Trận chiến chết người qua làn sóng điện giữa Nga và Ukraine
Sử dụng làn sóng điện từ để theo dõi hoặc gây nhiễu cho các vũ khí thông minh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đấu giằng co giữa Nga và Ukraine. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác đều để mắt đến thực tiễn này.
Các máy bay không người lái (UAV) bắt đầu rụng như sung trên tiền tuyến Ukraine mà gần như không rõ nguyên nhân. Ấn số ở đây là làn sóng vô tuyến điện.
Cuộc chiến ngầm và những cuộc tấn công vô hình
Trong nhiều tháng, các thiết bị bay này (do hãng công nghệ Đức Quantum Systems cung cấp) hoạt động suôn sẻ cho quân đội Ukraine, bay lượn trên bầu trời để phát hiện xe tăng và binh lính đối phương trong cuộc xung đột vũ trang với Nga. Nhưng rồi đến cuối năm 2022, các cỗ máy này đột nhiên rơi rụng khi quay trở về.
Sven Kruck - một quan chức của Quantum Systems, nói: “Đây là một điều bí ẩn”. Bộ Quốc phòng Ukraine đã gửi thư yêu cầu hãng này khắc phục lỗi mới này.
Các kỹ sư của Quantum Systems sau đó nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân: Quân đội Nga đã gây nhiễu cho các tín hiệu vô tuyến kết nối các UAV đó với các vệ tinh mà chúng phải dựa vào để định hướng khi bay, khiến cho UAV mất phương hướng và rơi thẳng xuống mặt đất.
Để đối phó, Quantum Systems phát triển phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để đóng vai trò một trắc thủ thứ 2 và bổ sung thêm một lựa chọn điều khiển thủ công UAV bằng bộ điều khiển Xbox. Hãng này cũng xây một trung tâm dịch vụ để theo dõi các cuộc tấn công điện tử của Nga.
Cuộc chiến ngầm đang diễn ra khốc liệt ở Ukraine trong địa hạt vô hình là các làn sóng điện từ, trong đó các tín hiệu vô tuyến được sử dụng để áp đảo các kết nối liên lạc với UAV và binh sĩ, định vị mục tiêu và đánh lừa các vũ khí có dẫn đường. Chiến thuật tác chiến điện tử này đã biến thành cuộc đấu “mèo vờn chuột” giữa Nga và Ukraine, lặng lẽ tạo ra những thay đổi lớn trong xung đột vũ trang của thế kỷ 21 và buộc các kỹ sư phải thích ứng không ngừng.
Tầm quan trọng của tác chiến điện tử
Bryan Clark, nghiên cứu viên tại Viện Hudson (ở Washington, Mỹ) cho hay: “Tác chiến điện tử tác động đến chiến sự ở Ukraine tương tự như yếu tố thời tiết và lãnh thổ”. Ông bổ sung: Mọi hoạt động quân sự trong xung đột Ukraine giờ đều phải tính tới các động thái của đối phương trong mảng điện từ.
Tác chiến điện tử là một đặc điểm của chiến tranh trong hơn 100 năm qua. Trong Thế chiến II, người Anh làm giả tín hiệu vô tuyến của Đức để đánh lừa hệ thống ngắm bắn mà máy bay ném bom sử dụng.
Trong cuộc chiến Iraq thập niên 2000, Mỹ sử dụng các thiết bị gây nhiễu để tạo ra nhiều nhiễu vô tuyến khiến các thiết bị nổ tự chế không thể liên lạc được với bộ phận kích nổ từ xa. Gần đây, Israel đã gây nhiễu các tín hiệu GPS trong không phận của mình bằng hệ thống tác chiến điện tử để vô hiệu hóa các cuộc tấn công bằng UAV hoặc tên lửa.
