Trăm năm nền đạo trên đất thánh Tây Ninh Bài 1: Lần về ký ức

Trăm năm mới có ngày này, đối với người dân vùng trung tâm nền tôn giáo nội sinh ở nước ta, đây là sự kiện tín ngưỡng có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết.

Những ngày giữa tháng 10 âm lịch năm Giáp Thìn, trùng hợp với ngày của tháng 11.2024, các khu dân cư đông đúc thuộc thị xã Hòa Thành và thành phố Tây Ninh nhộn nhịp hẳn lên. Trong khu vực nội ô Tòa thánh, tổ đình của tôn giáo Cao Đài càng tấp nập hơn với công việc chuẩn bị tiến hành cuộc lễ kỷ niệm 100 năm hoằng khai Đại đạo.

Trăm năm mới có ngày này, đối với người dân vùng trung tâm nền tôn giáo nội sinh ở nước ta, đây là sự kiện tín ngưỡng có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết. Thông tin về sự kiện này- từ các phương tiện truyền thông chính thống đến vô số các nền tảng truyền thông xã hội- cũng ngập tràn trên các trang tin, video clip.

Múa lân trước Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch, năm 2023.

Múa lân trước Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch, năm 2023.

Không những người dân địa phương mà hàng triệu du khách mỗi năm đến Tây Ninh vào các dịp lễ hội tâm linh ở Tòa thánh Cao Đài, núi Bà Đen, đi qua những đường phố đan nhau như ô bàn cờ và gần như không còn nhà tạm bợ, chắc chắn không ai hình dung được nơi ấy ngày trước như thế nào.

Tuy nhiên, với những thiết bị phương tiện cực kỳ hiện đại nằm gọn trong lòng bàn tay mỗi người của kỷ nguyên thông tin “thời 4.0”, mọi người có thể dễ dàng tìm đọc rất nhiều tài liệu về chuyện 100 năm trước của thời mới khai mở tôn giáo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh, miền Nam nước Việt Nam.

Phối sư Ngọc Hồng Thanh giới thiệu kiến trúc Tòa thánh với nhiều tầng ý nghĩa để du khách hiểu hơn về đạo Cao Đài Tây Ninh.

Phối sư Ngọc Hồng Thanh giới thiệu kiến trúc Tòa thánh với nhiều tầng ý nghĩa để du khách hiểu hơn về đạo Cao Đài Tây Ninh.

Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguồn gốc ra đời của đạo Cao Đài nói riêng, của một số tôn giáo mới tại Nam bộ nói chung đến từ nguyên nhân địa văn hóa - chính trị tại vùng đất “mở” Nam bộ.

Đây là vùng đất đón nhận rất nhiều thành phần dân cư từ các nơi khác đến sinh sống, tiếp nhận cả ảnh hưởng văn hóa của người Minh Hương, người Pháp, trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn của người Việt, người dân tộc thiểu số bản địa.

Bên cạnh đó, trong phong trào dân tộc dân chủ nở rộ đầu thế kỷ XX, nhiều người tìm đến tôn giáo, dùng tôn giáo như một công cụ đấu tranh chống thực dân, hoặc làm chỗ dựa tinh thần trước những bấp bênh của thời cuộc.

Đạo Cao Đài chịu ảnh hưởng từ tư tưởng tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Lão cùng chung một gốc) kết hợp với tục lệ tâm linh (cầu hồn, cầu tiên) vốn khá phổ biến ở Nam bộ. Tại Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự thâm nhập của Ngũ chi Minh đạo (Minh Sư, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Đường, Minh Tân) từ Trung Quốc, kết hợp với phong trào Thông linh học được du nhập từ phương Tây đã nhanh chóng hòa nhập thành phong trào cầu cơ, chấp bút (thường gọi là cơ bút). Phong trào này trực tiếp ảnh hưởng đến một bộ phận tư sản, địa chủ, tiểu tư sản công chức của Pháp tại Nam bộ, đưa đến sự ra đời của đạo Cao Đài…

