Trận không chiến như hài kịch trên bầu trời Los Angeles, Mỹ - Kỳ cuối

Không thể tin được, trong suốt quá trình truy đuổi, các máy bay đánh chặn của Không quân Mỹ đã bắn tổng cộng 208 quả rocket, nhưng mục tiêu của chúng vẫn bay một cách đầy thách thức.

“CON ĐƯỜNG HỦY DIỆT”

Nhân viên quân sự Mỹ tải những quả tên lửa nhỏ Mark 4 “Mighty Mouse” 2,75 inch lên cánh máy bay F-89. Ảnh: The X-hunters

Nhân viên quân sự Mỹ tải những quả tên lửa nhỏ Mark 4 “Mighty Mouse” 2,75 inch lên cánh máy bay F-89. Ảnh: The X-hunters

Nhưng “Trận chiến Palmdale” vẫn chưa kết thúc, vì những người dân thường trên mặt đất giờ đây phải đối mặt với một “con đường hủy diệt” do vụ đánh chặn thất bại của Không quân gây ra. Trong suốt sự cố, các quả rocket Mk.4 trút xuống Khu vực Palmdale như mưa đá, với tất cả, ngoại trừ 15 đầu đạn, đã phát nổ khi va chạm. Loạt đạn đầu tiên đã gây ra một đám cháy bụi rậm gần thị trấn Castaic, trong khi các quả rocket từ loạt đạn thứ hai đốt cháy các bể chứa dầu ở thung lũng Placerita và những bụi cây ở thung lũng Soledad và Santa Claritya.

Hơn 500 lính cứu hỏa đã được điều đến, nhưng đám cháy đã thiêu rụi hơn 4 km vuông trước khi được dập tắt. Một đám cháy khác xảy ra cách nhà máy thuốc nổ Bermite Powder chỉ 100 mét, nhưng may mắn đã được dập tắt kịp thời.

Trong khi đó, nhiều người dân trên khắp khu vực Palmdale đã trải qua những tình huống hút chết.

Theo tờ Los Angeles Times đưa tin: “Cô Edna Carlson, người sống trong ngôi nhà trên Phố Third Street East, cho biết một mảnh đạn của Không quân đã xuyên qua cửa sổ phía trước nhà cô, nảy ra khỏi trần nhà, xuyên qua một bức tường và rơi xuống tủ bếp.”

Mảnh đạn từ một quả rocket khác đã bắn xuyên qua gara chứa một chiếc J.R. Hingle, suýt trúng một vị khách tên là Lilly Willinghann. Còn ở Leona Valley, một quả rocket đã phát nổ ngay trước một chiếc xe ga do Larry Kemptin 17 tuổi và mẹ là Bernice lái. Vụ nổ đã xé toạc lốp trước bên trái, làm thủng bộ tản nhiệt và kính chắn gió, nhưng không ai trong xe bị thương.

Và có lẽ trường hợp “khiếp vía” nhất, hai người đàn ông ở Placerita Canyon vừa rời khỏi xe tải để ăn trưa dưới gốc cây thì một quả rocket đã bắn trúng chiếc xe và phá hủy nó.

Nhưng mối nguy hiểm vẫn chưa kết thúc, vì 15 quả đạn rocket chưa nổ vẫn còn nằm trong lòng đất, sẵn sàng phát nổ bất cứ lúc nào. Không quân Mỹ đã phát thông báo cảnh báo người dân không được đến gần các vũ khí và với sự giúp đỡ của sở Cảnh sát trưởng địa phương, họ đã kích nổ an toàn tất cả 15 quả tại nơi chúng rơi xuống.

Cuối cùng, thật kỳ diệu, mặc dù có hỏa hoạn và hàng chục sự cố, không có ai bị thương trong “Trận chiến Palmdale”.

THẤT BẠI KHÓ HIỂU

Câu hỏi đặt ra là tại sao Không quân Mỹ không thể bắn rơi mục tiêu sau nhiều lần bắn rocket? Theo chuyên gia Doug Barrie, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh), mọi người nên biết rằng “nói thì dễ nhưng thực hiện mới gặp khó khăn”.

