Trạm trộn bê tông không phép ở Phúc Thọ, Hà Nội: Xử lý sao?
Việc 'mọc' lên trạm trộn bê tông không phép, cần các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc xem xét, xử lý theo quy định.
Liệu có bao che?
Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin ở bài viết trước, bằng Hợp đồng thuê đất số 27/HĐ-TĐ ngày 8/6/2005 giữa cá nhân ông Đỗ Kim Hoàn (Cụm 3 xã Liên Hiệp, Phúc Thọ) với UBND huyện Phúc Thọ; và ngày 17/1/2019 lại xuất hiện tiếp hợp đồng thuê đất mới giữa ông Hoàn và công ty Việt Mỹ, một trạm trộn bê tông bề thế đã được phù phép “mọc chui”, hoạt động tấp nập giữa khu đất vốn được dùng cho việc mở xưởng sản xuất cơ khí.
Trong khi đó, đáng lẽ, doanh nghiệp phải được sự cho phép của các sở, ban ngành có liên quan, được sự đồng ý của UBND Tp Hà Nội…mới được đầu tư một trạm trộn bê tông.
Nhất là doanh nghiệp đó phải hoàn thành một loạt giấy phép con như quyết định phê duyệt dự án, các bản vẻ thiết kế kỹ thuật thi công, an toàn phòng cháy chữa cháy, bản vẽ công nghệ, giấy phép môi trường, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất dự tính xây dựng…
Ở xã Liên Hiệp, trạm trộn bê tông Việt Mỹ đã được chủ đầu tư lắp đặt hoàn chỉnh máy móc, băng chuyền, nhà điều hành... với hàng trăm lượt xe rầm rập ra vào mỗi ngày, không lẽ xã và huyện không biết?
Ngạc nhiên hơn nữa, là dù PV đã đặt lịch làm việc mong muốn tìm hiểu sự việc lạ lùng này từ rất lâu tại UBND xã Liên Hiệp cũng như UBND huyện Phúc Thọ, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có phản hồi.
PV tiếp tục liên hệ với ông Đỗ Kim Hoàn lẫn đại diện của công ty Việt Mỹ, nhưng vẫn chưa thể sắp xếp được 1 buổi làm việc làm rõ mọi chuyện.
Dư luận đặt nghi vấn, có hay không sự bao che, tiếp tay của chính quyền để sai phạm tồn tại công nhiên và thách thức pháp luật?
Nhà nước cần thu hồi diện tích đất đã giao cho cá nhân ông Hoàn?
Trao đổi với báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam, đoàn luật sư tp Hà Nội khẳng định, việc cá nhân ông Đỗ Kim Hoàn cho công ty Việt Mỹ thuê đất mở trạm trộn bê tông là làm trái với các quy định của pháp luật.
Trước hết, sự việc phải được sự đồng ý của chủ khu đất đó, ở đây là UBND huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, huyện lại không đủ thẩm quyền cho doanh nghiêp thuê đất.
Doanh nghiệp muốn thuê đất, thì thẩm quyền thuộc sở Tài nguyên Môi trường và UBND tp Hà Nội.
Chuyện ông Đỗ Kim Hoàn được UBND huyện Phúc Thọ giao đất với giá 1.755 đồng/1m2/năm, tức tính ra chỉ hơn 146 đồng/tháng. Trong khi đó ông Hoàn cho công ty Việt Mỹ thuê lại 3000 m2 đất với giá thuê 20 ngàn đồng/1m2/tháng (tức 60 triệu/tháng), sự việc này có được hạch toán doanh thu hàng năm để đóng thuế cho Nhà nước hay không, vẫn còn là 1 dấu hỏi.
Tất cả cần các cơ quan quản lý Nhà nước vào xem xét, xử lý theo quy định.
“Huyện Phúc Thọ cần thanh tra, kiểm tra xem việc cho cá nhân ông Hoàn thuê đất từ năm 2005 đến nay có phát huy hiệu quả không? Phát sinh ra trường hợp này, có thể thấy huyện đã thiếu đi việc kiểm tra, giám sát thường xuyên dẫn đến việc ông Hoàn thu lợi bất chính. Khi thấy ông Hoàn không còn nhu cầu sử dụng đất nữa(biểu hiện qua việc cho công ty Việt Mỹ thuê lại), thì UBND huyện Phúc Thọ cần phải đứng ra thu hồi và hủy hợp đồng cũ (HĐ số 27/PV).
Lúc ấy, nếu công ty Việt Mỹ đầy đủ thủ tục được cấp phép, Nhà nước sẽ cho đơn vị này tiếp tục thuê và sử dụng đất theo biểu giá mới”, luật sư Tuấn nói.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin