Trần Hậu Tuấn lần đầu bật mí về BST 'khủng' tranh danh họa

Công chúng lần đầu biết tới BST cực 'khủng' tranh danh họa lên tới hàng trăm bức của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn.

 NST Trần Hậu Tuấn (giữa), bên trái là họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân, bên phải là nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

NST Trần Hậu Tuấn (giữa), bên trái là họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân, bên phải là nhà phê bình Phan Cẩm Thượng

Chuyện kể của người “leo núi tìm trầm”

Sáng 12/4,tại TP.HCM, công chúng ngỡ ngàng chiêm ngưỡng hơn 30 bức khổ lớn tranh danh họa Bùi Xuân Phái, và hàng chục tranh khổ nhỏ và các phác thảo của danh họa vẽ phố; gần 30 bức khổ lớn khác là tranh danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, hàng trăm bức tranh khổ lớn của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân, Tạ Tỵ, Trần Trung Tín…

“Với quy mô hàng trăm tác phẩm của hàng chục tác giả đình đám nhất Việt Nam, trải suốt chiều dài 100 năm phát triển của hội họa Việt Nam, với diện tích trưng bày và lưu trữ lượng ấn phẩm và triển lãm đồ sộ, BST của NST Trần Hậu Tuấn thuộc loại lớn nhất Việt Nam đã đành, quan trọng hơn là chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của BST bao gồm đủ các giai đoạn: Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945), Mỹ thuật thời chiến và bao cấp (1945- 1985); Mỹ thuật miền Nam trước 1975; Mỹ thuật đổi mới (1985-2000) và Mỹ thuật đương đại sau đổi mới, (từ 2000 đến nay)” – Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá.

Các bức tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái

Cuộc “leo núi tìm trầm” của “kẻ lữ hành” đã bắt đầu từ hơn 40 năm trước, với một sự tích lũy “khủng” để rồi trong sương mù dần hiện ra cái đẹp bí ẩn của các tác phẩm nghệ thuật vô giá.

“Mỗi bức tranh tôi có được đều là ký ức của những tháng ngày khó khăn với vô vàn kỷ niệm không thể nào quên của tôi cũng như của các họa sĩ và các NST. Tình yêu thương mà họa sĩ Bùi Xuân Phái dành cho chúng tôi, những đứa trẻ có may mắn được gần ông lúc sinh thời. Những bức tranh trên tường nhà ông, những cuốn sách ông cho mượn… đều là những bài học mỹ thuật quý giá. Bức tranh đầu tiên tôi có trong BST cũng là bức tranh ông tặng khi tôi chia tay ông để vào Sài Gòn lập nghiệp…” – NST Trần Hậu Tuấn hồi ức.

Có thể đếm được hơn 30 bức tranh danh họa Bùi Xuân Phái khổ lớn đang được NST Trần Hậu Tuấn lưu giữ và bảo quản

“Những lần trở lại thăm Bùi Xuân Phái và bắt đầu sưu tầm tranh của ông bằng số tiền nhỏ dành dụm, tôi luôn được ông chỉ dẫn tận tình. Đặc biệt, ông luôn khích lệ tôi tìm hiểu thêm tác phẩm của những họa sĩ bạn ông: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… Ông còn tặng tôi những bức tranh của họa sĩ Trần Trung Tín, người đã được ông phát hiện và khuyến khích rất nhiều trong những ngày đầu tiên tới với hội họa” – NST Trần Hậu Tuấn kể - Ông giới thiệu tôi tìm đến những NST như ông Lâm cà phê, ông giáo Đạm, ông Bổng... Từ họ, tôi học thêm được nhiều bài học quý giá.Thuở ấy, việc sưu tầm tranh là cả một nỗ lực. Một mặt vì đời sống chung ai cũng khốn khó, duy chỉ có tình yêu nghệ thuật là dồi dào và sâu thẳm, nên mỗi bức tranh có được đều là niềm hạnh phúc sâu thẳm và bài học thẩm mỹ…”

Gia tài "khủng" tác phẩm nghệ thuật của các danh họa đang được NST Trần Hậu Tuấn lưu giữ

Cái đẹp là vĩnh hằng

Suốt hơn 40 năm lưu giữ, để rồi lần đầu tiên trưng bày BST đồ sộ các tác phẩm thật ở vào thời buổi loạn các giá trị, trong đó có thật – giả; người làm nghề mỹ thuật đánh giá NST Trần Hậu Tuấn không hành nghề “làm tranh”, có tiền rồi tìm mua tác phẩm của các tác giả đã định vị, hay đang hot, để tham gia thị trường, cũng không phải là cái thú “chơi tranh” của những tay sành nghệ thuật; nhờ vào cái duyên đưa đẩy trong đời sống văn hóa mà mua vào bán ra hoặc tích lũy một tài sản mà ngay từ đầu ông đã ý thức xây dựng một salon nghệ thuật gia đình.

“Với tôi, “bảo tàng mỹ thuật” đầu tiên chính là BST của ông Đức Minh. Ngắm các bức tranh được NST xuất sắc này trưng bày trong một không gian rộng rãi và sang trọng, tôi vô cùng ngưỡng mộ. Trong mắt tôi, ông là một nhân vật đặc biệt, bởi cho đến tận bây giờ, khi VN đã có rất nhiều NST lớn nhưng chưa ai có được vị thế bậc thầy của ông trong lĩnh vực này. Lĩnh vực đòi hỏi không chỉ tiềm lực tài chính mà còn là chiều sâu văn hóa, sự lịch duyệt, còn đặc biệt là “con mắt xanh” trong nghệ thuật” – NST Trần Hậu Tuấn tự sự.

"Cô gái áo dài" của danh họa Nguyễn Gia Trí

Tranh khổ lớn của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

“Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự giác ngộ ra một sứ mạng văn hóa của cá nhân, nhìn thấy – yêu – hiểu hội họa nước nhà” – Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng ghi nhận.

“Mỗi khi cảm thấy buồn bã, thất vọng, ba lại nhớ về ngày xưa, những năm tháng khốn khó, những năm tháng thương yêu. Ba ngắm nhìn những bức tranh trên tường và thấy lòng mình bình yên, thanh thản, và những nghĩ suy toan tính bé nhỏ dần tan biến. Những tác phẩm quý giá trong BST đều là những lời nhắn gửi từ khát khao thẩm mỹ và những ước muốn đời thường của nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là của ba gửi lại cho con và các thế hệ tiếp theo rằng: Cái đẹp là vĩnh hằng, và cuộc đời dẫu vô vàn khổ nạn, vẫn luôn đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng…” – Trích “Ba gửi con”, bức thư gửi thế hệ trẻ của NST Trần Hậu Tuấn.

Hòa Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tran-hau-tuan-lan-dau-bat-mi-ve-bst-khung-tranh-danh-hoa-post102533.html