Xung đột Nga - Ukraine hiện nay là cuộc xung đột đầu tiên giữa 2 quân đội lớn và tương đối hiện đại triển khai rộng rãi các năng lực tác chiến điện tử và phát triển kỹ thuật đó trong thời gian thực. Các trắc thủ UAV Ukraine cho biết, họ thường xuyên phải tinh chỉnh phương pháp của mình để lẩn tránh các đòn tấn công vô hình
Tác chiến điện tử quan trọng đến nỗi chiến thuật này có hẳn một mục trong bài viết chuyên đề mới đây của Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhny: “Việc sử dụng phổ biến công nghệ thông tin trong quân sự” sẽ là chìa khóa để phá vỡ thế bế tắc trong xung đột với Nga.
Giới chuyên gia cho biết, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều theo dõi sát sao hoạt động tác chiến điện tử ở Ukraine để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc xung đột trong tương lai.
Uy lực của ăng-ten và thiết bị gây nhiễu
Khi tiến về Kiev vào tháng 2/2022, quân đội Nga tỏ rõ là một lực lượng mạnh về tác chiến điện tử. Khi ấy Nga sử dụng các máy gây nhiễu mạnh và tên lửa nhử để áp đảo hệ thống phòng không Ukraine,
Vũ khí điện tử thoạt tiên có vẻ không nguy hiểm. Đó chỉ là các chảo vệ tinh hoặc ăng-ten có thể gắn trên xe tải hoặc dựng trên cánh đồng hoặc tòa nhà. Nhưng sau đó chúng phát các sóng điện từ để tấn công, đánh lừa hoặc chặn các cảm biến và kết nối liên lạc dẫn đường cho vũ khí chính xác và bảo đảm liên lạc bằng vô tuyến điện.
Một công cụ cơ bản nhưng hiệu quả là thiết bi gây nhiễu bằng cách phát đi các tín hiệu mạnh vào đúng tần số mà máy bộ đàm hoặc UAV đối phương sử dụng.
Một vũ khí quan trọng khác là gửi đi một tín hiệu giả vờ là kết nối vệ tinh. Các tín hiệu giả có thể cung cấp tọa độ giả cho UAV hoặc tên lửa của đối phương.
Các công cụ khác lại tìm kiếm các tia bức xạ để định vị thiết bị phát ra chúng. Với các thiết bị này, người dùng có thể xác định được vị trí trắc thủ đối phương.
Tuy nhiên, sau đó, quân đội Nga không còn giữ được ưu thế về tác chiến điện tử nữa. Nhưng khi chiến sự tiếp diễn, người Nga đã lại nhanh chóng thích ứng, chế ra các vũ khí điện tử nhỏ hơn và cơ động, như các súng chống UAV và thiết bị gây nhiễu siêu nhỏ, tạo ra “bong bóng” vô tuyến điện quanh chiến hào.
Nga tỏ rõ ưu thế về tác chiến điện tử
Chính phủ Ukraine mới đây đã kêu gọi các hãng tìm phương án gây nhiễu cho các UAV Shahed được phía Nga sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine.
Mùa hè vừa qua, Oleksandr Berezhny - một quan chức Quantum, đã chia sẻ với NATO kiến thức họ biết về tác chiến điện tử. Tại một căn cứ ở Đức, họ giải thích các vấn đề mà họ đối mặt.
Ông Berezhny nói: “Chúng tôi đã kể cho họ biết rằng có lẽ tới 90% hệ thống của Mỹ và châu Âu đưa tới Ukraine không được chuẩn bị để đối phó với thách thức tác chiến điện tử tại đó”.
Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc cũng phân tích kỹ tình hình để xác định được các cuộc tấn công điện tử nào của Nga là hiệu quả trước các hệ thống của NATO, cũng như cái nào chưa thành công.
Trong một báo cáo vào tháng 11/2022, một tổ chức nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc đã viết chi tiết về cách thức một cuộc tấn công điện tử của Nga đã lừa các thiết bị dò tìm của NATO khiến Ukraine bộc lộ vị trí hệ thống phòng thủ điện tử của riêng họ.
Báo cáo nhận định: “Năng lực tác chiến chống UAV của quân đội Nga vượt trội so với quân đội Mỹ”.