Trần Khát Chân từ nhân vật chính sử đến huyền sử

Vốn dòng dõi khanh tướng, Trần Khát Chân sinh ra đã có khí chất hơn người. Năm 1388, khoa Mậu Thìn ông đỗ thái học sinh. Cuộc đời ông từ khi lớn lên đến lúc chết là những chiến công oai hùng và để lại không ít tiếc nuối với những câu chuyện đầy tính huyền thoại.

Đền thờ Trần Khát Chân (nghè Bản Thủy) ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) được xây dựng vào thời nhà Lê thế kỷ XVII-XVIII.

Đền thờ Trần Khát Chân (nghè Bản Thủy) ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) được xây dựng vào thời nhà Lê thế kỷ XVII-XVIII.

"Không đuổi được giặc xâm lăng thì không quay về”

Sinh ra và lớn lên giữa cảnh đất nước loạn lạc, chàng trai Trần Khát Chân sớm đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, giỏi võ, lắm cơ mưu.

Trưởng thành trong giai đoạn suy vi của vương triều Trần, phần lớn các vị vua lúc này khá bất tài, bị quyền thần lấn át, thậm chí là bị bức tử. Bên cạnh đó lại phải đối mặt với những cuộc chiến tranh triền miên và khốc liệt của các nước lân bang, đặc biệt là quân của Chế Bồng Nga.

Tức giận trước sự xâm lược của ngoại bang, Trần Khát Chân xin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đem quân ra trận diệt giặc thù với quyết tâm “không đuổi được giặc xâm lăng thì không quay về”.

Bằng tinh thần dũng cảm mưu cao, ông cùng với cận thần giả danh làm ngư dân chài lưới trinh sát trên sông. Biết rõ nơi đậu thuyền của Chế Bồng Nga, ông đã dùng hỏa công bắn, tiêu diệt tại chỗ rồi đem thủ cấp của tướng giặc về tâu thượng hoàng ở bến Bình Than. Tướng mất, quân Chiêm Thành tan tác tháo chạy về nước.

Với những công trạng của mình, Trần Khát Chân được phong Thượng tướng quân, được ban thái ấp ở làng Hà Lãng huyện Vĩnh Linh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc). Sau này, ông còn được triều đình cấp thêm đất đai, lập ấp ở Hoàng Mai, phía Nam thành Thăng Long (Hà Nội).

Năm 1395, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly nắm mọi quyền binh trong tay. Kể từ năm 1397, Hồ Quý Ly bắt đầu cho xây dựng kinh đô mới ở Thanh Hóa (ngày nay gọi là thành Tây Đô, hoặc Thành Nhà Hồ).

Thành Nhà Hồ có 4 cửa mở ra bốn hướng và cửa Nam là chính môn. Từ cửa Nam có con đường lát đá dẫn thẳng tới ngọn Đốn Sơn (còn gọi là núi Đún). Con đường dài tới ba ngàn thước và đã được cho rằng, Trần Khát Chân chính là người trực tiếp chỉ huy và đắp nền.

Những việc làm không thuận lòng người của Hồ Quý Ly đã làm cho một số quan lại “ôm ấp” tư tưởng trung thành với họ Trần càng thêm bất mãn. Họ cấu kết với nhau tìm cách mưu sát Hồ Quý Ly, trong số đó có anh em Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hạng. Mưu sự bất thành, Trần Khát Chân và hơn 370 người bị giết và bị tịch thu gia sản, con gái bắt làm tì, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc chôn sống hoặc dìm nước.

Chinh chiến trước cả nghìn quân, nhưng lại không thể bảo toàn được tấm thân trước những biến cố phức tạp của triều Trần, Trần Khát Chân chết khi mới 29 tuổi. Ông được mai táng dưới chân núi Đốn, Vĩnh Lộc.

Giai thoại kỳ bí về những ngôi đền

Tương truyền, khi bị hành quyết, Trần Khát Chân vẫn hiên ngang phi ngựa lên đỉnh Đốn Sơn, hét vang tiếng “Trời Đất”, khiến trời đang nắng bỗng tối sầm. Điều này cũng được ghi trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: Người đời truyền rằng, Khát Chân khi sắp bị chém, lên núi Đốn gào thét ba tiếng. Chết qua ba ngày, sắc mặt vẫn như sống, ruồi nhặng không dám bậu vào. Sau đó gặp đại hạn đảo vũ thì ứng ngay. Về sau, các triều đều có sắc cho Trần Khát Chân và phong ông làm Thượng đẳng Phúc thần.

Theo sách “Thanh Hóa chư thần lục”, trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều nơi thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân. Riêng tại huyện Vĩnh Lộc có 3 nơi thờ tự hiện ở thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh.