Ông Doug Barrie lập luận: “Cả 2 chiếc máy bay chiến đấu đang di chuyển theo ba hướng và bắn một loạt rocket không có hệ thống dẫn đường. Tất nhiên, nhiệm vụ không dễ thực hiện mà khi đã bắn trượt lần đầu thì những lần tiếp theo sẽ rất khó trúng mục tiêu”. Trước sự thất bại của “Trận chiến Palmdale”, Không quân Mỹ học được bài học quý giá rằng việc bắn vào đội hình máy bay ném bom của quân địch rất khác với việc nhắm bắn một mục tiêu nhỏ bé, đơn lẻ. Liệu một sự cố tương tự có thể tiếp tục xảy ra vào ngày nay? Ông Barrie cho rằng điều này là có thể, nhưng ngày nay chúng ta cũng có nhiều công cụ phòng tránh hơn.

Máy bay F-89 Scorpion (ảnh trái) của Không quân Mỹ đã bắn hơn 200 quả rocket nhưng không hạ được mục tiêu là chiếc máy bay không người lái F6F-5K (ảnh phải). Ảnh: Reddit

Máy bay F-89 Scorpion (ảnh trái) của Không quân Mỹ đã bắn hơn 200 quả rocket nhưng không hạ được mục tiêu là chiếc máy bay không người lái F6F-5K (ảnh phải). Ảnh: Reddit

Một ví dụ là các vũ khí và phương tiện điều khiển từ xa ngày nay được trang bị hệ thống tự hủy nếu gặp sự cố. Chuyên gia Doug Barrie phân tích: “Giả sử như đường liên kết dữ liệu bị mất trong một khoảng thời gian nào đó, chúng ta có một số lựa chọn - ví dụ như chiếc drone có thể chuyển sang chế độ chờ trong lúc tìm cách thiết lập lại đường kết nối dữ liệu. Nếu điều đó không xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định và chiếc máy bay còn đủ nhiên liệu, nó sẽ tìm cách quay về căn cứ”.

Các sự kiện ngày 16/8/1956 đã minh họa một cách ấn tượng về việc nước Mỹ những năm 1950 dễ bị tấn công trên không như thế nào. Nếu thay vào chiếc máy bay không người lái mất kiểm soát là một phi đội máy bay ném bom của Liên Xô, thì khả năng Không quân bắn hạ muc tiêu địch và ngăn chặn sự hủy diệt với Los Angeles sẽ rất mong manh.

Thất bại này còn bộc lộ những sai sót rõ ràng trong hệ thống kiểm soát hỏa lực E-6 và rocket Mk. 4, trong đó Mk.4 đã được cho “nghỉ hưu” trong vai trò một vũ khí không đối không và đã thích nghi thành công với vai trò tấn công mặt đất.

Thay vào đó, vào năm 1957, Không quân Mỹ đã áp dụng một loại vũ khí thực sự đáng sợ là AIR-2 Genie, một tên lửa phóng từ trên không, không có điều khiển, được trang bị đầu đạn hạt nhân 1,5 kiloton, dựa vào bán kính nổ và bức xạ cực lớn của nó để tiêu diệt nhiều máy bay ném bom đối phương cùng một lúc. Trong khi các tên lửa dẫn đường tinh vi hơn như Hughes AIM-4 Falcon và Sperry AIM-7 Sparrow lần lượt ra mắt, Genie vẫn được Không quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Canada sử dụng trong nhiều thập kỷ, và chỉ được cho nghỉ hưu vào năm 1985.

Để tránh các sự cố như “Trận Palmdale”, ngày nay hầu hết các UAV quân sự đều được trang bị các thiết bị an toàn khiến chúng tự động vào chế độ chờ và quay trở lại căn cứ khi mất liên lạc với bộ điều khiển. Nhưng tai nạn vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Ví dụ, vào ngày 13/9/2009, một UAV tấn công MQ-9 Reaper trong một sứ mạng trên bầu trời Afghanistan đã bị mất kiểm soát, buộc máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ phải bắn hạ trước khi nó đi lạc ra khỏi không phận Afghanistan.

Rất may là những sự cố như vậy rất ít và hiếm khi gây ra thương tích. Chỉ khi những thiết bị bay không người lái mất kiểm soát bắt đầu quay lại và bắn trả “quân mình” thì chúng ta mới thực sự bắt đầu lo lắng. Khi điều đó xảy ra, có lẽ thế giới đang phải đối mặt với một thế hệ những người máy A.I nổi loạn.

Xem từ Kỳ 1: MỤC TIÊU NHỎ BÉ "BẤT BẠI"

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Todayifoundout)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-mat/tran-khong-chien-nhu-hai-kich-tren-bau-troi-los-angeles-my-ky-cuoi-20241205175629750.htm