Tràn lan video độc hại, nguy hiểm trên Internet: Bảo vệ trẻ nhỏ bằng cách nào?
Các chuyên gia cảnh báo về tình trạng các video độc hại, nhảm nhí tràn lan trên mạng Internet khiến trẻ nhỏ xem rồi thực hành theo sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Hiểm họa khôn lường
Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do các em nhỏ làm theo các video trên Youtube khiến nhiều bậc phụ huynh bất an, lo lắng về sự an toàn của con em mình khi trên mạng internet hiện nay tràn lan các clip nhảm nhí, độc hại.
Cụ thể, ngày 25/11, một bé trai 8 tuổi (ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tử vong nghi do học theo thử thách Momo trên Youtube. Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, cháu bé ngồi xem tivi tại phòng khách cùng gia đình, sau đó vào nhà vệ sinh để đi tắm.
Khoảng 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời. Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện cháu bé trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc.
Cổ áo nạn nhân vướng trên móc treo quần áo. Gia đình liền đưa cháu đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi. Cơ quan chức năng nghi vấn nạn nhân học theo một trò chơi trong "Thử thách Momo" trên Youtube.
Trước đó, một bé gái 5 tuổi ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cũng tử vong thương tâm vì bắt chước 'trò chơi treo cổ' trên YouTube. Theo chia sẻ của gia đình, chỉ vài phút người lớn không để ý, bé gái này đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ rồi tự treo cổ mình.
Khi gia đình phát hiện cháu bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó cháu bé đã tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.
Gần đây nhất, một bé trai 9 tuổi ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) học theo các video trên mạng, sau đó thực hành nuốt trọn chiếc bấm móng tay vào bụng. Cháu bé nhập viện trong tình trạng ho nhiều, đau bụng.
Qua thăm khám và nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện chiếc bấm móng tay có kích thước 6×1,6 cm, nằm tại vị trí phình vị lẫn thức ăn, gây tổn thương xước niêm mạc dạ dày. Cháu bé kể lại, do thường xuyên xem các video trên YouTube nên nuốt bấm móng tay làm theo.
Đánh giá về vấn đề này, anh Bạch Ngọc Toàn - Chuyên gia công nghệ kiêm sáng lập kênh đào tạo trực tuyến TEDU cho rằng sự phát triển của các mạng xã hội Facebook, Youtube... có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực đồng thời phản ánh đúng bản chất xã hội hiện nay.
"Điều nguy hiểm hơn cả là việc trẻ nhỏ tiếp cận các thông tin xấu, độc hại ở ngoài đời thực sẽ khó hơn và dễ ngăn chặn còn trên môi trường Internet hiện nay rất dễ và khó bị phát hiện, ngăn chặn", anh Bạch Ngọc Toàn nói.
Chuyên gia công nghệ này cho biết, hiện nay các kênh Youtube ở Việt Nam đang mọc lên "như nấm sau mưa" và xem việc làm các video là nghề kiếm thu nhập từ việc quảng cáo.
"Hiện nay có rất nhiều Youtuber bất chấp lương tâm, đạo lý để "sáng tạo" những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí độc hại, nguy hiểm chỉ để câu view, câu like. Gần như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em, nội dung giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều cháu bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát, chọn lọc nội dung nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro", anh Toàn cảnh báo.
Trong khi đó, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, tại Việt Nam mạng xã hội phổ biến và thu hút nhiều người dùng, người xem nhất hiện nay Facebook và Youtube. Đây không chỉ là hai kênh giải trí thông dụng mà đến nay đã trở thành kênh kiếm tiền của nhiều người vì những tiện ích mà nó mang lại.
"Điều nguy hiểm hơn cả là việc trẻ nhỏ tiếp cận các thông tin xấu, độc hại ở ngoài đời thực sẽ khó hơn và dễ ngăn chặn còn trên môi trường Internet hiện nay rất dễ và khó bị phát hiện, ngăn chặn", Chuyên gia Công nghệ Bạch Ngọc Toàn nhấn mạnh.
