Trăm ngàn mối lo khi trẻ bỗng dưng biếng ăn
Ở nước ta cho đến nay chưa có thống kê cụ thể nhưng cũng đã có những nghiên cứu về vấn đề biếng ăn ở trẻ. Kết quả một số nghiên cứu ghi nhận, ở các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ biếng ăn càng cao. Tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trẻ biếng ăn, nguyên nhân vì sao?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biếng ăn như: trẻ bị ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hóa nên phải dùng kháng sinh điều trị gây loạn khuẩn đường ruột; do tâm lý (căng thẳng, sợ hãi khi đến bữa ăn, thức ăn không phù hợp sở thích); hoặc thiếu các dưỡng chất cần thiết (vitamin B, C, D, đạm, lysin, sắt, kẽm...); hay biếng ăn do sinh lý (thường xuất hiện vào các thời điểm có những thay đổi sinh lý trong cơ thể trẻ như mọc răng, tập đi, tập nói...); và bẩm sinh (chiếm 5% trong tổng số các bé).
Dù đây là vấn đề phổ biến ở trẻ dưới 6 tuổi, nhưng lại khó nhận diện do nhiều phụ huynh nhầm lẫn với tình trạng kén ăn. Song kén ăn chỉ là bé không thích ăn một số món đặc biệt nào đó không hợp với khẩu vị của mình, nhưng những thức ăn khác thì bé vẫn ăn được bình thường.
Trong khi đó, trẻ biếng ăn có biểu hiện đa dạng hơn như bé không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút/bữa; ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi; ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt; bé từ chối không chịu ăn, đến bữa giả vờ đau bụng, muốn ói… để có lý do không ăn hoặc kết thúc bữa ăn; không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền, hoặc trẻ hay bị táo bón hoặc đi ngoài lượng phân ít hơn bình thường.
Trăm ngàn mối lo khi trẻ bỗng dưng biếng ăn
Biếng ăn tưởng chừng như vấn đề nhỏ nhưng hệ quả lại không hề nhỏ. Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng, biếng ăn chỉ ảnh hưởng đến thể trạng của bé như chậm tăng cân, chiều cao, thực tế hậu quả còn nguy hiểm hơn nhiều như rối loạn tăng trưởng, dễ mắc các bệnh mạn tính, lâu dài ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
Ban đầu, biếng ăn chỉ dẫn tới sụt cân nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ, khiến trẻ đánh mất nhiều cơ hội so với bạn bè cùng trang lứa.
Hơn nữa, khi trẻ biếng ăn cơ thể không được cung cấp đa dạng các nhóm thực phẩm nên không nhận đủ năng lượng, thiếu nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin E, vitamin C, Calcium, Magie và chất xơ, sắt, kẽm, dẫn đến hậu quả suy dinh dưỡng, tầm vóc nhỏ bé, và sức đề kháng của trẻ suy giảm, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, dần rơi vào vòng xoáy bệnh lý. Số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia chỉ rõ, khi sức đề kháng kém, trẻ ăn không đủ dưỡng chất có số ngày bị bệnh nhiều hơn 29%, nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên nhiều hơn 45%.
Thiếu vi chất có thể gây ra thiếu máu do thiếu sắt, acid folic, B12 ảnh hưởng đến chất lượng sống, trẻ học kém tập trung và IQ thấp. Đó là chưa kể, trẻ biếng ăn còn bị rối loạn về mặt cảm xúc, do áp lực nhồi nhét thức ăn từ cha mẹ. Để trốn tránh, trẻ thường xuyên giả vờ bị đau bụng, buồn nôn. Lâu dần sẽ trở thành phản xạ tự nhiên khi thấy thức ăn. Lúc này, trẻ không chỉ bị tổn thương tâm lý mà còn dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa, điển hình như đau dạ dày.
Tình trạng biếng ăn không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ mà còn gây căng thẳng và lo lắng cho người chăm sóc và các thành viên khác trong gia đình. Bố mẹ càng cố cho con ăn bằng mọi cách mà con không chịu ăn, hoặc bữa ăn kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ sẽ khiến cha mẹ càng mệt mỏi, căng thẳng, dễ nổi cáu.
Giải pháp nào cho cha mẹ khi trẻ biếng ăn?
Đối với biếng ăn, không có công thức chung nào đúng với trẻ. Chỉ khi tìm được đúng nguyên nhân, cha mẹ mới có thể khắc phục thành công chứng biếng ăn cho con. Vì thế, khi có các dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ để tìm ra giải pháp phù hợp.
Song song đó, để mỗi bữa ăn không phải là cuộc chiến mà là một trải nghiệm ẩm thực của tuổi ấu thơ, mẹ hãy dành thời gian thay đổi cách chế biến, đa dạng món ăn để tạo cảm giác thích thú giống như trẻ được nhận một món đồ chơi mới mỗi ngày.
Một món ăn được trang trí bắt mắt sẽ khiến tâm trạng người thưởng thức hứng thú hơn và tạo cảm giác muốn thử ngay, con trẻ cũng vậy. Mỗi đứa trẻ sẽ có một nhu cầu, sở thích và khẩu vị khác nhau, vì thế hãy khéo léo dựa trên sở thích của con để chế biến những món ăn phù hợp.
Mặt khác, khi bé mới tập ăn dặm, mẹ cần thiết lập quy tắc bàn ăn: không tivi/điện thoại/ipad - không đi rong - không đồ chơi. Khi trẻ đã ngồi vào bàn ăn, cần tập trung vào các món ăn và bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. Một điều quan trọng nữa là cần xóa bỏ thói quen tìm mọi cách để “ép” con ăn.
Trong bữa ăn, mẹ nên khen ngợi và khuyến khích thật nhiều, dù trẻ chỉ ăn được một lượng thức ăn nhỏ, nhưng trẻ sẽ tự tin và thích thú hơn với việc ăn uống.
Bên cạnh đó, mẹ có thể bổ sung thêm các vi chất cho trẻ biếng ăn, kém hấp thu. Nên chọn sản phẩm có sự kết hợp giữa L-Lysine cùng 17 loại vitamin và khoáng chất giúp trẻ tăng hấp thu, tăng trưởng bền vững, không “phát phì” khi sử dụng và trở về trạng thái còi cọc khi ngừng uống.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tram-ngan-moi-lo-khi-tre-bong-dung-bieng-an-n180319.html