'Trám lỗ hổng' an ninh
An ninh nội địa đang nổi lên như ưu tiên hàng đầu tại châu Âu, trong bối cảnh các mối đe dọa từ tấn công khủng bố đến sự leo thang của tội phạm mạng hiện ở mức đáng lo ngại.

Nhân viên y tế hỗ trợ nạn nhân bị thương trong vụ tấn công bằng dao tại Amsterdam, Hà Lan ngày 27/3/2025. Ảnh: ABC News/TTXVN
Báo cáo Đánh giá mối đe dọa tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) do Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) công bố cho thấy, các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang phát triển mạnh tại châu Âu. Theo thống kê của Europol, có đến 30% các tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất đã tồn tại và hoạt động trong hơn một thập niên tại "Lục địa già". Trong khi đó, những cuộc tấn công mạng và chiến dịch thao túng thông tin, gồm việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, đang diễn ra với tần suất và quy mô ngày càng lớn, đặt ra thách thức nghiêm trọng.
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, các nước EU chứng kiến hàng loạt vụ bạo lực sử dụng súng, dao... gây thương vong và tạo tâm lý lo âu, bất an trong xã hội. Ngày 4/2, một đối tượng đã xả súng sát hại 10 người ở Thụy Điển. CH Séc, Hà Lan, Áo, Pháp, Đức, Slovakia... liên tiếp ghi tên vào danh sách những nước có vụ tấn công bằng dao, trong đó vụ ở Slovakia xảy ra ở trường học, vụ ở Đức nhằm vào cảnh sát. Đức trong tháng 2 và tháng 3 liên tục chứng kiến vụ tấn công bằng xe tải ở Munich và vụ lao xe vào đám đông ở quảng trường thành phố Mannheim.
Trước thực trạng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chiến lược ProtectEU, một kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phản ứng của EU trước những nguy cơ về an ninh. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Brussels, bao gồm Sách Trắng Quốc phòng (công bố tháng 3 vừa qua), Liên minh Sẵn sàng ứng phó (cũng được công bố tháng trước) và sắp tới là sáng kiến "Lá chắn Dân chủ", với mục tiêu bảo vệ châu Âu trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
ProtectEU đặt mục tiêu xây dựng một châu Âu an toàn hơn thông qua 5 trụ cột hành động chủ đạo, gồm củng cố năng lực an ninh nội khối; tăng cường khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa và hành vi thù địch, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ hạ tầng trọng yếu và an ninh mạng; siết chặt mạng lưới đối phó với tội phạm có tổ chức; thiết lập hệ thống giám sát tài trợ khủng bố bao phủ toàn EU, gồm các giao dịch nội khối, thanh toán trực tuyến...; và xác định vai trò toàn cầu của EU trong lĩnh vực an ninh, qua đó định vị EU như tác nhân an ninh có ảnh hưởng quốc tế.
Phó Chủ tịch EC, bà Henna Virkkunen, đã mô tả chiến lược này là "một phản ứng toàn diện đối với các mối đe dọa an ninh nội địa có nguồn gốc từ con người", bao gồm khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng. Bà nhấn mạnh rằng an ninh đóng vai trò then chốt không chỉ trong việc bảo vệ các giá trị nền tảng mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vượng kinh tế. EU cần một thái độ chủ động và quyết đoán để đối phó với những thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách Nội vụ và Di cư, ông Magnus Brunner, nhấn mạnh ProtectEU sẽ không chỉ thúc đẩy một nền văn hóa an ninh mới trong EU mà còn cung cấp cho các cơ quan thực thi pháp luật những công cụ hiệu quả hơn để dự đoán, ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa đối với an ninh nội địa. Cuối cùng, chiến lược ProtectEU không chỉ đơn thuần là một kế hoạch hành động về an ninh mà còn là bước đi quan trọng trong chiến lược dài hạn của EU nhằm xây dựng một liên minh có khả năng chống chịu cao và bảo vệ được các giá trị cơ bản của mình.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng để ngỏ một số vấn đề, mà một số chuyên gia ví đây như một "chiếc hộp Pandora" chứa đựng những cơ hội lớn lẫn rủi ro tiềm ẩn. ProtectEU không chỉ mang đến những công cụ mạnh mẽ giúp đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện hữu mà còn đặt ra câu hỏi về cách thức cân bằng giữa an ninh và quyền tự do cá nhân, giữa việc bảo vệ người dân và bảo vệ những giá trị mà châu Âu luôn tự hào.
