Trăm 'kế' giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ thoát nghèo

Trong những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, nhiều đồng bào thiểu số được hỗ trợ tập huấn sản xuất, con giống... phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.

Văn Lăng là xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, trong đó tỷ lệ đồng bào Mông chiếm 1/3 dân số của xã. Từ khi HTX Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, diện mạo ở Văn Lăng đã thay đổi rõ rệt, nhiều gia đình có cuộc sống ấm no hơn.

Làm giàu nhờ nuôi bò

Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX Bò Mông số 11 cho hay, HTX được thành lập từ năm 2019 với 8 thành viên. Trước đây, HTX chủ yếu chăn nuôi bò kết hợp với trồng chè. Từ năm 2022, HTX mở rộng thêm một số ngành nghề chăn nuôi như nuôi gà thả đồi, chim cút, lợn rừng và trùn quế.

Từ khi HTX Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, đến nay diện mạo ở Văn Lăng đã thay đổi rõ rệt.

Từ khi HTX Bò Mông số 11 được thành lập vào năm 2019, đến nay diện mạo ở Văn Lăng đã thay đổi rõ rệt.

Hiện, HTX có tổng diện tích trên 5ha, trong đó gồm khu chăn nuôi, khu du lịch trải nghiệm và khu vườn đồi. Bên cạnh đó, HTX cũng mở thêm một khu dịch vụ nhà sàn tại ngay khuôn viên của đơn vị để người dân có thể lựa chọn sản phẩm cũng như phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ cho bà con khi đến đây.

Tháng 9/2022, thông qua Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, HTX đã được được hỗ trợ cho vay bò giống qua hình thức kết nối giữa HTX và các thành viên liên kết là hộ nghèo. Tổng số đàn bò được hỗ trợ cho vay là 50 con, trong đó có 25 con bò cái nền sinh sản và 25 con bò 3B thương phẩm trị giá 1 tỷ đồng.

Sau khi được hỗ trợ cho vay con giống, HTX đã liên kết và thu hút khoảng 25 thành viên là các hộ nghèo lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò của HTX. Lao động làm việc tại HTX sẽ được trả công theo ngày ở mức 200.000 đồng/người. Đồng thời, những hộ nghèo sẽ cung ứng cỏ cho HTX để làm nguồn thức ăn cho bò.

“Từ 50 con bò được hỗ trợ vay ban đầu, trên cơ sở đàn bò sau khi sinh sản, HTX sẽ chia cho 25 hộ nghèo thành viên tham gia mỗi hộ một con bê để phát triển sản xuất. Đây là cách tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho hộ nghèo ngay từ ban đầu”, bà Trang cho biết.

Bà Trần Thị Thái, Thành viên HTX Bò Mông số 11 cho hay: Trước đây, gia đình bà cũng nuôi bò và nuôi trâu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019 khi HTX bò Mông được thành lập, bà là người đầu tiên tham gia HTX. Công việc hiện nay của bà là trồng cỏ cung ứng cho HTX và chăm sóc đàn bò. Hiện gia đình bà đang có hơn 4 sào cỏ voi bán cho HTX với giá 8.000 đồng/kg.

Theo bà Thái, từ khi tham gia HTX điều kiện kinh tế của gia đình bà được nâng lên rõ rệt vì có thêm nguồn thu nhập ổn định. "Nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập 6 triệu đồng", bà Thái cho biết.

Ngoài tham gia lao động nâng cao thu nhập cho gia đình, bà Thái còn giới thiệu cho nhiều bà con tại địa phương có việc làm tại HTX, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ đã có sự phát triển hơn hẳn về kinh tế.

Sinh kế bền vững nhờ cây trồng mới

Thời gian tới, Giám đốc HTX Bò Mông số 11 mong muốn HTX sẽ phát triển thêm các ngành nghề để giải quyết thêm việc làm thường xuyên cho các hộ tham gia và thu hút thêm nhiều hộ nữa.

Trồng na dai giúp bà con dân tộc ở huyện Đồng Hỷ thoát nghèo.

Trồng na dai giúp bà con dân tộc ở huyện Đồng Hỷ thoát nghèo.

Không chỉ chăn nuôi, nhiều địa phương ở huyện Đồng Hỷ cũng hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển các mô hình trồng trọt, đem về hiệu quả cao. Đơn cử, tại vùng núi đá vôi xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn - địa bàn sinh sống của 110 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, đời sống người dân cũng có nhiều thay đổi, từ vùng đặc biệt khó khăn, nay xóm Trung Sơn chỉ còn vài hộ nghèo.

Kết quả này, cũng bắt đầu từ khi xã triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh.

Theo đó, các hộ nơi đây được Đề án hỗ trợ trồng 3ha na dai và hướng dẫn cách chăm sóc, do đó cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả đảm bảo, thơm ngon nên giá bán luôn đạt 20.000 đồng/kg trở lên. Từ kết quả này, bà con Trung Sơn đã mở dần diện tích trồng cây na lên 38ha. Hiện nay, khi na đến mùa thu hoạch, thương lái đến mua ngay tại vườn với mức giá ổn định, hợp lý, đảm bảo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân xã Quang Sơn.

Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Đồng Hỷ hiện còn 2.396 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,81% và 1.575 hộ cận nghèo chiếm 6,45%. Hiện nay, huyện Đồng Hỷ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, HTX. Từ đó, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tram-ke-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-dong-hy-thoat-ngheo-1091613.html