Tràn lan video nhảm trên mạng: Bất chấp vì thu nhập khủng?

Sẵn sàng đăng các video nhảm, nguy hiểm với lời lẽ dung tục thậm chí vu khống để hút người xem là thực trạng phổ biến trên mạng xã hội hiện nay. Theo chuyên gia, chỉ cần nhiều người xem, số tiền nhà sản xuất thu được từ các nền tảng công nghệ có thể lên tới hàng tỷ đồng một năm.

Ảnh cắt từ video ăn cá sống, còn đang giãy trên mạng

Ảnh cắt từ video ăn cá sống, còn đang giãy trên mạng

Sốc với video nhảm

“Theo yêu cầu của những bạn đã comment trên Facebook của tôi, hôm nay tôi sẽ nghịch một trò cực ngu, không gì ngu bằng nhưng tôi vẫn phải làm. Cái trò này là trò ăn mỳ tôm trong bồn cầu” - đây là đoạn mở đầu video ăn trong bồn cầu, được dân mạng đánh giá tiêu biểu cho độ nhảm nhí của nhiều Youtuber (tạm dịch là “người sáng tạo nội dung”) ở Việt Nam.

Hiện tượng các kênh trên mạng xã hội đăng tải những nội dung không phù hợp văn hóa, truyền thống xuất hiện rất phổ biến dù nhiều trường hợp đã bị xử phạt. Các video này thường có nội dung chứa những ngôn từ không lành mạnh, bạo lực, dung tục hoặc các hành động “dị” như ăn côn trùng, thử thách làm chó, troll (chơi khăm) người khác…

Gần đây, video ăn cá sống nguyên con, có con to bằng bắp tay trên một kênh YouTube đã khiến nhiều người nhận thấy họ đang xuyên tạc những món truyền thống của đồng bào sinh sống tại miền núi phía Bắc. Hành động ăn cá sống loại to, thịt sống cả tảng hoặc các côn trùng như sâu, gián cũng được nhiều kênh video khác đưa vào nội dung của mình và đa phần độc giả rất “sốc” trước cảnh này với các bình luận thể hiện: “Xem xong nổi da gà” hoặc “Ăn xong Tào Tháo có đuổi không?”… Ngược lại, rất nhiều bình luận khác thể hiện sự cổ vũ, kích động.

Hình ảnh từ một trong những video ăn mỳ trong bồn cầu trên YouTube

Hình ảnh từ một trong những video ăn mỳ trong bồn cầu trên YouTube

Tháng 9 vừa qua, Nguyễn Văn Hưng (ở Bắc Giang) - chủ sở hữu các kênh Hưng Vlog, Bà Tân Vlog đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng video “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”. Ngày 7/10, Hưng tiếp tục bị Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Giang phạt 10 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Lý do, Youtuber này đăng video “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết” với nội dung mô tả cách đập heo đất để lấy tiền bên trong. Theo cơ quan chức năng, Hưng Vlog đã thừa nhận hành vi trên là do thiếu hiểu biết và nghĩ: “Đăng tải video này với mục đích trêu đùa em trai, em gái trong gia đình”. Trên kênh có gần 3 triệu người theo dõi của mình, Hưng Vlog còn nhiều video “dị” khác như troll mẹ ăn kẹo thối, rắn thần vào nhà…

Không chỉ hành động, nhiều video hút người xem trên mạng còn chứa những lời nói, từ ngữ dung tục, phản cảm thậm chí vu khống người khác. Điển hình, ngày 20/8, cơ quan an ninh phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội phạt Nguyễn Văn Huấn (tức Huấn “hoa hồng”) 7,5 triệu đồng. Trước đó, Huấn quay video quảng cáo với nội dung chứa nhiều phát ngôn thiếu chuẩn mực, vu khống 80% công chức, thanh niên ở TPHCM từng sử dụng ma túy. Ngoài nổi tiếng với phát ngôn dung tục, Huấn “hoa hồng” còn biết đến khi bị phạt vì xuất bản lậu sách dạy làm giàu hoặc đăng video lên mạng xã hội, trong chứa quảng cáo game bài trực tuyến.

