Trận đánh thương vong lớn khiến Mỹ cân nhắc về việc dùng bom hạt nhân

Sau khi hứng chịu thương vong lớn từ trận đánh và chứng kiến cách phản ứng của lính Nhật, giới chức Mỹ đã cân nhắc về việc có tấn công đất liền Nhật Bản và sử dụng bom hạt nhân hay không.

Tranh vẽ quân Mỹ trong trận chiến trên đảo Iwo Jima. Nguồn: Thisiswhywestand

Đêm 25/3/1945, khoảng 300 lính phát xít Nhật bất ngờ tấn công sân bay số 2 ở đảo Iwo Jima, phía tây Thái Bình Dương. Đây là binh lính thuộc những đơn vị cuối của 21.000 quân Nhật giao tranh trên đảo 35 ngày trước đó.

Quân đội Mỹ đã sớm giành được sân bay số 2 trong cuộc giao tranh, nhưng mạng lưới đường hầm rộng khắp và các cuộc diễn tập ban đêm giúp quân Nhật mở cuộc tấn công quy mô lớn cuối cùng vào đêm 25/3. Đó là một diễn biến đáng chú ý của trận Iwo Jima - trận đánh được cho là đã buộc giới chức Mỹ phải suy nghĩ kỹ về việc có nên tấn công vào đất liền của Nhật Bản và cân nhắc dùng bom nguyên tử.

"Người gác cửa cho thủ đô của đế quốc Nhật"

Đảo Iwo Jima trong ngày thứ hai bị Hải quân và Không quân Mỹ oanh tạc vào tháng 2/1945. Ảnh: Getty

Dù có diện tích bề mặt chỉ khoảng 20 km2 và cách đất liền Nhật Bản khoảng 1.200km, đảo Iwo Jima giữ vai trò cực kỳ quan trọng.

Với đế quốc Nhật, đây là một vùng lãnh thổ có chủ quyền quan trọng tới mức, một sĩ quan Nhật Bản đã ví nó là "người gác cửa cho thủ đô của đế quốc Nhật".

Các trạm radar trên đảo giúp đưa ra cảnh báo kéo dài 2 tiếng cho đất liền Nhật Bản về các cuộc tấn công của pháo đài bay B-29 (Mỹ) trong năm 1945. Các sân bay trên đảo Iwo Jima cho phép các máy bay của Nhật Bản đánh chặn máy bay ném bom cũng như tấn công vào các căn cứ Mỹ.

Với quân Đồng Minh, đảo Iwo Jima đóng vai trò thiết yếu như một bãi đáp khẩn cấp cho máy bay, căn cứ cho các máy bay hộ tống và là bệ phóng cho các cuộc tấn công vào đất liền Nhật Bản trong tương lai.

Nhận thức được tầm quan trọng của hòn đảo, quân Nhật đã dành cả năm để chuẩn bị phòng thủ, chống đổ bộ lên đảo. Dưới sự chỉ đạo của trung tướng Tadamichi Kuribayashi, quân Nhật đã sơ tán toàn bộ dân thường, đốt sạch toàn bộ thảm thực vật và xây dựng hơn 17km boongke và hầm ngầm.

Hệ thống phòng thủ sâu và phức tạp được xây dựng trên đảo. Các boongke và vị trí đặt súng đan xen nhau. Hầm ngầm giúp Nhật tránh được thiệt hại và thương vong do các cuộc oanh tạc và bắn phá của không quân, hải quân Mỹ.

Mục tiêu của trung tướng Kuribayashi là dụ quân Mỹ vào "vùng chết", sau đó nã pháo và sử dụng chiến thuật du kích để phục kích. Kuribayashi cấm quân lính tấn công theo kiểu tự sát, khuyến khích mỗi lính Nhật giết được 10 binh sĩ Mỹ.

"Một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất Thế chiến II"

Theo Business Insider, gần 80.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đã được huy động để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên đảo Iwo Jima. Hỗ trợ các binh sĩ là hơn 500 tàu và hàng trăm xe tăng cùng chiến đấu cơ. Người Mỹ dự tính kiểm soát hòn đảo trong một tuần.

Sau 10 tuần không kích và 3 ngày bắn phá của hải quân, nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đổ bộ lên đảo vào 8h59p sáng 19/2/1945. Ban đầu, họ không gặp quá nhiều sự phản kháng vì trung tướng Kuribayashi lệnh cho quân Nhật chờ đợi cả tiếng đồng hồ để quân Mỹ tập trung trên các bãi biển của hòn đảo. Thấy thời cơ đến, Kuribayashi lệnh cho 400 khẩu pháo đồng loạt khai hỏa nhằm vào quân Mỹ.

Binh sĩ Mỹ bò trên bờ biển ở đảo Iwo Jima, dưới hỏa lực dữ dội của lính Nhật. Ảnh: Mediadrumimages

Hậu quả rất tàn khốc. "Đó là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất trong Thế chiến II", thiếu tá Frederick Karch, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến trong Thế chiến II, kể lại năm 2021. "Tôi không hiểu bằng cách nào một người có thể sống sót dưới cơn mưa đạn pháo như vậy".

Nhiều binh sĩ và phương tiện của quân Mỹ bị sa lầy vì tro núi lửa trên đảo Iwo Jima. Khi tiến được sâu hơn, quân Mỹ không biết đã lọt vào "vùng chết" mà lính Nhật giăng sẵn. Sau khi để quân Mỹ chiếm các boongke, lính Nhật đã sử dụng các đường hầm để chiếm lại boongke và bất ngờ tấn công khiến quân Mỹ hoang mang.

