Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ

Cuốn sách giúp độc giả thấy được đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo nhân dân, BS. Trần Hữu Nghiệp .

BS. Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Paris năm 1939, trở về nước mở phòng khám tư ở Mỹ Tho. Năm 1945, ông là một trí thức ủng hộ cách mạng. Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, toàn quốc kháng chiến, ông đã trút bỏ tất cả cuộc sống của một bác sĩ Tây học, có phòng khám tư và một bệnh viện nhỏ tham gia kháng chiến, trở thành cán bộ y tế của quân và dân của khu 8.

Tác giả: Đại tá, Nhà văn, nhà báo Đỗ Viết Nghiệm. Số trang: 428 trang . Khổ giấy: 14,5x 20,5 cm, Nhà xuất bản Thanh niên. Sách được xuất bản nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà giáo nhân dân, BS Trần Hữu Nghiệp (15/3/1911 – 15/3/2021).

Cùng với việc tham gia chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, ông tổ chức đào tạo các cứu thương, các y tá, y sĩ phục vụ cho sự nghiệp y tế nhân dân.

Năm 1951, BS. Trần Hữu Nghiệp được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Y tế quân dân Nam Bộ, Trưởng ban kiểm huấn kiêm Hiệu trưởng Trường Y sĩ Nam bộ. Các học viên, học trò của ông đều trở thành các cán bộ tốt, lập công với nước với dân, sau này trở thành cán bộ lãnh đạo một số tỉnh thành.

Hòa bình lập lại, năm 1955, trở ra miền Bắc, BS Nghiệp được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường cán bộ y tế trung ương có số học viên mỗi năm từ 1000 đến 2000 người. Nhà trường đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng công tác quản lý, bổ túc chuyên môn cho cán bộ các cấp và bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ của ngành. Trường có công lớn trong việc đào tạo nhiều y sĩ trở thành bác sĩ; y tá thành y sĩ, để chi viện cho chiến trường miền Nam .

Cuối năm 1965, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhận nhiệm vụ trở về miền Nam trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ban Y tế miền Nam bổ nhiệm ông làm Hiệu trưởng Trường cán bộ Y tế trung cao tại chiến khu Tây Ninh đào tạo cán bộ y tế cho nhu cầu của cuộc kháng chiến. Nhà trường thực hiện nhiệm vụ : “Tuyển người tại chỗ, đón anh em từ chiến trường đi lên và đào tạo họ trở về chiến trường”.

Lễ gắn tên đường mang tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại H.Bình Chánh

Lễ gắn tên đường mang tên bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tại H.Bình Chánh

Giặc Mỹ - ngụy đã nhiều lần cho máy bay ném bom và hành quân tìm diệt cơ sở trường. Trường phải thay đổi địa điểm nhiều lần, nhưng vẫn tồn tại để phục vụ kháng chiến, các cán bộ và nhân viên vẫn kiên trì theo kháng chiến đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, ông về nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia các hoạt động xã hội.

BS. Trần Hữu Nghiệp là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ y tế, sách giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Ông còn là một nhà báo, một nhà văn tài năng. Những bài viết của ông với lời văn hấp dẫn, đầy tình cảm với ngôn ngữ của người dân Nam Bộ: mộc mạc, duyên dáng và mặn mà. Những dòng chữ, câu văn của ông trong tác phẩm thể hiện sự uyên bác về trí thức: văn học kết hợp nhuần nhuyễn với y học, chuyện cổ kinh điển Đông Tây hòa quyện với cuộc sống hiện đại ở Việt Nam.

Thầy thuốc nhân dân, BS. Trần Hữu Nghiệp về cõi vĩnh hằng ở tuổi 96, tuổi đại thọ ngày 23-12-2006 tại TP Hồ Chí Minh.

Ghi nhớ công lao của BS. Trần Hữu Nghiệp đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng ,Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 đặt tên Trần Hữu Nghiệp cho một đường phố thuộc khu y tế kỹ thuật cao Tân Kiên huyện Bình Chánh nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông.

TRẦN GIỮU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tran-huu-nghiep-doi-la-ke-si-n189153.html