Trăm năm cốt cách Sài Gòn

Sài Gòn – TP.HCM vẫn luôn tồn tại hai điều không thể tách rời. Đó là sự phát triển không ngừng của một đại đô thị bậc nhất nước, và sự tử tế với những cũ càng xưa xa của văn minh phố thị.

1. Ngày 30/3/2025, chợ Tân Định được TPHCM trao quyết định công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố. Có thể nói, đây là ngôi chợ gói trọn trăm năm nếp sống của thị dân đất này. Từ người bán đến người mua, qua bao biến thiên dâu bể của thời cuộc, vẫn giữ được cốt cách chợ búa đô thành.

Chợ Tân Định những năm 1940

Chợ Tân Định những năm 1940

Chợ Tân Định có tiền thân là chợ Phú Hòa (thuộc thôn Phú Hòa cũ), đến năm 1926 Hội đồng thành phố Sài Gòn đã chi 110.000 đồng Đông Dương để xây dựng lại chợ và đổi tên thành chợ Tân Định. Chợ được Công ty xây dựng của Pháp, Socíeté Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC), thiết kế và thi công, có 8 cửa ra vào, với 3 tháp chuông, một tháp nằm giữa và 2 tháp nằm hai bên. Tháp chuông trung tâm vẫn giữ nguyên quả chuông cổ và đồng hồ xưa trên cổng chợ đến bây giờ.

Hồi nội tôi còn sống, hay nhắc về khu chợ này bởi thời trai trẻ của ông, muốn tìm mua đồ chất lượng “Tây”, “mô-đen” nhất thì dân Sài Gòn tìm ngay đến chợ Tân Định. Tỷ như, nơi khu Tân Định có tiệm giày Trinh trứ danh cả Nam Kỳ Lục Tỉnh, với độ đẹp, bền và sang chảnh bậc nhất thời đó. Hay như kiếm hiệu cà phê chuẩn vị Pháp thì chỉ có khu chợ này với các hiệu Jean Martin, Meilleur Gout.

Dân chơi Sài Gòn thời đó ví von khu chợ Tân Định như là nơi tập trung của những ai hào hoa, phong nhã và chất lừ nhất của đất này. Thời đó, dọc đường Hiền Vương, tức đường Võ Thị Sáu bây giờ, khúc chợ Tân Định là những cửa hiệu làm tóc hợp mốt nhất. Chính từ những cửa hiệu này mà dân “Hòn ngọc Viễn Đông” có những kiểu đầu thời thượng nhất.

Nết bán buôn của thị dân đất này kỳ thực cũng lạ đời. Khu Tân Định cũng nổi tiếng bởi lối bán như chơi của tiệm bánh xèo ở đường Đinh Công Tráng nổi tiếng từ trước năm 1975 và giờ vẫn nườm nượp khách. Hoặc như cái xe chè của người đàn ông “chảnh” nhất Việt Nam, chỉ bán từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều trong một cái xe nhỏ dựng bên vỉa hè đường Nguyễn Phi Khanh, nhưng ai đã ăn chè ông thì không thể không tấm tắc rằng chưa một người nào nấu chè ngon như thế.

Một góc chợ Tân Định

Một góc chợ Tân Định

Mà nhắc đến cửa hiệu kỳ cựu khu này thì phải nhắc đến tiệm thuốc Bắc của một người bốc thuốc gia truyền từ thời Pháp, hiện phát triển thành một cửa hiệu bề thế ngay góc đường Lý Chính Thắng. Trên đường Nguyễn Hữu Cầu, vẫn còn tồn tại nhiều tiệm tạp hóa truyền thống đã qua nhiều thế hệ, nơi những người chủ giữ nguyên nét bán hàng đậm chất Sài Gòn: chân thật và uy tín.

2. Có lần ngồi cùng Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, chị nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, một trong những người dành rất nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu về lịch sử đô thị, tính cách, lối sống của cư dân Sài Gòn. Chị bảo sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa...

TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: Minh Hòa

TS Nguyễn Thị Hậu. Ảnh: Minh Hòa

Từ những con người của Sài Gòn và sống - ở - Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự đa dạng của văn hóa Sài Gòn.

Riêng với nhà thơ Bùi Chí Vinh, một người có thể nói là dân Sài Gòn chánh gốc bởi cả gia đình anh nhiều thế hệ đã sống cạn cùng yêu thương với mảnh đất này thì đúng là việc nhập cư cũng tạo ra nhiều góc cạnh phong phú.

