Trăm năm bốc thuốc xông hơi
Hơn 30 năm bốc thuốc xông hơi là ngần ấy thời gian bà Út Xê (Nguyễn Thị Xê, 64 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) đã níu giữ 'hồn nghề' gia truyền của cha ông thuở trước.
Nghề gia truyền
Cơn mưa chiều sụt sùi, bà Út Xê ngồi bên góc chợ Mỹ Long. Chợ họp, tan, rồi thưa dần theo từng hạt mưa, bà Út ngồi đợi khách hốt thuốc xông hơi cho tới tận đêm. Nhiều đêm khuya, có khách đến đột ngột cần mua thuốc xông, bà Út lật bật bốc từng thang thuốc. Làm nghề này không chỉ kiếm thu nhập qua ngày mà phải đặt tính nhân văn lên trên hết. Bà Út Xê chậm rãi: “Có người đi ghe, tàu ban đêm trúng gió hay chạy "xe ôm" cảm mạo đột ngột tìm tới, tôi vẫn chịu khó bốc thuốc cho họ xông”.
Thời gian như thoi đưa, cái chợ đổi thay theo nhịp đập thời gian, riêng nghề bốc thuốc xông hơi của bà Út Xê vẫn vậy. Bà Hoàng (62 tuổi), chủ tiệm cơm gần đó chia sẻ, chợ đổi thay rất nhiều, nhưng nghề bốc thuốc xông hơi của bà Út Xê vẫn tồn tại theo năm tháng. “Thuở nhỏ, bà rất khổ. Lớn lên, khi lấy chồng cũng theo nghề gia truyền bốc thuốc. Về sau, chồng mất sớm, bà ở vậy bán thuốc xông hơi để nuôi con. Hiện tại, hoàn cảnh bà Út Xê gặp rất nhiều khó khăn” - bà Hoàng thiệt tình.
Bà Út Xê bên sạp thuốc nam
Theo những tiểu thương lớn tuổi ở đây, ngày trước tại khu vực chợ Mỹ Long có 4-5 hộ chuyên bốc thuốc nam xông hơi cho người dân. Sau này, nhiều người đã bỏ nghề, chuyển sang tìm công việc khác để mưu sinh. Tính đến nay, nghề bốc thuốc xông hơi được lưu truyền trên trăm năm. Bà Út Xê vừa bốc thuốc cho khách, kể rằng: “Ông cố của tôi hành nghề đông y, truyền lại cho thế hệ con cháu sau này. Dạo trước, cha tôi hành nghề y rất giỏi, bà con đến khám bệnh, hốt thuốc nam rần rần”.
Hiện nay, nhiều thầy thuốc nam “cố cựu” đã mất hoặc bỏ nghề, tại chợ Mỹ Long chỉ số ít người còn sót lại bán thảo dược xông hơi như: bà Út Xê, bà Bảy Phát. Mỗi lần, ngang qua chợ Mỹ Long, người ta dễ dàng bắt gặp “quầy thuốc” của bà Út Xê, bà Bảy Phát, với hàng trăm thứ thảo dược chất đống ở đó. Hiện nay, bà Út Xê đang thuê một căn nhà cạnh chợ Mỹ Long để trữ thuốc. Bà Út Xê tâm sự: “Cuộc sống quá vất vả! Hàng tháng, số thuốc bán được không đủ chi phí để trả tiền thuê nhà cho người ta. Tôi cần sự hỗ trợ để tiếp tục duy trì cái nghề của cha ông thuở trước”.
Vẫn còn người chuộng thảo dược xông hơi
Thật lạ, trong khi nền tây y phát triển vượt trội thì những thứ thảo dược xông hơi vẫn được coi là biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lý tưởng. Hôm đứng đợi bà Út Xê bốc thang thuốc, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân đến mua thảo dược về xông hơi. Bà Út Xê xởi lởi: “Trời nóng nực hay mưa dầm, nhiều người bị cảm mạo. Họ vừa uống thuốc, vừa xông hơi điều trị khỏi cảm cúm rất nhanh”. Hàng trăm thứ thuốc được bà Út Xê chất đống tại một góc chợ làm cho chúng tôi thấy ngộp, nhưng bà Út Xê vẫn nhớ như in từng loại thảo dược.
Thông thường, nguồn thảo dược được bà Út Xê thu mua từ những hộ sơn dân vùng Bảy Núi. Khi hỏi về “phố thuốc núi” với vô số cây thuốc quý tại dốc Nhà Bàng (Tịnh Biên), bà Út Xê tỏ ra am tường. “Hiện nay, nguồn thuốc núi khá phong phú. Từ thời cha ông của tôi đã đến dốc Nhà Bàng và lên núi Cấm để sưu tầm dược liệu. Bây giờ, mỗi tháng tôi cân hàng trăm ký thuốc núi để hốt cho bà con ở TP. Long Xuyên”. Ngày nay, xông hơi giải cảm là một phương pháp chữa bệnh cổ truyền dân tộc, có tác dụng giải biểu, chữa các chứng ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt, khi bệnh mới nhiễm. Do đó, những “kỳ hoa dị thảo” vùng Bảy Núi vẫn được mọi người sử dụng như một liệu trình chữa bệnh hiệu quả.
Bà Út Xê cho biết, các thảo dược dùng trong nồi xông giải cảm phải theo toa như: lá sả, vỏ bưởi thái mỏng, ngải cứu, bồ bồ, nhân trần, lá khuynh diệp. Nếu không có khuynh diệp có thể dùng lá bạc hà, cúc tần, lá dâu, hương nhu hoặc lá bạch đàn… Bà Út Xê hướng dẫn cách nấu nước xông hơi tại nhà, cuộn tất cả các loại thuốc cho vào nồi đất đậy thật kín (hoặc nồi nhôm), đổ nước đun sôi khoảng 15 phút. Sau đó, đặt nồi nước xông trong phòng kín gió. Người bệnh trùm mền cho kín người và nồi thuốc xông. Sau đó, mở nắp vung he hé tránh hơi nước xông mạnh vào mặt. Cứ thế, cho hơi nước nóng phả vào đầu, mặt, cổ, tay, chân. Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 15 phút là vừa, bỏ mền lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch (trong phòng kín gió)…
Ngày nay, khi người ta uống nhiều thuốc tây y sợ tác dụng phụ gây hại sức khỏe thì phương pháp xông hơi kết hợp với uống thuốc vừa mau hết bệnh, vừa an toàn và hiệu quả.
Bài, ảnh: THÀNH CHINH
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/tram-nam-boc-thuoc-xong-hoi-a249542.html