'Trạm tóc ước mơ'- mang niềm tin đến với trẻ em ung thư
Xuất phát từ nguyện vọng của nhiều em nhỏ mắc căn bệnh ung thư tâm sự trong cuốn sách 'Em ước mong sao' là có mái tóc như bao bạn bè cùng trang lứa, chị Hoàng Thị Diệu Thuần, Giám đốc Mạng lưới Vì trẻ em ung thư và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp thực hiện dự án 'Trạm tóc ước mơ', nhằm kêu gọi mọi người hiến tóc và tặng tóc cho bệnh nhi ung thư.
“Trạm tóc ước mơ” được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 30/10 vừa qua là một câu chuyện đầy xúc động về tình yêu thương, sự sẻ chia dành tặng những mái tóc mượt mà cho các em bé đang kiên cường chống chọi với bạo bệnh.
“Con không muốn đầu trọc đâu”
Tôi gặp cô bé Nguyễn Gia Bảo Hân (7 tuổi, Nam Định) tại chương trình “Trạm tóc ước mơ” tổ chức lần đầu tiên tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Thoạt nhìn mái đầu trọc của bé, nhiều người không phân biệt được là trai hay gái. “Nhiều người cũng hỏi con như vậy, nên con rất muốn có một mái tóc xoăn dài ngang vai”, cô bé khao khát. Mẹ bé kể, trước khi nhập viện truyền hóa chất, tóc của Hân dài ngang vai. Nhưng, chỉ sau 3 lần truyền, tóc bé đã rụng hết.
Hân được phát hiện ung thư máu vào tháng 2/2019. Khi đó, bé được 4 tuổi, bỗng một ngày sốt cao, nổi hạch ở cổ. Chị Bùi Thị Kịm Thanh nhớ lại: “Tôi sinh đôi được Hân và một cháu trai, cả hai đều khỏe mạnh, hoạt bát, đáng yêu. Khi con sốt cũng nghĩ con chỉ ốm bình thường, lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ bảo viêm amidan nổi hạch, cho điều trị kháng sinh. Nhưng, nhiều ngày uống thuốc vẫn không cắt được sốt. Lo lắng, tôi cho con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Làm xét nghiệm máu, bác sĩ phát hiện con bị ung thư máu. Tin này như sét đánh ngang tai, bàng hoàng, đau đớn khiến chúng tôi không vực dậy nổi”.
Hân được chuyển đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương điều trị. Từ tháng 2 đến tháng 9 cùng năm, cô bé truyền 5 đợt hóa chất. “Mỗi lần “đánh” thuốc, con mệt mỏi, sốt, nôn, không muốn ăn uống. Đó là những tháng ngày đau đớn đứt từng khúc ruột, thương con mà không chịu thay được cho con”, mẹ bé tâm sự. Ở bệnh viện về, nhìn mái đầu không có tóc của cô bé, các bạn đều hỏi: “Tóc của cậu đâu?”. Cô bé tủi thân lắm, chỉ ao ước tóc nhanh mọc. Chị Thanh mua tóc giả cho con nhưng tóc rất cứng, cô bé thường xuyên tháo ra.
Trong hơn 2 năm duy trì bệnh không tái phát, bé chỉ phải truyền hóa chất loại nhẹ 1 tháng/lần, sáng lên viện truyền, chiều lại về. Vì vậy mà sức khỏe của bé tốt hơn rất nhiều, tóc mọc dài ra, chị Thanh làm tóc xoăn cho con, rất đẹp. Kết thúc năm học lớp 1, cô bé đạt danh hiệu “Học sinh giỏi xuất sắc”. Háo hức chuẩn bị lên lớp 2,nhưng ai ngờ, vào dịp nghỉ hè, bé đi tái khám định kỳ, sau khi làm xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ báo tin dữ: “Có bạch cầu trong dịch não tủy, tế bào ung thư xâm nhiễm vào dây thần kinh trung ương”.