Cuối ngày đổ bộ đầu tiên, quân Mỹ chịu thương vong lớn khi hơn 540 binh sĩ tử trận và hơn 1.700 người khác bị thương, trong khi quân Nhật thương vong không đáng kể.

Ngày 23/2/1945, quân đội Mỹ chiếm được núi Suribachi, phía tây nam đảo, và cắm cờ Mỹ tại đây. Giao tranh tiếp tục kéo dài thêm một tháng thay vì một tuần như tính toán ban đầu.

Quân Mỹ sau đó chuyển toàn bộ sự chú ý sang phía bắc hòn đảo Iwo Jima, nơi giao tranh ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, lính Nhật nhằm mục tiêu vào quân y của Hải quân Mỹ. Quân Nhật giả vờ kêu cứu bằng tiếng Anh rồi bất thình lình nổ súng khi quân y Mỹ tiếp cận.

Một binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 5 sử dụng súng phun lửa, tấn công boongke của quân Nhật trong trận Iwo Jima. Ảnh: Mediadrumimages

Để đối phó với các đường hầm và boongke của lính Nhật, quân Mỹ sử dụng súng phun lửa. Đây được đánh giá là vũ khí hiệu quả nhất để đối phó các hầm ngầm, boongke ở thời điểm đó. Ước tính vào cuối trận chiến đảo Iwo Jima cho thấy, hơn 37.000 lít napalm được quân Mỹ sử dụng mỗi ngày. Nếu gặp đường hầm quá sâu hoặc quá nguy hiểm để xuống, quân Mỹ sẽ ném thuốc nổ xuống đó.

Bước sang tháng 3/1945, lương thực, nước uống và đạn dược ngày càng khan hiếm với lính Nhật, thương vong của quân đế quốc ngày càng tăng.

Hành động trái quân lệnh, đại úy Samaji Inouye dẫn đầu 1.000 lính Nhật, thực hiện cuộc tấn công tự sát vào đêm 8/3/1945. Kết cục là hơn 800 lính Nhật thiệt mạng. Quân Mỹ có 90 binh sĩ thiệt mạng và hơn 250 người khác bị thương.

Ngày 16/3/1945, quân Mỹ tuyên bố kiểm soát đảo Iwo Jima nhưng nhiều lính Nhật vẫn ở trong các hầm ngầm. Đêm 25/3, rạng sáng 26/3, khoảng 300 lính Nhật mở cuộc tấn công bất ngờ vào các lều của quân Mỹ ở sân bay số 2 trên đảo Iwo Jima, khiến nhiều binh sĩ Mỹ thương vong.

Quân tiếp viện Mỹ sau đó tới và bắn hạ lính Nhật. Hầu hết lính Nhật chết trong vụ tấn công, trong khi quân Mỹ có hơn 100 binh sĩ thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Sau cuộc tấn công ngày 26/3, giao tranh quy mô lớn trên đảo kết thúc.

Cái giá phải trả

Hai binh sĩ Mỹ tử trận ở lớp tro bụi núi lửa trên hòn đảo của Nhật Bản. Ảnh: Mediadrumimages

Theo Business Insider, trận Iwo Jima kết thúc với hơn 6.800 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và khoảng 19.000 người khác bị thương. Tổng thương vong là hơn 25.000 binh sĩ.

Trong số 21.000 lính Nhật, có khoảng 18.000 người tử trận và chỉ có 218 người đầu hàng tính đến ngày 26/3/1945. Khoảng 3.000 lính Nhật còn lại sống sót và cố thủ trong các đường hầm. Trong 2 tháng tiếp theo, quân Mỹ triệt hạ thêm 1.600 lính Nhật và bắt giữ 867 người.

Theo Business Insider, lần đầu tiên trong Thế chiến II, tổng số thương vong của quân Mỹ nhiều hơn quân Nhật trong một trận đánh. Điều này phần lớn được cho là do lính Nhật tận dụng lợi thế của hầm ngầm, vừa giúp bảo toàn quân số trước các đợt không kích của đối phương, vừa gây bất ngờ cho quân Mỹ.

Sau khi kiểm soát đảo Iwo Jima, quân Mỹ bắt đầu các hoạt động chiến đấu ở quanh đảo Okinawa, nằm giữa đảo Iwo Jima và đất liền Nhật Bản.

Các máy bay tự sát của đế quốc Nhật đã đánh chìm nhiều tàu chiến Mỹ và khiến gần 5.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Sự phản kháng cực đoan của lính Nhật gây thương vong lớn cho quân Mỹ trong cuộc chiến giành 2 đảo Iwo Jima và Okinawa. Điều này được cho là đã thuyết phục các lãnh đạo Mỹ rằng một cuộc tấn công vào đất liền Nhật Bản sẽ chịu thương vong lớn. Cuối cùng, họ quyết định dùng tới bom hạt nhân.

-------------------

Tại một trong những điểm nóng nhất của thế giới lúc này, hầm ngầm được sử dụng "biến hóa" chưa từng thấy từ trước đến nay, khiến nó dần trở thành một mặt trận nguy hiểm và khó lường. Thân mời độc giả đón đọc bài kỳ tới, đăng lúc 10 giờ ngày 18/12, để biết thêm chi tiết.

Nguyễn Thái - (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tran-anh-thuong-vong-lon-khien-my-can-nhac-ve-viec-dung-bom-hat-nhan-a641073.html