Đền thờ Trần Khát Chân - Di tích lịch sử cấp quốc gia là nơi thờ chính vị Thượng tướng quân anh dũng thời nhà Trần.

Đền thờ Trần Khát Chân - Di tích lịch sử cấp quốc gia là nơi thờ chính vị Thượng tướng quân anh dũng thời nhà Trần.

Được mai táng dưới chân núi Đốn, Đền thờ Trần Khát Chân - Di tích lịch sử cấp quốc gia là nơi linh thiêng mà ai qua Vĩnh Lộc cũng đều muốn tới thắp một nén nhang cầu bình an.

Trong không gian xanh mướt dưới những gốc đại thụ, chúng tôi được gặp các cụ cao niên. Họ kể rằng, đền thờ được xây dựng từ cuối thế kỷ XV, theo kiến trúc “thượng sàng hạ mộ”, gồm nghinh môn, tiền đường, trung đường và hậu cung. Ngoài ra còn các công trình phụ khác như: lầu ngư dội, nhà sắm lễ... Trải qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ và ý thức gìn giữ, bảo quản của chính quyền, Nhân dân địa phương, đến nay, đền vẫn giữ được kiến trúc cổ kính, và lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, nhất là sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, ca ngợi công đức của Thượng tướng quân Trần Khát Chân.

Về Đền thờ Trần Khát Chân (nghè Bản Thủy) được xây dựng vào thời nhà Lê thế kỷ XVII-XVIII ở xã Vĩnh Thịnh, ngắm nhìn ngôi tiền đường 5 gian 2 chái, cùng 5 gian trung đường, và hậu cung, chúng tôi càng hiểu thêm sự tôn sùng vị tướng quân dũng cảm này. Đền thờ Trần Khát Chân, ngoài giá trị lịch sử văn hóa, còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, với đường nét chạm trổ hoa văn, họa tiết sắc nét và tinh xảo. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, đền vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như lư hương, chân đèn, chân nến, hương án, các đạo sắc phong, tượng gỗ, nghê gỗ...

Cũng trên đất Vĩnh Lộc, ở xã Vĩnh Tiến, Nhân dân thôn Phương Giai đã lập đền thờ Thượng tướng quân Trần Khát Chân. Lịch sử hình thành và phát triển của đền gắn liền với giai thoại, truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Tương truyền, khi Trần Khát Chân bị hành quyết, trời bỗng nhiên tối mịt. Bị chém, đầu rơi xuống đất, nhưng Trần Khát Chân vẫn nhặt lắp đầu vào và lên ngựa phóng như “bay” theo đường (Hoa Nhai) lên cổng nam thành An Tôn (Thành Nhà Hồ). Chạy đến khu vực cồn Xấm, gặp một bà lão ngồi bán nước chè xanh ở bên đường, Trần Khát Chân hỏi: - Bà có thấy ai chặt đầu rồi lắp vào lên ngựa chạy được không? - Tôi nay đã 84 tuổi rồi chỉ thấy có ông là thánh mới rơi đầu rồi có thể lắp lại, bà lão đáp.

Bà vừa dứt lời thì cả thân và đầu Trần Khát Chân đổ gục xuống đất. Con ngựa của Trần Khát Chân cưỡi và một con ngựa chạy theo sau đều lồng lên rồi rẽ sang trái, qua cánh đồng làng Thổ Sơn (Thổ Phụ, Vĩnh Tiến) xuống bến Quân, lao ra giữa dòng sông Mã. Ngay chỗ thân mình và đầu của Trần Khát Chân rơi xuống, Nhân dân đã lập hương thờ, lấy tên là đền Tam Tổng. Xưa, đền còn có chiếc trống cù mặt to bằng cái nong được để cố định ở tiền đường; trước cổng có bia đá khắc hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa), nhắc nhở từ người dân đến quan to, khi đi qua đây cũng phải hạ võng, xuống ngựa, tỏ lòng thành kính.

Không chỉ trên đất Vĩnh Lộc, Nhân dân ở các địa phương Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Thọ Xuân,... đã lập đền/ đình thờ tướng quân Trần Khát Chân. Đây vừa là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Hằng năm, cứ đến ngày 23 - 24/4 âm lịch, Nhân dân địa phương và con em họ Trần, đều nô nức về các đền, đình thờ Thượng tướng quân để thắp nhang ngày kỵ của cụ.

Tướng Trần Khát Chân mất khi tuổi đời còn rất trẻ, song câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn mãi là khúc ca bi tráng về tinh thần kiên trung, bất khuất, được hậu thế mãi truyền tụng và ngợi ca.

Bài và ảnh: BẢO ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tran-khat-chan-tu-nhan-vat-chinh-su-den-huyen-su-36711.htm