Bé lại phải nhập viện điều trị lần 2, từ tháng 7/2022 với phác đồ 3 tuần truyền hóa chất, nếu ổn được về nhà 1 tuần. “Mỗi lần về, con cùng mẹ đi đón em. Nhìn các bạn, con rất buồn vì không được đi học. Từ đầu năm tôi đã phải bảo lưu kết quả cho cháu”, mắt đỏ hoe, chị Thanh cho biết.
Cô bé tiếp nhận điều trị hóa chất 1 tuần/lần, thậm chí có đợt “đánh” 2 lần hóa chất liên tiếp nhưng bé vẫn kiên cường vượt qua. Khi bước lên sân khấu nhận mái tóc được hiến tặng, bé cười rất vui vẻ. Mái tóc ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh, làm cô bé xinh đẹp và đáng yêu vô cùng. “Con thích lắm”, cô bé vuốt mái tóc đẹp cười khẽ, thỏa mãn với mơ ước.
Cùng nhận tóc với Hân là bé Nguyễn Việt Phương (11 tuổi, Sơn La) bị ung thư máu vào điều trị từ tháng 9. Bà của bé chia sẻ: “Khi phát hiện bệnh, cháu đang học lớp 6, phải tạm nghỉ để đi điều trị. Sốc và bàng hoàng lắm cô ạ, đến giờ chúng tôi vẫn không tin đây là sự thật”.
Nước da tái xanh do truyền hóa chất, cô bé cao gầy, mái tóc chỉ còn lại lưa thưa. “Mỗi lần soi gương, con thấy mình một khác, con không muốn đầu trọc đâu”, Phương tâm sự. Chuyên gia tóc giúp cô bé thử 2 kiểu tóc giả, cuối cùng chọn ra mái tóc ngắn. Khi đội lên, mọi người đều trầm trồ khen ngợi. Cô bé bẽn lẽn nhìn diện mạo mới của mình, nói: “Mái tóc này rất hợp với con”.
Lan tỏa tấm lòng nhân văn
“Trạm tóc ước mơ” là ngày hội hiến tóc và tặng tóc cho trẻ em ung thư lần đầu tiên được tổ chức bởi Mạng lưới Vì trẻ em ung thư và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Chương trình nhận tóc hiến từ cộng đồng (hiến trực tiếp tại chương trình hoặc mang tóc đã được cắt từ trước) để hình thành nên những bộ tóc giả tặng cho các bạn nhỏ đang điều trị tại các cơ sở ung bướu.
Thạc sĩ Lý Thị Hảo, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, mỗi ngày viện có từ 1.100 - 1.200 bệnh nhân điều trị, trong đó có từ 20-25% là treẻm mắc bệnh máu di truyền và các bệnh máu khác. Với các em nhỏ bị ung thư máu, sau một thời gian điều trị hóa chất, đều bị rụng tóc. Có một mái tóc mới là mơ ước của rất nhiều trẻ em đang ngày đêm chiến đấu với căn bệnh hiểm ác.
Hiến tóc cho người bệnh ung thư là tâm nguyện của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi. Chương trình đã thu hút được gần 200 người đến hiến tóc, ai cũng muốn đóng góp một phần sức lực của mình trao tặng cho những em bé bị ung thư.
Là một người bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), Bùi Thị Lưu (26 tuổi, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) gắn bó với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ năm 2019 đến nay. Mỗi lần tới viện điều trị, Lưu lại tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhi. Cùng là người bệnh nhưng các em nhỏ hơn, hằng ngày chứng kiến mái đầu trọc của các em, Lưu rất buồn và thương, muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho các em. Cứ cách 1 đến 1,5 tháng,Lưu bắt xe từ Hòa Bình xuống Hà Nội để truyền 2 đơn vị máu và 6 chai thải sắt.
“Lần này nhập viện, em mới biết đến chương trình hiến tóc. Đang truyền thải sắt(mỗi lần truyền 8 tiếng), em đã dừng lại để xuống hiến mái tóc nuôi được 3 năm cho các em. Em chỉ mong tóc của mình giúp ích cho một em bé nào đó, để các em có thêm tự tin và động lực chiến đấu với bệnh hiểm nghèo”, Lưu nói.
