Trăm hoa đua nở mới giúp Trái đất khỏi nóng lên

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications cho thấy sự mất carbon do đa dạng sinh học này có thể là nguồn phát thải lớn nhưng lại bị bỏ qua khi tính đến các kịch bản trong tương lai.

Đa dạng sinh học rất quan trọng với môi trường

Đa dạng sinh học rất quan trọng với môi trường

Thực vật hấp thụ carbon dioxide từ không khí và lưu trữ nó trong lá, thân, rễ và đất. Nhưng khi biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người đẩy nhiều loài thực vật đến bờ tuyệt chủng, lượng carbon lưu trữ đó có thể được thải trở lại khí quyển, có khả năng đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm máy tính để ước tính rằng việc mất đa dạng thực vật trên khắp thế giới có thể giải phóng từ 7 tỷ đến 146 tỉ tấn carbon từ thảm thực vật. Ở mức cao nhất, con số này tương đương với lượng khí thải carbon dioxide từ tất cả ô tô trên thế giới trong hơn 12 năm.

Tác giả chính của nghiên cứu Sarah Weiskopf, một nghiên cứu sinh về sinh thái học tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nói với tờ Mongabay: “Mức độ lớn khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Những ước tính chuyên sâu về lượng khí thải carbon mà chúng ta có thể thấy khi mất đa dạng thực vật là khá cao”.

Nghiên cứu của Sarah Weiskopf xem xét số lượng các loài thực vật khác nhau ở một khu vực hoặc hệ sinh thái cụ thể trên toàn thế giới có thể suy giảm như thế nào ở các kịch bản sử dụng đất và biến đổi khí hậu trong tương lai. Sau đó, các nhà khoa học tính toán lượng carbon lưu trữ sẽ bị mất đi khi các loài thực vật biến mất.

Họ phát hiện ra rằng các điểm nóng về đa dạng sinh học ở rừng nhiệt đới Amazon, Trung Phi và Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến mất các loài. Từ đó dẫn đến suy giảm khả năng lưu trữ carbon do đánh mất đa dạng sinh học, vì những khu vực này có độ phong phú loài cao và trữ lượng carbon thực vật lớn. Khu vực nam Úc cũng có nguy cơ mất đa dạng sinh học đáng kể nhưng với tổng sinh khối thấp hơn.

Weiskopf cho biết: “Bạn có thể thấy rất nhiều loài thực vật bị biến mất trong các chương trình mô phỏng trên máy tính, dù khi bạn nhìn vào lượng lưu trữ carbon, nó không cao đến thế”. Tuy nhiên, Weiskopf lưu ý rằng ngay cả những tổn thất vừa phải về đa dạng trên các khu vực rộng lớn cũng có thể làm tăng thêm lượng khí thải carbon lớn.

Kết quả cho thấy một vòng phản hồi cộng hưởng nguy hiểm: mức độ biến đổi khí hậu cao hơn khiến nhiều loài thực vật tuyệt chủng hơn, giải phóng nhiều carbon hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Hiệu ứng này trong kịch bản phát thải cao, bảo tồn hạn chế nghiêm trọng hơn nhiều so với kịch bản phát thải vừa phải, chủ động bảo tồn.

Tuy nhiên, việc so sánh lượng khí thải do mất đa dạng sinh học với các nguyên nhân khác như đốt nhiên liệu hóa thạch là một thách thức. Sự mất mát về đa dạng thực vật tác động đến phát thải carbon là quá trình diễn ra dần dần và lâu dài mà phải sau năm 2050 mới biểu hiện rõ.

Weiskopf nói: “Chúng tôi không muốn so sánh một đối một, bởi vì bản thân nạn phá rừng khiến mất đi ngay lập tức lượng carbon lưu trữ trong gỗ. Vì vậy, chúng không hoàn toàn giống nhau, nhưng ngay cả với phạm vi còn mơ hồ của chúng tôi, có thể đoán lượng carbon bị mất do đa dạng sinh học là khá cao”.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực nghiệm cục bộ để mô hình hóa mối quan hệ đa dạng sinh học-carbon trên quy mô lớn, trong khi việc ước tính khả năng thích ứng với khí hậu của các loài vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể đưa ra ước tính thận trọng về tổn thất môi trường do mất đa dạng sinh học trong tương lai.

Và điều đáng lưu ý là các nhà nghiên cứu cũng chưa đánh giá đầy đủ lượng carbon trong đất, nơi lưu trữ nhiều carbon trên toàn cầu hơn so với thảm thực vật. Sự đa dạng thực vật được biết là làm tăng khả năng lưu trữ carbon trong đất, do đó tác động dưới lòng đất có thể rất đáng kể.

Marie Spohn, nhà sinh thái học tại Đại học Bayreuth ở Đức, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Quản lý hệ sinh thái giúp khôi phục sự đa dạng của thực vật có khả năng tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong đất, đặc biệt là ở vùng khí hậu ấm áp và khô cằn”.

Ngoài chu trình carbon, những phát hiện này nêu bật nhu cầu cấp thiết để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học có mối liên hệ mật thiết với nhau. Như các nhà nghiên cứu viết, “Bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học có thể giúp đạt được các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Weiskopf cho biết: “Khi chúng ta tiếp tục giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, sẽ hiệu quả hơn khi cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề này. Vấn đề không chỉ là chúng ta bảo tồn được bao nhiêu đất rừng mà còn là vấn đề đa dạng sinh học”.

Để bảo vệ đa dạng sinh học thì bảo vệ các khu rừng nguyên sinh là quan trọng nhất vì đây là rừng có nhiều lớp thực vật cả trên bề mặt lẫn dưới lòng đất có tác dụng lưu trữ carbon rất lớn. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo khi trồng rừng tái sinh cần tránh trồng độc canh mà phải trồng xen khoảng 5 loài thích hợp cộng sinh cùng nhau để đảm bảo đa dạng sinh học.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tram-hoa-dua-no-moi-giup-trai-dat-khoi-nong-len-218217.html