Phương thức truyền giáo của Cao Đài là đề cao tinh thần dân tộc, khai thác triệt để sự huyền bí của cơ bút để thu hút người theo đạo, chú trọng lôi kéo các địa chủ, kỳ hào vùng nông thôn, các công chức, trí thức ở thành phố theo đạo; tận dụng vị thế của các chức sắc là công chức, quan lại, giới thượng lưu để vừa thu hút tín đồ, vừa tăng cường quan hệ với chính quyền Pháp thuộc để có chính sách cởi mở với đạo Cao Đài.

Từ thời điểm đạo Cao Đài chính thức thành lập tôn giáo vào ngày Rằm tháng Mười năm Bính Dần, nhằm ngày 19.11.1926 đến nay tính ra chưa tròn 100 năm. Tuy nhiên, theo cách tính của các vị nghiên cứu lịch sử nền đạo này, đồng thời dựa trên tài liệu văn bản lâu năm nhất của đạo Cao Đài còn lưu giữ được, thời điểm đạo xuất hiện được xác định là khi các bậc tiền bối của đạo gồm các ông Phạm Công Tắc (phẩm chức: Hộ pháp), Cao Quỳnh Cư (phẩm chức: Thượng phẩm), Cao Hoài Sang (phẩm chức: Thượng sanh) “tiếp xúc” với “đấng thiêng liêng tối cao là Đức Chí Tôn” và vâng mạng lịnh bắt đầu đi truyền đạo cho nhiều người khác (hầu hết là những người có địa vị cao trong xã hội miền Nam) vào năm 1925.

Về mặt văn bản, theo sách Tự điển Cao Đài của tác giả Đức Nguyên (bút danh của vị chức sắc là Hiền tài Nguyễn Văn Hồng), tài liệu lâu năm nhất của nền đạo là bản “Sớ văn” của vị Thái Đầu sư Thái Thơ Thanh, cùng người “bạn đời” của ông là Nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh (hai vị này đã ứng tiền để Hội thánh ban đầu mua khu rừng rộng 96 ha xây dựng nên khu nội ô Tòa thánh ngày nay).

Sớ văn dâng lên Hội thánh và Đức Chí tôn trên trang đầu có ghi đạo hiệu Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (Đệ lục niên) tức là “năm thứ sáu”. Dòng đầu Sớ văn ghi ngày dâng sớ là mùng 2 tháng Giêng năm Tân Mùi, tức năm 1931. Như vậy, tác giả Đức Nguyên xác định cách tính năm đạo lấy mốc đầu tiên là năm 1925.

Do đó, từ sau ngày Rằm tháng 10 năm Giáp Thìn (2024) bắt đầu tính năm đạo của đạo Cao Đài (kể cả các tổ chức Cao Đài khác được Nhà nước công nhận, thường gọi là “chi phái Cao Đài” ở các tỉnh, thành trong nước) là “Đệ bách niên” tức “năm thứ 100”.

Những ngày này, ai có vào trang web của Hội thánh (http://caodai.com.vn) sẽ đọc được chương trình lễ kỷ niệm 100 năm ngày hoằng khai Đại đạo và lễ hạ nguơn năm Giáp Thìn 2024. Theo đó, cùng với phần lễ nghi tôn giáo còn có phần hội với các tiết mục văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc đặc sắc- nhất là màn múa “rồng nhang” rất độc đáo mà khách thập phương đã hâm mộ từ nhiều năm qua. Năm nay, múa “rồng nhang” được “nâng cấp” thành “song long” với một đôi rồng đã có dịp trình diễn trong đại lễ Hội yến Diêu Trì cung, Rằm tháng Tám năm Giáp Thìn - 2024 vừa qua.

Tấn Hùng - Khải Tường

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-lan-ve-ky-uc-a181461.html