Chị Hoàng Thị Đạt (32 tuổi, Yên Bái) là mẹ của bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Cậu con trai 5 tuổi của chị Đạt mới phát hiện bệnh ung thư máu một tuần nay, chị còn chưa hết bàng hoàng với tin dữ. Giữa nỗi đau ấy, chị lại càng đồng cảm khi nhìn thấy các em bé rụt rè với mái đầu trọc. Người mẹ với đôi mắt đỏ hoe khi nhắc đến căn bệnh mà con và các bạn đang phải chịu đựng, đã không ngần ngại cho đi mái tóc dài của mình, để giúp các bé có thêm nghị lực và niềm tin chiến đấu với bệnh.
Dự án chạm đến trái tim
Từng là bệnh nhân ung thư máu ở tuổi gần 20, sau 7 năm điều trị và chống chọi với căn bệnh hiểm ác, Hoàng Thị Diệu Thuần được biết đến là hiện tượng kỳ tích trong y học khi cô đã được các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ghép tế bào gốc thành công vào năm 2012. Gặp Thuần 10 năm sau ca ghép tế bào gốc, cô gái khỏe mạnh, xinh đẹp và có sức sống phi thường ấy đang ngày đêm làm việc thiện nguyện với nhiều dự án cho bệnh nhân ung thư.
Tham gia hoạt động tình nguyện từ năm 2016 đến nay nên Diệu Thuần rất thân thiết với các em nhỏ. Cô là người sáng lập Mạng lưới Vì trẻ em ung thư. Diệu Thuần đã có nhiều cơ hội được quan sát, trò chuyện, lắng nghe những tâm sự và câu chuyện của các bạn nhỏ. Sau khi nhận được sự đồng ý của các em và gia đình, Diệu Thuần và Mạng lưới Vì trẻ em ung thư quyết định thực hiện cuốn sách “Em ước mong sao”, ghi chép rất nhiều những tâm sự của các em nhỏ đang đối diện với căn bệnh ung thư hoặc các em có cha/mẹ bị ung thư.
“Có em tâm sự mong ước có tóc, không chỉ bé gái mà còn bé trai. Có bạn khóc rất nhiều, trước đây mái tóc đen mượt đến thắt lưng, mà nay đầu trọc. Có bạn rất buồn khi ra đường bị nhầm là con trai. Có em đi học hay bị các bạn trêu, các bạn cười khi nhìn thấy em không có tóc, có bạn không chơi với em...
Lắng nghe những tâm sự của các em, em ấp ủ một dự án làm thế nào để tạo nên bộ tóc ước mơ cho các bé. Có mái tóc sẽ giúp các em không chỉ giải tỏa về hình thức, mà quan trọng nhất còn hỗ trợ về tinh thần, giúp các em mạnh mẽ, tự tin, vui vẻ, ăn uống tốt, có sức khỏe để các bác sĩ điều trị cho các em tốt hơn”, Diệu Thuần tự tin cho biết.
Trao đổi ý tưởng với thạc sĩ Lý Thị Hảo và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, dự án “Trạm tóc ước mơ” đã ra đời.
“Sự lan tỏa của chương trình ngoài sức tưởng tượng, dự kiến chương trình có khoảng 50 người đến hiến tóc, nhưng không ngờ thu hút gần 200 người, có nhiều người ở xa như Bắc Ninh, Nam Định cũng đến. Kết thúc chương trình em vẫn nhận được rất nhiều cuộc gọi và phải hướng dẫn mọi người gửi tóc qua đường bưu điện”, Diệu Thuần hào hứng nói.
Tóc sau khi được hiến, chương trình sẽ giao lại cho đơn vị thiện nguyện là các nhà tạo mẫu, họ sẽ làm thành những bộ tóc giả mượt mà để trao tặng cho các bệnh nhi ung thư.
“Chúng tôi tin chắc rằng với sự chung tay của mọi người, đây sẽ là món quà giản dị mà ý nghĩa để mang lại nụ cười cho các em bé, cho các em có chất lượng sống như những em bé bình thường”, thạc sĩ Lý Thị Hảo tràn đầy hy vọng.