn vẹn vào những vạt đất dốc, những tràn ruộng mỗi năm chỉ lấy được một mùa nước…

“Không đi làm thuê được nữa thì lại về làm nông”, anh Vàng Minh Quý, thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình (Mường Khương) nói.

Gia đình anh Quý thuần nông, từ đời ông, đời cha đến thế hệ của anh Quý cũng gắn liền với những ruộng, nương cằn cỗi. Những năm gần đây, máy làm đất, tuốt lúa phổ biến khắp nơi nên việc làm nông cũng không mất nhiều công lao động nữa. Cứ sau mùa trồng ngô, trồng lúa, vợ chồng anh Quý sang Trung Quốc trồng chuối thuê cho các đồn điền. Mỗi năm, tiền công làm thuê của vợ chồng Quý mang về khoảng 300 triệu đồng. Đi làm vài năm, vợ chồng anh cũng tích đủ tiền xây căn nhà kiên cố thay nhà gỗ trước kia. Những năm đi làm thuê, việc đồng áng trong gia đình do cha mẹ già lo liệu, một vài mảnh nương do không có người làm, anh cho họ hàng “mượn” để tra ngô.

2 năm nay, anh Quý và vợ lại về làm ruộng, vun xới lại những mảnh nương thiếu tay người chủ bấy lâu nay. Anh Quý bảo: Trước bận đi làm thuê nên nương, ruộng làm cũng qua quýt lắm. Đầu mùa thì phun thuốc diệt cỏ, cỏ héo là cuốc từng hố lên trồng ngô rồi bỏ đấy. Đến kỳ vun ngô cũng chẳng có người làm, ông bà lại phun thuốc diệt cỏ loại dành cho cây ngô. Lúa cũng thế, cứ cấy xong rồi bỏ đó, đợi đến mùa là gặt, được - mất tại trời. Vài năm như thế đất cũng cằn đi nhiều, giờ không đi làm thuê, nên ở nhà, làm đất kỹ hơn, trồng cây cũng chăm bón cẩn thận hơn. Bây giờ, ngoài những mảnh ruộng, mảnh nương này cũng chẳng biết hy vọng vào đâu nữa.

Nông dân Bản Lầu chăm sóc dứa.

Nông dân Bản Lầu chăm sóc dứa.

Những mảnh nương, tràn ruộng, từng tấc đất của quê hương vẫn chung thủy sắt son ở đó, vẫn luôn là chỗ dựa an toàn nhất, là niềm hy vọng duy nhất cho những người làm nông những tháng năm thăng trầm vì dịch bệnh. Người nông dân lại cần cù vun xới, tưới đẫm đất bằng những giọt mồ hôi rơi ngày nắng như đỏ lửa. Đất ân cần đón những mầm cây rồi hứa hẹn mang về những mùa màng bội thu, hoa thơm trái ngọt. Đất cũng gánh trên lưng khát vọng làm giàu, dù thực sự làm giàu từ nông nghiệp với nhiều người vẫn luôn là chuyện khó.

Chị Vương Thị Thắm, thôn Na Nhung, xã Bản Lầu (Mường Khương) vẫn thường địu con lên nương. Vợ chồng chị Thắm còn trẻ và luôn nuôi trong mình khát vọng làm giàu. “Vợ chồng em ai cũng được đi học ấy chứ, chồng em còn đi học nghề rồi. Nhưng hình như em sinh ra không hợp với đi học, ngồi nghe giảng, cố nuốt chữ mà như gà mắc tóc nên em bỏ, về nhà làm nông. Tuổi còn trẻ, đất đai cha mẹ để lại cũng rộng nên vợ chồng đầu tư làm trang trại, trồng dứa, chuối, quýt, nuôi nhím… Em tin vợ chồng chăm chỉ thì trời sẽ không phụ công mình”, Thắm cười thật tươi, chia sẻ với một niềm tin lớn lao gửi vào những mùa màng mà cô gái mới hơn 19 tuổi vừa ươm những hạt mầm đầu tiên xuống đất…

Làm nông là thế, bao nhiêu đời vẫn thế. Mùa đến, rồi mùa đi, gói gém theo đó hàng trăm gánh nặng gửi vào từng bông lúa, từng bắp ngô, từng hoa trái. Trong những lo toan mùa vụ ấy, có cả những giọt mồ hôi, nước mắt và khát khao đổi đời của nông dân quanh năm lam lũ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345708-tram-ganh-nang-mua-mang