Trận đại hồng thủy thảm khốc gây thiệt hại 10 tỷ USD ở Pakistan
Ngày càng có nhiều lo ngại đối với nạn nhân lũ lụt tại nhiều vùng bị tàn phá của Pakistan, nơi các con đường chính bị phá hủy vì nước lũ, gây cản trở nỗ lực cứu trợ.
Trong chuyến thăm tới một khu vực bị ngập lụt nặng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, ở phía tây bắc Pakistan hôm 29/8, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã mô tả những trận mưa là “chưa từng có trong 30 năm qua”. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá như vậy trong đời”, ông nói và cam kết rằng chính phủ “sẽ không làm các nạn nhân lũ lụt thất vọng”.
Tỉnh trưởng Balochistan ở phía nam cho biết cần có thêm sự trợ giúp từ chính phủ liên bang ngay lập tức.
“Chúng tôi đang đối mặt với việc thiếu nguồn lực tài chính, lều trại, hàng hóa cứu trợ khác, và các kênh kết nối, vì tất cả đường cao tốc chính đều bị hư hỏng nặng, cản trở nỗ lực cứu trợ của chúng tôi”, ông Mir Abdul Qudoos Bizenjo nói, đồng thời cho biết tỉnh của ông ước tính thiệt hại hơn 200 tỷ rupee (900 triệu USD).
Bộ trưởng Kế hoạch Ahsan Iqbal cho biết trên toàn quốc, thiệt hại kinh tế ban đầu có thể lên tới ít nhất 10 tỷ USD. “Tôi nghĩ con số sẽ rất lớn. Cho đến nay, ước tính sớm và sơ bộ cho thấy điều đó, con số hiện cao hơn 10 tỷ USD”, ông nói với Reuters.
“Đại dương lớn” giữa Pakistan
Các quan chức cho biết lũ quét do biến đổi khí hậu gây ra đã ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người.
“Tất cả là một đại dương lớn, không có đất khô để bơm nước ra. Trực thăng của chúng tôi không tìm thấy chỗ khô ráo để thả thực phẩm xuống”, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Sherry Rehman nói hôm 29/8, khi số người chết trong đợt lũ lụt năm nay đã tăng lên 1.136 người. Con số này dự kiến tăng lên rõ rệt khi các đội cấp cứu tiếp cận nhiều cộng đồng bị mất kết nối hơn.
Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) cho biết gần một triệu ngôi nhà đã bị hư hại kể từ khi mưa lớn bắt đầu vào giữa tháng 6, cũng như 3.451 km đường và 149 cây cầu. Khoảng 719.000 vật nuôi đã bị mất.
Thủ tướng Sharif hôm 29/8 tiếp tục kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Những chuyến hàng viện trợ đầu tiên đã đến qua các chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và UAE.
Hơn 75% diện tích Balochistan, tỉnh lớn nhất và nghèo nhất của Pakistan, thiệt hại do lũ lụt. Phần lớn tỉnh Sindh lân cận chìm trong nước. Mực nước tại hồ Manchar đã tăng lên hơn 36,5 m, gần "mức độ nguy hiểm", người đứng đầu tỉnh Sindh nói với truyền thông địa phương.
Tại thành phố Shikarpur ở phía đông nam của Sindh, không xa sông Indus, Rehan Ali, một lao động 24 tuổi, nói rằng anh không thể xây lại ngôi nhà bị sập của mình nếu không có sự giúp đỡ của chính phủ. Anh hiện cũng không thể làm việc vì tình hình hỗn loạn. "Tôi thậm chí không có bất cứ thứ gì để nuôi gia đình", anh nói với AP. "Tôi đã mất mọi thứ. Tôi không biết phải đi đâu".
Zuhaib Ahmed Pirzada, một nhà hoạt động khí hậu từ tỉnh Sindh, đã chia sẻ một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nước chảy về phía thị trấn Khairpur Nathan Shah. “Các nhân viên kiểm lâm (bán quân sự) đã yêu cầu người dân sơ tán. Những người có ôtô đã làm như vậy, nhưng chi phí vận tải đã tăng lên và người nghèo không thể mua được ôtô”.
Mukesh Meghwar, một nhà hoạt động khác, cho biết gần Jhuddo, ở quận Badin, quê hương của ông, hôm 28/8 cũng hứng mưa lớn và lũ lụt, khiến hơn 3.000 gia đình phải rời bỏ nhà cửa. Ông nói rằng hơn một nửa thị trấn chìm trong nước. “Đây là một thảm họa cực kỳ lớn”.
Thảm họa còn tiếp diễn
Umar Rashid, thuộc tổ chức từ thiện Bàn tay Hồi giáo của Anh, đã trở về vào hôm 28/8 từ quận DG Khan ở phía tây nam Punjab, mô tả ông bị sốc trước quy mô thiệt hại do lũ lụt gây ra. “Nước sông tràn ra ngoài và đi vào rất nhiều cộng đồng, làng mạc bên cạnh. Nó đã hoàn toàn phá hủy mọi thứ ở đó".
Ông cho biết người dân trong một ngôi làng mà mình đến thăm để phân phát viện trợ đều mô tả nước ngập đến cổ của họ. “Nước trong khu vực đó đang dần bắt đầu rút đi, nhưng cơ sở hạ tầng ở đó không còn gì”.
Ôn nói thêm rằng vì thường xuyên có nhiệt độ trên 40 độ C và độ ẩm cao, “đây hiện là nơi sinh sản hoàn hảo của muỗi và các bệnh lây truyền qua đường nước”.
“Chúng tôi dự kiến lũ lụt sẽ còn tiếp tục. Đáng buồn là chúng tôi cũng dự kiến có nhiều người chết hơn”, ông nói.
Hôm 28/8, Bộ trưởng Rehman cho biết khí hậu ấm lên đang khiến sông băng ở các khu vực miền núi phía bắc tan chảy nhanh hơn bình thường, làm trầm trọng thêm tác động của mưa lớn.
Pakistan có 7.532 sông băng, nhiều hơn bất kỳ nơi nào ngoài vùng cực. Ông Simon Bradshaw, thuộc Hội đồng Khí hậu Australia, tin rằng điều này khiến Pakistan trở thành một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông cho biết thời tiết khắc nghiệt - cũng đã ảnh hưởng đến Trung Quốc, châu Âu và Mỹ vào mùa hè này ở Bắc bán cầu - ngày càng trở nên khó dự đoán hơn do bầu khí quyển ấm lên tạo ra nhiều sự kiện bất ổn hơn.
Bradshaw kêu gọi các nước phát triển phải làm nhiều hơn nữa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. “Thông thường, các quốc gia đóng góp ít nhất vào vấn đề nóng lên toàn cầu như Pakistan lại là những nước phải trả giá đắt nhất về thảm họa thời tiết”.
Lũ lụt xảy ra vào thời điểm Pakistan phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, khiến đất nước suýt vỡ nợ. Tối 28/8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phê duyệt việc giải ngân khoản tiền cứu trợ trị giá 1,7 tỷ USD cho Pakistan.