Video nhảm, hưởng lợi thật

Một Youtuber khác khá tai tiếng là Nguyễn Thành Nam - chủ NTN Vlogs với hơn 9 triệu người theo dõi. Năm 2016, Nam cùng nhóm của mình bị Công an TP Hà Nội triệu tập vì đóng giả IS, đốt bom khủng bố để người dân hoảng sợ rồi quay clip. Ngoài ra, Nam còn làm các video nhảm khác như thử thách trèo lên cột điện 100m, thả 100 con dao từ trên cao xuống...

Trên Tiktok gần đây, nhiều người cho rằng “ông tây” Cristian Rodriguez có hành động xúc phạm người châu Á vì dùng đũa gắp bánh hamburger. Trong tài khoản hơn 814 nghìn lượt thích của mình, Rodriguez còn đăng video mình đội nón lá ra trước đèn đỏ nhảy múa, lăn lộn và video này cũng nhận nhiều ý kiến chỉ trích bởi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Với video thu hút nhiều người xem, trang SocialBlade chuyên thống kê độc lập các nền tảng xã hội đánh giá, những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam như Nguyễn Thành Nam, Thơ Nguyễn, Hưng Vlogs… có thể thu về từ hàng trăm triệu với hàng tỷ đồng một năm. Những kênh như vậy khá phổ biến và số liệu của Google cho thấy, Việt Nam có 350 kênh YouTube với hơn 1 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Tương tự, Facebook cũng có thể trả tiền cho người sản xuất nội dung trên nền tảng của mình và mạng xã hội này có rất nhiều trang, người dùng sở hữu lượt theo dõi “khủng”.

Anh Nguyễn Văn Công - một nhân viên SEO tại Hà Nội cho biết, thống kê từ SocialBlade chỉ là ước tính bởi thu nhập từ làm video trên mạng phụ thuộc nhiều yếu tố và quan trọng nhất là quảng cáo. Tuy vậy, chắc chắn số tiền có được từ Google là không nhỏ nếu so với chi phí sản xuất các video nhảm nên nhiều người sẵn sàng sản xuất các nội dung không lành mạnh, miễn thu hút được người xem. Cũng theo anh Công, các kênh sản xuất video nhảm có nghiên cứu xu hướng của người dùng và luôn biết cách tạo sản phẩm sốc với chi phí thấp.

Tài khoản Tiktok tại TPHCM đăng video ra giữa ngã tư có đèn đỏ để nhảy múa

Tài khoản Tiktok tại TPHCM đăng video ra giữa ngã tư có đèn đỏ để nhảy múa

Anh Công nói: “Trước năm 2018, xu hướng là làm các video trêu trọc, troll nhau. Đến năm 2019, xu hướng chuyển thành ẩm thực dân dã và có nhiều kênh rất thành công với nội dung lành mạnh nhưng có những kênh sản xuất video theo hướng “dị” thậm chí ăn cả động vật quý hiếm như trường hợp Tam Mao TV bị kiểm lâm phạt vì nghi đem cả diều hâu Miến Điện đi xào xả ớt.

YouTube và các mạng xã hội khác đều có tiêu chuẩn nghiêm để quản lý nội dung các video nhưng vẫn có cách “lách luật” để đăng tải những nội dung bạo lực, nhạy cảm... Ví dụ, nhiều kênh đưa chi tiết nhạy cảm vào các nhân vật hoạt hình như Elsa, người Nhện và như vậy, phụ huynh dù có thấy con mình xem cũng khó biết nó nguy hại hay không”.

Việt Nam có hơn 68 triệu người dùng Internet với 65 triệu người có tài khoản mạng xã hội. Báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 của Adsoto cho thấy, nước ta lọt Top 15 quốc gia có số người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người dùng, tương đương 44,9% dân số.

Với video thu hút nhiều người xem, trang SocialBlade chuyên thống kê độc lập các nền tảng xã hội đánh giá, những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam như Nguyễn Thành Nam, Thơ Nguyễn, Hưng Vlogs… có thể thu về từ hàng trăm triệu với hàng tỷ đồng một năm.

Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/tran-lan-video-nham-tren-mang-bat-chap-vi-thu-nhap-khung-1737267.tpo