Tràn lan xâm phạm đường dây thông tin đường sắt, xử lý thế nào?
Tình trạng xâm hại đường dây thông tin tín hiệu đường sắt đang uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn do địa phương chưa thực sự vào cuộc.
Đụng đâu cũng thấy vi phạm
Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một trong những điểm “nóng” nhức nhối của tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt, nhất là vi phạm công trình thông tin tín hiệu.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong tháng 5/2022, một số hộ dân tại thị trấn Phú Xuyên ngang nhiên xây dựng nhà trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt, ôm sát đường dây thông tin.
Trong đó, công trình nhà ông Vũ Hồng Hinh sát cột thông tin. Trong khi đó, gia đình ông Ngô Văn Thuấn còn cho bó các dây thông tin lại để xây mái trùm qua, ôm dây đi xuyên lòng nhà.
“
Cần cắm mốc giới phân định rõ đất dành cho đường sắt, như vậy chính quyền địa phương, người dân đều thấy rõ, từ đó người dân tránh vi phạm, chính quyền cũng không cấp sổ đỏ, cấp đất chồng lấn đất đường sắt như tình trạng hiện nay.
Đối với vi phạm, việc xử lý phải kiên quyết; sau khi xử phạt phải yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả, khôi phục nguyên trạng, chứ không thể kiểu phạt cho tồn tại hoặc phạt xong không giám sát, cưỡng chế, lâu dần thành tồn tại lịch sử.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Kĩ thuật - An toàn Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội
”
Với những vi phạm trên, Cục Đường sắt VN đã xử phạt mỗi hộ 25 triệu đồng và yêu cầu buộc phải phá dỡ phần công trình xây dựng nhà trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Tuy nhiên, gia đình ông Vũ Hồng Hinh chỉ tạm dừng thi công nhưng chưa tháo dỡ phần vi phạm.
Gia đình ông Ngô Văn Thuấn đã tháo dỡ phần công trình ôm đường dây, phần công trình còn lại vẫn vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu.
Cách nhà ông Thuấn chỉ một nhà cũng tồn tại công trình nhà 3 tầng kiên cố của hộ gia đình ông Vũ Hồng Quân, toàn bộ hệ thống đường dây thông tin tín hiệu đường sắt bị bó lại, xuyên lòng nhà qua 2 ô cửa thoáng khí tầng 1 chật hẹp. Nhiều nhà dân trên địa bàn cũng xây dựng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho biết, với gần 600km tuyến đường trục thông tin do đơn vị này quản lý tại 11 tỉnh, thành có đến 1.632 điểm vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.
Riêng địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 9 điểm vi phạm mới.
Không chỉ tại khu vực Hà Nội, ông Lê Viết Cường, Phó giám đốc Công ty CP TTTH Đường sắt Vinh cho biết, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt cũng diễn biến rất phức tạp.
“Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 trường hợp, Nghệ An có 130, Hà Tĩnh có 118 và Quảng Bình là 191 trường hợp vi phạm”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, những trường hợp vi phạm này đều trình báo cho địa phương, lập biên bản và phối hợp giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, rất nhiều điểm vi phạm đã được địa phương cấp quyền sử dụng đất chồng lấn đất đường sắt nên rất khó xử lý.
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, năm 2021 xảy ra 30 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt. Tuy nhiên, đây chỉ là các vụ mới phát hiện. Còn tính trên các tuyến đường sắt, hiện có tới gần 5.790 vụ.
Uy hiếp an toàn chạy tàu
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Kĩ thuật - An toàn Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội cho biết: Việc bó các đường dây thông tin tín hiệu đường sắt rất dễ dẫn đến bị chập, can nhiễu.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến truyền thông tin, tín hiệu phục vụ điều hành chạy tàu.
“Các văn bản pháp luật hiện nay đều quy định rõ hành lang, phạm vi bảo vệ thông tin tín hiệu đường sắt. Cụ thể, đối với đường dây và cột thông tin, tín hiệu đường sắt, phạm vi bảo vệ trở ra hai bên, mỗi bên 2,5m; khoảng không phía trên cũng 2,5m, phía dưới phải hoàn toàn thông thoáng”, ông Cường nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia thông tin tín hiệu đường sắt cho hay, hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt là bộ phận không thể tách rời của tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
“Khi đường dây thông tin bị can nhiễu, bị sự cố, giữa Trung tâm Điều hành chạy tàu đường sắt với các ga sẽ bị mất liên lạc, không thể điều hành tổ chức chạy tàu, việc thực hiện biểu đồ chạy tàu bị phá vỡ, nguy cơ rối loạn. Nếu các tín hiệu biểu thị dọc đường bị mất, các đoàn tàu đang vận hành trên đường cũng không biết sẽ phải chạy tiếp theo thế nào”, chuyên gia cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia này, tín hiệu điều khiển hành vi của người lái tàu. Ví dụ, khi tín hiệu cấm thì lái tàu phải dừng tàu, tín hiệu mở thì được chạy. Khi thông tin tín hiệu đường dây và các thiết bị bị can nhiễu, sự cố, sẽ mất tín hiệu, đoàn tàu sẽ không thể chạy. Do đó, việc bảo vệ các đường dây, công trình thông tin tín hiệu đường sắt chính là bảo đảm cho tàu chạy thông suốt, an toàn.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo ông Uông Đình Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Cục Đường sắt VN, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo đảm an toàn hành lang đường sắt đều xác định vai trò chủ đạo là của địa phương.
Vì vậy, để xử lý kịp thời các vi phạm, các đơn vị quản lý đường sắt phải phát hiện sớm, báo ngay cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để có hướng ngăn chặn, giải quyết. Đối với địa phương, ngay sau khi nhận được báo cáo của đơn vị đường sắt phải có hướng xử lý nhanh, kiên quyết.
Ở cấp đơn vị quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, địa phương cần quan tâm tuyên truyền để phòng ngừa vi phạm phát sinh; kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
“Đặc biệt, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần rà soát, thực hiện điều chỉnh lại diện tích đất, phân định rõ phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ dân, đồng thời điều chỉnh hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương đang quản lý cho đúng với thực trạng.
Trước khi cấp phép xây dựng cho các doanh nghiệp, hộ dân dọc công trình đường sắt phải thẩm định, lấy ý kiến và được sự chấp chấp thuận của doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt”, ông Nam nói.