"Chỉ bằng những cách thức đăng ký, tạo lập tài khoản đơn giản, sáng tạo nội dung và bật chức năng kiếm tiền thì những mạng xã hội này hoàn toàn có thể đưa lại lợi nhuận cho chủ kênh, thậm chí là lợi nhuận lớn nếu thu hút được đông đảo người xem và theo dõi", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Chuyên gia pháp lý này cảnh báo, nhiều nội dung được chia sẻ trên Youtube sẽ có tác động lớn đến người xem, trong đó phần lớn là trẻ em – đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước những hành vi xem được trên Youtube.
"Rất nhiều video đem lại kiến thức bổ ích và cảm xúc cho người xem nhưng cũng không ít video có những nội dung phản cảm, tiêu cực, bất chấp đạo đức, văn hóa xã hội chỉ để câu view, câu like. Đây chính là hai mặt tích cực và tiêu cực từ sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Ngăn chặn, bảo vệ bằng cách nào?
Để ngăn chặn những hiểm họa khôn lường trên môi trường internet đối với trẻ nhỏ, anh Bạch Ngọc Toàn cho biết, hơn ai hết, chính cha mẹ mới là những người cần phải giám sát các hoạt động của con trên Youtube nói riêng và trên mạng xã hội nói chung.
"Không chỉ Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ nhỏ đang được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội ngày nay. Trong một số trường hợp, nếu bắt buộc phải cho trẻ dùng điện thoại điện thoại thì các bậc phụ huynh phải kiểm soát được các nội dung mà các em có thể tiếp cận", anh Toàn nói.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể cho con sử dụng app Youtube Kids bởi ứng dụng này khá thân thiện, dễ sử dụng và có nội dung phù hợp với độ tuổi của trẻ nhỏ. Đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà trẻ nhỏ có thể sử dụng để có thể lọc bớt những nội dung không phù hợp khi xem.
Thạc sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nhiều nội dung được chia sẻ trên Youtube sẽ có tác động lớn đến người xem, trong đó phần lớn là trẻ em – đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước những hành vi xem được trên Youtube.
"Quan trọng nhất vẫn là các bậc phụ huynh cần thường xuyên dành thời gian cho con em mình. Hạn chế "bỏ mặc" các con với các thiết bị công nghệ. Đặc biệt, cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với thông tin nào", chuyên gia công nghệ Bạch Ngọc Toàn nói.
Để ngăn chặn các video có nội dung độc hại, nguy hiểm đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết mặc dù pháp luật có những quy định, biện pháp răn đe, xử lý và các trang mạng xã hội như Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn có rất nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục "lọt lưới" kiểm duyệt và thu lợi.
"Không gian mạng là một hệ sinh thái mà người dùng có thể thoải mái sáng tạo và phát triển nội dung. Tuy nhiên việc truyền tải, xây dựng nội dung phải phù hợp quy định pháp luật, không thể chỉ vì “câu view”, “câu like”, gây sốc mà hành động tùy tiện, gây phản cảm, mất thuần phong mỹ tục dân tộc, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, văn hóa, đạo đức xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Qua một số vụ việc đau lòng xảy ra thời gian vừa qua, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng đây là hệ lụy xấu của các đối tượng vì câu view, muốn tăng lượt theo dõi, tương tác trên mạng xã hội mà đã thực hiện các hành vi trái pháp luật. Đối với những hành vi này thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền đưa dữ liệu trái phép trên mạng internet.
Theo chuyên gia pháp lý này, có thể do chính những người phát triển nội dung trên mạng cũng không hiểu biết pháp luật nên không kiểm soát được hành vi của mình. Bởi vậy, trong khi chờ một biện pháp quyết liệt hơn từ phía những công ty công nghệ hay nhà quản lý mạng xã hội thì mỗi người dùng cần tự bảo vệ mình khỏi những nội dung độc hại, phản cảm từ không gian mạng.
"Trường hợp đưa lên mạng xã hội những thông tin trái quy định pháp luật để thu lợi bất chính, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, cá nhân, tổ chức; gây ảnh hưởng xấu an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác…thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là cần kiểm tra rà soát phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời các gia đình có trẻ em cũng cần có trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục các em, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.