Xưa người Nam Bộ chỉ biết sống “thẳng như ruột ngựa”. Khi người Bắc vào, người Sài Gòn bắt đầu sống có chiều sâu, suy nghĩ trong mọi hành động; khi người Trung vào, người Sài Gòn biết cách tằn tiện hơn. Người Sài Gòn đang hấp thụ tất cả văn hóa vùng miền. Bất kỳ thời kỳ nào, những người mới tới đều mang theo sinh khí mới. Xưa nay đã chứng minh, Sài Gòn là nơi không dễ chấp nhận cái “không hay” của những người thuộc địa phương khác. Ban đầu phong cách của họ thường hay khó coi với người Sài Gòn, nhưng dần dà “hồn” Sài Gòn sẽ làm cho họ thay đổi.

TP.HCM những năm 1990

TP.HCM những năm 1990

3. Vừa rồi, tôi ghé thăm cô Sáu Thảo, vào những ngày đầu hạ, khi nắng hươm vàng phố xá Sài thành. Cuộc trò chuyện cùng nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Thị Thảo loanh quanh câu chuyện của 50 năm ngày non sông nối liền một cõi. Cô Sáu Thảo chính là tổ trưởng của Cụm điệp báo số 6, phụ trách mạng lưới 60 chiến sĩ tình báo hoạt động trong nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn trong những năm đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17.

Cô Sáu Thảo. Ảnh: Quang Vinh

Cô Sáu Thảo. Ảnh: Quang Vinh

Cả gia đình với 6 người hy sinh cho cuộc vệ quốc từ chống Pháp đến chống Mỹ, nên mới 16 tuổi, cô nối bước những người anh mình thoát ly đi theo tiếng gọi của con tim. Hai lần bị địch bắt, cô vẫn kiên cường chịu đựng đòn roi tra tấn. Có lần tưởng cô chết, chúng vứt xác ra khu đồng cỏ của trại giam, may nhờ các nữ tù chính trị tìm mọi cách hồi sinh cho cô. Sống lại, và kiên cường hơn bao giờ hết.

Thậm chí có lần, người nữ điệp báo xém chút nữa bị bọn địch làm nhục, may nhờ cơ sở hết lòng che chở cứu mình trong gang tấc. Ngày giải phóng, cô tất tả chạy đến các cơ sở trong mạng lưới để thăm từng đồng đội của mình. Khoảnh khắc đó, họ đã ôm nhau, hứa với nhau về những tương lai tận hiến sức mình cho sự kiến thiết lại đất nước. Với nữ đại tá điệp báo, ngày 30/4 khi ấy đời cô mới bắt đầu sự sống mới.

TP.HCM những năm 1990

TP.HCM những năm 1990

Cô cũng chính là người đặt những nền móng đầu tiên để phát triển du lịch TP.HCM, với vai trò Giám đốc sở du lịch vào thập niên 90, khi được biệt phái từ Công an sang. Từ việc tìm kiếm rồi đi xin trụ sở đầu tiên của Sở du lịch đến tổ chức các lớp tập huấn An ninh du lịch và những cơ chế, chính sách để đưa du lịch TP.HCM phát triển trở thành điểm sáng những năm đầu đất nước hòa nhập cùng sự phát triển của thế giới.

Cho đến ngày nghỉ hưu, cô Sáu Thảo vẫn miệt mài bước chân tình nguyện tìm về những vùng miền còn khó khăn để hỗ trợ và chia sẻ. Gần 1000 ca mổ mắt; hơn 200 chiếc xe lăn cho các thương phế binh và người khuyết tật; 8 căn nhà tình nghĩa; dựng bia tưởng niệm các chiến sĩ trận vong, các du kích chống càn… đó là những con số mà cô Sáu Thảo chưa thể nhớ hết. Nhưng, cứ còn có thể đi được là cô sẽ còn làm, làm để trả ơn cuộc đời và non sông đã cho cô một cuộc sống bình yên như ngày hôm nay.

4. Những ai ở thành phố này, hoặc chí ít đã đến với thành phố này đều biết ở Bưu điện TP.HCM có ông cụ ngồi viết thư tay xuyên hai thế kỷ. Hình ảnh cái bàn gỗ bên góc phải của Bưu điện với ông cụ cần mẫn giấy bút, kính lúp, và cuốn từ điển luôn cuốn hút bất cứ người nào ghé đến tham quan. Lắm khi họ bu đông quanh ông chỉ để lưu lại những cảm xúc đẹp với ông cụ duy nhất còn sót lại trong 6 người làm nghề này tại TP.HCM.