Một trong những điểm nhấn của ProtectEU là tăng cường chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên EU với mục tiêu là xây dựng một môi trường an toàn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là liệu việc thu thập và chia sẻ thông tin trên diện rộng có đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư của công dân EU hay không. Đây là một thách thức lớn mà EU cần phải giải quyết để cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền tự do cá nhân.
Kể từ năm 2026, các quốc gia EU sẽ có thể sử dụng Hệ thống Thông tin Schengen (SIS) để báo cáo về các công dân ngoài EU có liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng, bao gồm cả khủng bố. Điều này cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ các nghị sĩ, như bà Saskia Bricmont thuộc Nhóm Xanh/ Liên minh Tự do châu Âu, người cho rằng việc tăng cường quyền truy cập vào dữ liệu của lực lượng thực thi pháp luật không thể thay thế được yêu cầu về nguồn lực con người và tài chính.
Một biện pháp quan trọng khác trong chiến lược ProtectEU là việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cho các cơ quan an ninh của EU, bao gồm Europol và Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển (Frontex). Lực lượng Frontex dự kiến sẽ được bổ sung lên tới 30.000 nhân sự và được trang bị công nghệ giám sát tiên tiến. Mục tiêu là cải thiện khả năng phát hiện và ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, đồng thời hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc trục xuất những công dân ngoài EU có nguy cơ gây ra mối đe dọa an ninh.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng vấp phải những quan ngại của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người nhập cư, cho rằng việc đầu tư mạnh vào các cơ quan bảo vệ biên giới mà thiếu chú trọng đến các chính sách nhân đạo sẽ dẫn đến gia tăng bất ổn và phân biệt đối xử với người nhập cư. Một số ý kiến cho rằng EU tiếp tục coi nhập cư như một mối đe dọa, thay vì nhận thức về vai trò của người nhập cư trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển xã hội.
EU lần lượt công bố Sách Trắng Quốc phòng, Liên minh Sẵn sàng ứng phó và ProtectEU trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng biến động, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền, đặt các nước EU trước một loạt thách thức và xáo trộn về an ninh cũng như kinh tế. EU đang phải đối mặt với một thực tế mới đầy rủi ro và bất ổn liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, căng thẳng địa chính trị gia tăng, nguy cơ rất đa dạng từ thảm họa thiên nhiên và tai nạn công nghiệp, chiến tranh điện tử, khủng bố, tội phạm có tổ chức và tội phạm mạng....
Trong khi đó, một nghiên cứu công bố năm ngoái chỉ ra những lỗ hổng của EU trong việc ứng phó với các thách thức an ninh, bao gồm cách tiếp cận rời rạc trên toàn khối, thiếu khả năng sẵn sàng ứng phó và chưa đủ năng lực chống chọi. Cho đến nay, việc đảm bảo an ninh có lẽ vẫn là câu chuyện đơn lẻ của từng quốc gia dù EU đã có khá nhiều công cụ nhằm triển khai các hành động tập thể vì mục tiêu an ninh chung.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về sự cần thiết phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn trong vấn đề an ninh, nói cách khác là tự chủ về an ninh. Bởi vậy, dù vẫn còn nhiều tranh cãi, song rõ ràng ProtectEU cùng với các chiến lược khác thể hiện quyết tâm của EU trám những lỗ hổng an ninh trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn.