Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên mạng
Từ năm 2018 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã kiểm tra nhiều doanh nghiệp, xử phạt 500 triệu đồng; gỡ bỏ 35.943 mặt hàng và hơn 3.000 tài khoản trên các sàn thương mại điện tử đã bị khóa.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ trong 7 năm qua, đặc biệt thông qua các website - từ 763 website năm 2013 tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường TMĐT cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỉ USD năm 2016 tăng lên 8 tỉ USD vào năm 2018. Hiện bán lẻ qua TMĐT chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên, mặt trái của TMĐT là các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái gia tăng đến mức khó kiểm soát. Tại buổi làm việc về chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong TMĐT vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, từ năm 2018 đến nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã kiểm tra nhiều doanh nghiệp, xử phạt 500 triệu đồng; gỡ bỏ 35.943 mặt hàng và hơn 3.000 tài khoản trên các sàn TMĐT đã bị khóa.
Ông Hải nói: “Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang TMĐT, mạng xã hội (Facebook, YouTube...) diễn ra phổ biến, công khai, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, niềm tin người tiêu dùng. Rất khó ngăn chặn nạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội”.
“Chiêu” bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội mà các đối tượng thường sử dụng là dùng hình ảnh thật, hàng chính hãng để quảng cáo, nhưng lại chào bán giá rẻ hơn nhiều hàng thật và giao hàng cho người mua là hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ. Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng dễ dàng bị gắn mác “hàng ngoại xách tay chính hãng” nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái.
Để qua mắt các nhà chức trách, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội thường tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật. Ví dụ, đối tượng bán hàng giả cố tình thay đổi tên sản phẩm là “N.I.K.E” thay vì “NIKE”. Thậm chí, có những đối tượng bán lá cây cần sa nhưng rao bán “lá cây đu đủ”, “cỏ Mỹ”... Các đối tượng bán hàng trên mạng thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hóa ở nhiều địa điểm, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài, trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam hoặc chỉ thiết lập fanpage để chạy quảng cáo. Các đối tượng này cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc nào...
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý kinh doanh online, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho hay: “Có những trang bán hàng online khi chúng tôi dùng nghiệp vụ kiểm tra thì lại nằm trong các khu chung cư và muốn lên được căn hộ kiểm tra phải có giấy tờ của cấp có thẩm quyền, gây trở ngại cho quá trình kiểm tra. Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 100% giao dịch trên mạng thường không có hóa đơn chứng từ. Việc lần ra đầu mối cung cấp hàng giả, hàng nhập lậu rất khó”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất theo các nhà quản lý chính là từ người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng biết hàng giả nhưng vẫn mua vì giá rẻ và thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Điều này khiến công tác chống hàng giả, hàng nhái đã khó khăn càng khó khăn hơn vì sự “tiếp tay” vô tình của khách hàng.
Một khó khăn nữa, theo ông Hải, là trình độ, năng lực nghiệp vụ của cán bộ thi hành pháp luật còn yếu, chưa kể trang thiết bị chưa đáp ứng được những thay đổi công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn hạn chế.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, sắp tới Cục sẽ tăng cường tiến hành rà soát, phân loại các website, ứng dụng TMĐT, các nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, để chặn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng, ông Trần Hữu Linh đề nghị sửa các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm của chủ các sàn TMĐT.
Các chủ sàn TMĐT là người tổ chức ra “chợ” để các chủ thể khác kinh doanh, buôn bán, nếu không có biện pháp ràng buộc trách nhiệm của những ông chủ này thì rất khó quản được - ông Linh nhận định.
Với riêng kênh bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, YouTube...), ông Linh đề nghị phải có biện pháp khẩn cấp dừng, chặn tên miền, website ngay khi phát hiện sai phạm.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tran-lan-hang-gia-hang-nhai-tren-mang-548152.html