Cụ Dương Văn Ngộ, người viết thư tay lâu năm nhất của Bưu điện TP.HCM

Cụ Dương Văn Ngộ, người viết thư tay lâu năm nhất của Bưu điện TP.HCM

Phố xá thị thành hối hả nhịp hiện đại, ngỡ như email sẽ thay dần thư tay, nhưng may thay vẫn có những con chữ thương quý này gìn giữ một điều gì đó cũ càng nhưng đầy tử tế. Ba chục năm trời, con chữ của ông đã chuyên chở những niềm thương nỗi nhớ cho bao thân phận chia cách, ly hương, bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh.

Cũng ngần ấy năm của thăng trầm lịch sử thành phố này, người đàn ông ấy kết nối được những mối thâm tình tưởng chừng khác biệt ngôn ngữ sẽ chẳng thể giữ lấy. Nhiều lắm những thương yêu từ con chữ của ông đã khiến cho Sài thành thêm một nét đẹp trong cái nhìn của nhiều bè bạn quốc tế. Mãi tận chín mươi tuổi, ông cụ mới chịu ngừng con chữ yêu thương của mình lại.

Hôm cụ Ngộ mất, trên cái bàn ông hay ngồi viết thư tại Bưu điện TPHCM, người Sài Gòn để những hoa trắng lên, như một yêu thương tiễn ông về miền an lạc. Thành phố này dễ thương quá chừng. Thương như kiểu từ trong tâm khảm ruột rà thương ra. Thương bằng những điều nhỏ nhoi nhưng đong đầy sự kính trọng. Những bó hoa trắng có thể đến từ những người ông đã giúp họ chuyển tải chữ thương ngày xưa, hay cũng có khi từ những bạn bè làm chung, hoặc có thể là một người thành phố nào đó. Giữa liến xáo thị thành những bông hoa trắng chợt sáng ngần điều nghĩa nhân.

Tôi nhớ những ngày Sài Gòn ngoan cường chiến đấu trước cơn đại dịch lan nhanh, sâu và rộng trên khắp địa bàn thành phố. Những tưởng sẽ là một Sài Gòn im ắng khắc khoải nhưng không, Sài Gòn vẫn hát. Từ trong tâm dịch, Sài Gòn luôn biết cách động viên và chung lòng cùng nhau lan tỏa một thông điệp vững tâm bất khuất.

Sài Gòn vẫn hát: "Dòng máu nối con tim đồng loại…dựng tình người trong ngày mới...". Tiếng hát vọng vang khí thế ấy bắt nguồn từ các bệnh viện thu dung đang điều trị cho các bệnh nhân dương tính covid-19. Có thể họ là chánh dân của thị thành này, cũng có thể họ là lưu dân tứ chiếng, bôn ba xa xứ tìm về mảnh đất này mưu sinh. Nhưng lúc bây giờ, họ chung một chiến trận, từng ngày phải chống chọi với căn bệnh.

Ngay thời khắc nguy biến của đời mình, họ đã hành động như thế, mạnh mẽ và kiên cường hơn bao giờ hết. Từ 19h đến 21h mỗi đêm các bệnh nhân của bệnh viện dã chiến thu dung đều đổ ra ban công hô vang "cám ơn bác sĩ, tình nguyện viên cố lên". Họ vỗ tay vang rền từng hồi. Cả không gian chừng như vỡ òa bởi mấy ngàn con người đều dùng ánh đèn flash của điện thoại hướng về tòa nhà trung tâm của đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên. Đêm trong khu điều trị chẳng cần sao, bởi nó lấp lánh thứ ánh sáng của lòng tri ân.

Từ những “Nối vòng tay lớn”, “Niềm tin chiến thắng”, “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”, “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, tiếng ca tiếp nối tiếng ca, tình người lay động tình người. Nghĩa đồng bào thời khắc ấy, chính là chiếc chìa khóa để chúng ta tạo thành trì vững tâm đương đầu với cơn nguy biến.

Mảnh đất lành này muôn đời vẫn dang rộng vòng tay yêu thương. Cứ đến và ở lại với Sài Gòn, trăm năm xứ này vẹn nguyên một cốt cách.

Tống Phước Bảo

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/tram-nam-cot-cach-sai-gon-c8a96069.html