Trần Đề vào vụ khô tết
Gần đến Tết Nguyên đán, những cơ sở, hộ gia đình chế biến, kinh doanh khô ở xứ biển Trần Đề trở nên tất bật hơn vì đây là thời điểm để đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm số lượng sản phẩm phục vụ cho thị trường dịp tết.
Huyện Trần Đề là địa phương có nhiều loại khô ngon có tiếng của tỉnh. Nơi đây chuyên cung cấp các loại khô đặc sản, như: hắc cấy, khô heo, lù đù, lưỡi trâu, tép xẻ… Ngoài ra, còn có nhiều loại khô lạt, tẩm vị và một nắng như: cá đuối, cá dứa, mực… với đủ loại giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/kg, thậm chí là vài triệu đồng mỗi kg để khách hàng tha hồ lựa chọn.
Khoảng nửa tháng nay, không khí sản xuất khô tại huyện Trần Đề đã diễn ra khá sôi nổi, nhiều tàu, thuyền chở đầy hải sản vào đất liền, các gia đình, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh khô cá biển tại đây cũng bận rộn chọn nguyên liệu tốt nhất để phục vụ cho việc chế biến khô. Nghề làm khô tại đây diễn ra quanh năm nhưng dịp cuối năm là thời điểm để các hộ, cơ sở làm khô cung cấp nhiều sản phẩm đáp ứng cao điểm của thị trường.
Tại thị trấn Trần Đề, nhiều cơ sở đã huy động nhân công tham gia sản xuất nhằm tăng thêm số lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết. Để sản phẩm có mùi vị thơm ngon, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, người làm khô phải thực hiện nhiều công đoạn từ khâu chọn nguyên liệu đến quy trình thực hiện như sơ chế, tẩm ướp… hầu hết đều được làm thủ công và phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Chị Lê Thị Bích - chủ cơ sở khô Phong Bích ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề chia sẻ: “Hiện nay cơ sở chúng tôi tự chế biến và bán hơn 10 loại khô các loại, trong đó chủ lực là khô lù đù, lưỡi trâu; đặc biệt vào thời điểm này, cơ sở chúng tôi còn chế biến thêm khô cá khoai xẻ để bán cho mùa tết vì loại khô này được nhiều khách hàng gần xa ưa chuộng”.
Thị trấn Trần Đề là địa phương ven biển, có cảng cá nên người dân nơi đây đã tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ nguồn lợi hải sản đánh bắt được để chế biến ra các loại khô có chất lượng cao, đặc trưng vùng biển. Nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm khô và xem đây là nguồn thu nhập chính, mỗi hộ đều có bí quyết chế biến riêng để bán sỉ và lẻ cho các chợ trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Dương Thanh Ngân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề cho biết: “Năm nay nghề làm khô ở thị trấn phát triển tương đối khá. Nếu như năm ngoái trên địa bàn thị trấn chỉ có 15 hộ làm khô thì năm nay đã tăng thêm 6 hộ, nâng tổng số hộ làm khô ở thị trấn lên đến 21 hộ, ngoài ra còn có 12 hộ mua bán khô các loại. Để nghề làm khô phát triển bền vững, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở và hộ gia đình sản xuất kinh doanh”. Nhờ duy trì và phát triển nghề làm khô mà thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại thị trấn Trần Đề đã có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, bà con có thêm khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình và tiếp tục tái đầu tư cho sản xuất. Theo ước tính của chính quyền địa phương, mỗi cơ sở làm khô sẽ giúp giải quyết việc làm cho từ 3 - 10 lao động theo thời vụ.
Vài năm trở lại đây, khi có tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo thì hoạt động mua bán khô ở Trần Đề thuận lợi hơn, bởi lượng khách du lịch có dịp ghé lại để mua sắm các đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, trong năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời tiết thất thường khiến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo hạn chế hoạt động đã phần nào làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ làm nghề. Do đó, cuối năm là thời điểm để các cơ sở và hộ gia đình làm nghề chế biến, buôn bán khô tích cực chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tran-de-vao-vu-kho-tet-44682.html